Nhiều người sập bẫy kẻ giả danh cán bộ

Thứ Hai, 20/04/2020, 07:29
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra một số trường hợp các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của người dân để thực hiện nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng từ các nạn nhân...


Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Gia Lai cũng đã có một số lưu ý để người dân biết rõ hơn phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao.

Điển hình là trường hợp ông T.V.D (trú phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai). Ông D bị các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng Gmail nhưng vẫn để chủ tài khoản truy cập bình thường. Do đó, ông D dùng tài khoản Gmail để làm việc mà không biết các đối tượng đang âm thầm theo dõi mình. Sau quá trình theo dõi, các đối tượng phát hiện ông D có một số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng.

Ngày 6-3, một đối tượng là nam giới gọi điện thoại cho ông D, tự xưng là cán bộ Công an và đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có liên quan đến ông D. Sau đó, đối tượng chuyển máy cho 1 người khác tự xưng kiểm sát viên,  yêu cầu ông D chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng sang tài khoản của mình để xác minh, nếu không liên quan sẽ trả lại.

Tin tưởng là thật và sợ bị liên lụy, ông D đã chuyển số tiền gần 3 tỷ đồng theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, ông D liên hệ lại số điện thoại trên thì không liên lạc được nữa nên trình báo Công an.

Một người dân bị đối tượng giả danh là cán bộ Công an để lừa đảo trình báo vụ việc.

Gần đây nhất, ngày 13/4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai nhận được đơn trình báo của chị H (trú phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) trình báo bị một số đối tượng gọi điện thoại giả danh điều tra viên, kiểm sát viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, khoảng 10h50 ngày 10-4, chị H nhận được điện thoại của 1 đối tượng nam giới, tự xưng là Nguyễn Thanh Tùng, điều tra viên, đang điều tra vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Quá trình điều tra, Tùng xác định chị H., là đối tượng có liên quan đến hành vi rửa tiền.

Tiếp đó, đối tượng Tùng chuyển điện thoại cho 1 đối tượng khác tự xưng là “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. “Viện trưởng” dọa chị H., muốn không bị bắt tạm giam thì phải gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để xác minh; nếu không liên quan đến vụ án đang điều ra sẽ chuyển trả lại.

Khi nghe vậy, phần do lo sợ, phần muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc nên chị H đã chuyển gần 600 triệu đồng vào 2 tài khoản ngân hàng mở tại TP Hà Nội. Sau đó, chị H biết mình bị lừa nên đã làm đơn gửi đến Công an tỉnh Gia Lai để trình báo vụ việc.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Các đối tượng lừa đảo ngoài việc đe dọa qua điện thoại thì còn gửi các văn bản mạo danh của cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với nội dung cần bảo mật trong quá trình điều tra. Trong đó, các đối tượng yêu cầu người bị hại không được tiết lộ ra ngoài thông tin chúng đang làm việc như lệnh bắt, phong tỏa tài sản khiến người dân hoang mang, lo lắng, từ đó thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Qua theo dõi hoạt động của các đối tượng trong thời gian qua, Công an tỉnh Gia Lai xác định, tội phạm công nghệ cao đang sử dụng 4 thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Thứ nhất là hack tài khoản email, chiếm quyền điều hành. Sau đó, giả danh là nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp mã OTP để vào tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền.

Thứ hai là giả danh người quen của bị can trong vụ án cụ thể rồi gọi điện vay mượn tiền giúp bị can, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba là lập tài khoản Facebook giả để bán các mặt hàng khan hiếm như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn với mức giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. Thứ tư là gửi đường link lạ đề nghị người dân xác thực để nâng cao tính bảo mật của tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng đánh cắp mật khẩu rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Đặc điểm chung của các thủ đoạn nói trên là các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook giả, sim rác để liên lạc, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền lòng vòng nhiều lần qua các tài khoản ngân hàng. Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác để không mắc bẫy tội phạm công nghệ cao. Khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng Internet, người dân tuyệt đối không chuyển tiền khi không biết người bán là ai; không cung cấp mã OTP cho bất kỳ đối tượng nào; thường xuyên nâng cao tính bảo mật của tài khoản ngân hàng có sử dụng Internet banking, email.

Đồng thời, không tải các phần mềm về điện thoại để quản lý tài khoản ngân hàng khi không hiểu rõ tác dụng của phần mềm. Khi nhận được tin nhắn về điện thoại, nếu không rõ người gửi tiền vào tài khoản của mình là ai thì không được thao tác theo hướng dẫn, tránh bị đánh cắp thông tin.

Khi làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi gặp những trường hợp tương tự, người dân phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để được hướng dẫn, xử lý vụ việc.

Chí Hào
.
.
.