Nguyễn Lâm Thái mong ngày về bên nồi "chè đời"

Thứ Sáu, 04/09/2009, 12:02
Đến khi vào trại giam, không còn kẻ đưa người đón, Thái cay đắng nhận ra rằng, gia đình, vợ con mới là những người thương yêu nhất... Mang tiếng là vợ "đại gia", nhưng vợ của Nguyễn Lâm Thái, đã và đang tần tảo mưu sinh bằng nồi chè đỗ đen để nuôi dạy 3 đứa con, và giờ là một người chồng trong trại giam... Trong thâm tâm, tôi mong sớm có ngày, Nguyễn Lâm Thái được trở về đoàn tụ gia đình, nơi có hạnh phúc ngọt ngào như chính món "chè đời" ấy.
>> Khổ như làm người thân của "đại gia"

Trước khi gặp phạm nhân Nguyễn Lâm Thái, một số đồng nghiệp từng bình luận: "Tay này thần kinh có vấn đề". Cán bộ quản giáo ở Trại giam Nam Hà thì nhận xét, Nguyễn Lâm Thái mới vào trại được hơn 1 năm, là phạm nhân chấp hành tốt nội quy của trại, nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, sống chan hòa với mọi người. Nhưng anh ta rất thích oai. Thái tự tay cắt sửa chiếc túi đựng vợt cầu lông thành chiếc túi bao quanh bụng, giống như những người nước ngoài thường đeo khi đi du lịch. Anh ta sung sướng đeo chiếc túi đó cả ngày, đi đi lại lại cho tất cả mọi người nhìn thấy, hoan hỉ như một đứa trẻ được diện quần áo mới.

Nguyễn Lâm Thái xuất hiện ở cửa với nụ cười rất tươi và kiểu chào chắp tay đặc trưng của anh ta, nửa kiểu chào của Thái Lan, nửa thi lễ như "sơn đông mãi võ". Thường thì phạm nhân nào cũng vậy, tâm lý căng thẳng nhất là thời gian tạm giam. Còn khi xét xử xong rồi, biết chắc mức án sẽ phải thi hành, họ sẽ thoải mái tư tưởng.

Cuộc trò chuyện vì thế cởi mở ngay từ đầu. "Sức khỏe của anh thế nào?". Tôi hỏi. Nguyễn Lâm Thái trả lời một lèo: "Sức khỏe tốt, điều kiện của trại rất tốt, một tháng vợ con lên thăm một lần…". Nguyễn Lâm Thái cho biết, là phạm nhân mới của trại nên trong lúc chờ phân vào các đội sản xuất, anh ta được giao công việc trực sinh, tức là vệ sinh buồng phòng. 

"Nghe nói vợ anh bán chè kiếm sống nuôi 3 con?". "Đúng rồi, vợ tôi bán chè đỗ đen tại phố Lý Thường Kiệt. Lần trước đi thăm, cô ấy mang cho tôi một hũ chè, tôi chia cho mấy người bạn cùng phòng ăn. Mọi người tấm tắc khen chè đời (tức là chè nấu ngoài đời) ngon tuyệt. Tôi dặn vợ, lần sau ế hàng, cứ mang lên đây cho tớ ăn".

"Anh làm giám đốc, nhiều tiền như vậy sao bắt vợ con khổ thế". Thái lắc đầu, xua tay ra vẻ không đồng tình: "Nếu làm mà để dành cho vợ con là tính cờ một nước, chỉ làm hư hỏng vợ con thôi. Còn để vợ con tự lập sẽ nhanh trưởng thành. Do vậy, phương châm từ trước đến nay và cả sau này của mình là: Lo cho mình là tiểu nhân, lo cho gia đình là trung nhân, lo cho mọi người là đại nhân. Thế nên mình đang phấn đấu đến điều cao nhất là phải lo cho mọi người".

Rồi Nguyễn Lâm Thái thao thao bất tuyệt: Đúng là nhiều người đã hỏi như nhà báo: "Anh làm ra tiền tỷ mà không giữ gì cho bản thân à? Đến con tôi, hôm vừa rồi lên thăm nó cũng trách đấy, bảo đến giờ mà ba vẫn làm phiền nội. Tôi mắng nó, bảo ba đây còn không dám trách ông bà mà mày dám trách ba à".

