Nguyễn Xuân Sơn xin bồi thường 45/49 tỷ đồng tham ô để thoát án tử hình

Thứ Sáu, 27/04/2018, 18:44
Theo giải thích của Chủ toạ phiên toà phúc thẩm, nếu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank, khắc phục được ¾ số tiền đã chiếm đoạt của tội tham ô tài sản thì sẽ đủ điều kiện để Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.

Ngày 27-4, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên tòa xét xử vụ án phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm.

Ngày xét xử thứ 7, Hội đồng xét xử dành thời gian để luật sư bào chữa và các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà về những vấn đề liên quan đến tội danh, hình phạt và mức bồi thường dân sự mà trong ngày xét xử thứ 6, đại diện Viện kiểm sát đã trình bày quan điểm.   

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank cho rằng,trong tổng số tiền 246 tỷ đồng mà bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm và đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm xác định đã chiếm đoạt, thực tế bị cáo đã chi hết, không giữ lại đồng nào.

Toàn bộ số tiền này, bị cáo Sơn nói đã chuyển khoản cho các Giám đốc chi nhánh của Oceanbank để chi lãi ngoài. Bản thân bị cáo Sơn chi cho một số khách hàng lớn của Oceanbank là các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngoài những khách hàng lớn của Oceanbank, bị cáo Sơn khẳng định còn chi cho một số cá nhân là lãnh đạo cấp trên, quản lý trực tiếp PVN. Cũng trong số tiền 246 tỷ đồng, bị cáo Sơn cho biết mình còn sử dụng để chi một số khoản khác vào các dịp lễ, Tết, an sinh xã hội.

“Một trong số lãnh đạo của PVN được bị cáo đưa nhiều tiền là bị cáo Ninh Văn Quỳnh, lúc đó là Kế toán trưởng của PVN. Nhưng khi ra toà, bị cáo Quỳnh chỉ khai đã nhận từ bị cáo 20 tỷ đồng. Đây là số tiền ít hơn nhiều so với số tiền thực tế mà bị cáo đã đưa”, bị cáo Sơn nói.

Bị cáo Sơn giải thích lý do phải đưa tiền cho bị cáo Quỳnh vì “Đó là đầu mối liên hệ với các ngân hàng, là người phải báo cáo với Tổng Giám đốc PVN và báo cáo với Hội đồng thành viên của PVN để họ chấp nhận gia hạn tiền gửi của PVN vào Oceanbank. Mọi lợi ích gì phát sinh của Oceanbank và PVN lúc đó đều qua trung gian là bị cáo Quỳnh. Vì thế bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo về số tiền 246 tỷ đồng mà bị cáo bị quy kết đã chiếm đoạt”, bị cáo Sơn trình bày.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Sau khi kêu oan về số tiền bị quy kết đã chiếm đoạt, bị cáo Sơn trình bày tiếp “Trong trường hợp nếu bị cáo vẫn bị quy kết phạm tội tham ô tài sản, xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được nhận lại số tiền 20 tỷ đồng mà bị cáo Quỳnh thừa nhận đã nhận của bị cáo trong vụ án PVN góp vốn trái quy định 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Số tiền 20 tỷ đồng này, bị cáo sẽ dùng để bồi thường thiệt hại trong số tiền 246 tỷ đồng bị quy kết đã chiếm đoạt của Oceanbank”.

Bị cáo Sơn cũng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm cho mình được sử dụng một số tài sản nhà đất, cổ phiếu đã bị cơ quan tố tụng kê biên để khắc phục hậu quả. Theo nhẩm tính của bị cáo Sơn, nếu bán tất cả những tài sản bị cáo đang có (đã kê biên) được khoảng 25 tỷ đồng, cộng với 20 tỷ đồng mà bị cáo Quỳnh đã nhận là 45 tỷ đồng. Như vậy bị cáo có một khoản tiền gần đủ để khắc phục riêng đối với tội tham ô tài sản.