Câu chuyện của Nguyễn Lâm Thái lại chuyển sang người mẹ già. "Mẹ tôi năm nay 78 tuổi rồi, cụ ở một mình. Cụ lúc nào cũng tâm niệm chờ tôi về nên nhiều lúc, tôi chẳng muốn sống nữa, nhưng nghĩ nếu chết trước mẹ già là bất hiếu nên tôi phải cố gắng”, Thái bộc bạch.

"Nghe nói anh tham gia tích cực phong trào văn nghệ ở đây, sở trường của anh là gì?". Tôi hỏi. Dường như chạm vào đúng "chỗ ngứa", Nguyễn Lâm Thái trở nên sôi nổi, hoạt bát: "Tôi không thích làm thơ nhưng thích sưu tầm thơ". "Vậy anh thích câu thơ nào nhất?" Nguyễn Lâm Thái ngẫm nghĩ một lát, lấy tay vỗ trán rồi reo lên: Tôi thích nhất là 2 câu thơ này đây, rồi anh ta đọc chậm rãi từng chữ: "Nhật hỏa vân yên bạch đán thiêu tàn thỏ ngọc/ Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô".

Những câu thơ này dịch ra tiếng Việt có nghĩa như thế nào? Có lẽ không hiểu hết về xuất xứ của 2 câu thơ này, Nguyễn Lâm Thái trả lời rất khéo: "Tôi không dịch đâu, để lần sau nếu cô vào đây tôi sẽ dịch. Cô cứ mang về đọc cho các cụ nhà cô nghe. Các cụ vui lắm đấy".

Thực ra, đây không phải là 2 câu thơ mà là 2 câu đối rất độc đáo trong giai thoại về tài ứng đối của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong lần đi sứ Trung Quốc năm 1308. Để thử tài ứng đối của sứ bộ Đại Việt, vua Nguyên ra câu đối: "Nhật hỏa vân yên bạch đán thiêu tàn thỏ ngọc" (nghĩa là Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng). Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ vẻ kiêu ngạo và dụng ý đe dọa của nước lớn nên ứng khẩu ngay: "Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô" (nghĩa là Trăng là cung, sao là tên, chiều tối bắn rơi mặt trời". Vế đối chuẩn, ngoài tính nghệ thuật còn tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất, khí khái hào hùng của dân tộc Việt sẵn sàng đánh bại kẻ thù.

Tuy rằng không nhớ được xuất xứ của câu đối này, nhưng quả Nguyễn Lâm Thái để tâm đến chuyện sưu tầm văn học mới nhớ chính xác từng chữ Hán Việt như vậy. Anh ta cũng là người chịu khó đọc và học hỏi mọi người, nhưng bệnh ảo tưởng về bản thân đã khiến Thái có những suy nghĩ khiến người khác bật cười.

Ví như khi tôi hỏi, ngoài thơ văn, anh còn thích gì nữa? Nguyễn Lâm Thái tỏ thái độ quan trọng: "Tôi thích nhất là binh pháp vì mình làm công tác quản lý, phải biết thứ này để biết cuộc đời mình đang ở giai đoạn nào, thịnh hay suy. Giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời tôi đã qua rồi. Đó là thời gian tôi bị khởi tố và truy tố. Còn giai đoạn huy hoàng nhất đang ở tương lai. Tôi quan niệm đóng góp thật nhiều cho đất nước mới là huy hoàng. Tôi học Đại học Kinh tế quốc dân và có khiếu kinh doanh. Sau này ra trại, thay vì bán hàng trong nước như trước đây, tôi sẽ tiêu thụ hàng cho nông dân. Ước mơ của tôi là đưa nông sản ra nước ngoài tiêu thụ và phát triển thêm nhiều mặt hàng tiểu thủ công nữa".

"Anh sẽ lại mở công ty, làm giám đốc như trước?". Thái lắc đầu: "Không, tôi không mở công ty nữa mà sẽ làm tư vấn cho lãnh đạo Bộ trong vấn đề phát triển đất nước. Mình phải rút kinh nghiệm, tránh sai sót trước kia, trước hết phải chấp hành tốt pháp luật".