Bản án của Toà án cấp sơ thẩm xác định, số tiền bị cáo Sơn tham ô tài sản mà có là 49 tỷ đồng. Theo giải thích của Chủ toạ phiên toà phúc thẩm, nếu bị cáo Sơn khắc phục được ¾ số tiền đã chiếm đoạt của tội tham ô tài sản thì sẽ đủ điều kiện để Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thu Thủy, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank cho rằng, thân chủ của mình không đồng ý với chủ trương chi lãi ngoài của Hà Văn Thắm và một số lãnh đạo Oceanbank thời điểm đó. Trong các cuộc họp bàn về việc chi lãi suất ngoài, đều có ý kiến giống nhau là “không chi lãi suất ngoài hợp đồng”.

Luật sư bào chữa nêu quan điểm, do bị cấp trên ép phải thực hiện nên chữ  ký của bị cáo Thủy trong các chứng từ cần được xem là không có giá trị quyết định đối với mọi khoản chi lãi ngoài với hình thức tạm ứng. “Sau này khi biết việc tạm ứng để chi lãi ngoài, Thủy đã nhiều lần đề nghị Hà Văn Thắm tuân thủ việc tạm ứng và hoàn ứng đối với các hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động chi lãi ngoài của Oceanbank”, luật sư nói.

Tự bào chữa cho mình, cựu nhân viên của Hà Văn Thắm xin giảm nhẹ hình phạt.

Từ phân tích của mình, luật sư bào chữa cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Thuỷ có sai phạm nhưng chỉ ở mức độ nhất định khi gián tiếp giúp sức cho Hà Văn Thắm và một số lãnh đạo Oceanbank về việc chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào vai trò, mức độ và hành vi sai phạm thực tế của bị cáo Thủy để chấp nhận đơn kháng cáo và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thuỷ, xem xét cho hưởng án treo.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Nga, cựu Kế toán trưởng Oceanbank mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá mức án 42 tháng tù và số tiền hơn 175 tỷ đồng mà bị cáo bị quy kết phải liên đới chịu trách nhiệm vì đã chi lãi suất trái quy định. Bị cáo Nga cho rằng, trong quá trình làm việc tại Oceanbank, mình luôn tuân thủ nguyên tắc kế toán, không có thẩm quyền phê duyệt thì không ký vào bất cứ chứng từ phê duyệt chuyển tiền nào.

Việc bị cáo ký vào các chứng từ cũng là việc bất đắc dĩ vì ăn lương của Oceanbank thì phải chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank nếu không sẽ bị đuổi việc. Kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo Nga xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt tù, xin hưởng án treo và không buộc liên đới bồi thường dân sự số tiền 175 tỷ đồng vì bị cáo không được hưởng lợi từ số tiền bị quy kết.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, cựu Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ Oceanbank trình bày, bản án của Toà án cấp sơ thẩm quy kết cho bị cáo chỉ đạo nhân viên chi lãi ngoài tổng số tiền 84 tỷ đồng là không phù hợp. Bởi thực tế, bị cáo chỉ phân công cho nhân viên khối ngân hàng bán lẻ xem có đúng khách hàng đã mở sổ trên hệ thống tiết kiệm không, đối chiếu tỷ lệ % trên danh sách, tổng hợp danh sách khách hàng cá nhân gửi tiền để gửi cho khối nguồn vốn. Mục đích của việc tổng hợp báo cáo là để tham khảo nội bộ.

Bị cáo không biết bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho phòng giao dịch ra sao và số tiền là bao nhiêu. Bị cáo chỉ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình như một người làm công, ăn lương của Oceanbank chứ không được tham gia, quyết định vào việc chi lãi trái quy định. Bị cáo Ba mong muốn Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo và giảm nhẹ hình phạt tù, cho hưởng án treo.

Nguyễn Hưng
.
.
.