Rồi Nguyễn Lâm Thái nổi hứng: "Tôi có thể viết tặng cô mấy câu được không?". Tôi đưa cuốn sổ và cây bút cho Nguyễn Lâm Thái. Rất trịnh trọng, Thái đứng dậy, lấy cặp kính trắng để trong túi quần ra đeo rồi sửa tư thế ngồi, chỉnh bút. Trước khi viết, Nguyễn Lâm Thái giải thích: Văn là người, nên tôi sẽ viết văn trước. Lẩm nhẩm một hồi, anh ta viết 3 câu danh ngôn: "Mỗi ngày qua đi đều mang trong mình những gì có thể nảy sinh và phát triển ở ngày mai/ Khi hiến dâng là khi nhận lãnh, lúc quên mình là lúc gặp bản thân/ Con đường ngắn nhất vượt khó khăn là xuyên thẳng qua nó". Viết xong, Nguyễn Lâm Thái lật sang trang kế bên.

Có lẽ đã thuộc làu nên bài thơ có nhan đề "Cờ đời" được Nguyễn Lâm Thái viết khá nhanh: "Trời cao như tán lộng tròn/ Đất kia trằn trặn như bàn cờ vuông/ Người đời đen trắng đôi phường/ Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh/ Kẻ vinh chỉ biết mình sung sướng/ Người nhục kia vất vưởng vất vơ/ Ba Sao có bậc ẩn cư/ Ăn no, ngủ kỹ đợi cơ chuyển vần". Có lẽ Nguyễn Lâm Thái rất thích đọc Tam quốc diễn nghĩa bởi nguyên gốc đây là bài thơ nói về Gia Cát Khổng Minh khi ở ẩn, đã được Thái chỉnh sửa lại một số từ ngữ và địa danh. Vẫn ảo tưởng mình là một tài năng lớn không gặp thời nên Thái tự so sánh mình với Khổng Minh như vậy...

Cuối bài thơ, Nguyễn Lâm Thái ký tên A1 CIP. "Tại sao anh ký tên như vậy?" Tôi hỏi. Nguyễn Lâm Thái ra vẻ rất hãnh diện: "Vì tôi là người phụ trách tập đoàn CIP mà". Tôi cố nén cười trong bụng trước thái độ huênh hoang khác người của Nguyễn Lâm Thái. Đến khi vào trong tù rồi, Nguyễn Lâm Thái vẫn còn ảo tưởng về bản thân khi xưng danh mình là A1 (nghĩa là người đứng đầu), giống như thời gian anh ta còn làm giám đốc trước kia…

Chứng bệnh ảo tưởng khiến Nguyễn Lâm Thái vẫn thích ký tên A1.

Ngâm nga mấy câu thơ xong, đột nhiên Nguyễn Lâm Thái hỏi tôi: "Cô có biết Ly Sơn không? Cụ Ly Sơn có câu thơ cực hay: "Ở trong tù mắt mù hóa sáng/ Ở ngoài đời mắt sáng hóa mù". Người ta nghe thì biết thế, nhưng với tôi, tôi phát triển tiếp tứ thơ của cụ Ly Sơn như thế này: Tình yêu làm cho con mờ mắt, hôn nhân sẽ làm cho con sáng mắt. Tôi quan niệm hôn nhân rất khắc nghiệt, 30 năm chung sống với nhau mới tạm gọi là vợ chồng, còn 29 năm vẫn chỉ là bạn". "Vậy hôn nhân của anh đang ở giai đoạn nào"? "Tôi mới hơn 20 năm, đang là bạn thôi, bạn đời".

Nói đến đây, Nguyễn Lâm Thái đột nhiên trầm hẳn, không cười nói huyên thuyên như lúc trước. Chắc hẳn anh ta đang nhớ về gia đình, dù rằng, trong câu chuyện, Thái không hề nhắc đến vợ con.

Trong các lần xét xử trước đó, Nguyễn Lâm Thái bị kết tội là kẻ chủ mưu, cầm đầu, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo khi quan hệ giao dịch, ký hợp đồng bán các loại vật tư, thiết bị và dụng cụ bưu chính cho bưu điện các tỉnh trong một thời gian dài, trên địa bàn từ Bắc vào Nam để chiếm đoạt số tiền trên 24 tỷ đồng, đồng thời trốn thuế trên 2,7 tỷ đồng.

Vụ án gây xôn xao dư luận bởi thời điểm đó, ngành bưu điện "khủng hoảng" cán bộ khi một loạt các cán bộ chủ chốt của bưu điện các tỉnh đã phải hầu tòa cùng Nguyễn Lâm Thái. Số tiền Thái chiếm đoạt lớn như vậy, nhưng thật khó tin được khi vợ con anh ta vẫn ở trong căn phòng chưa đầy chục mét vuông và mưu sinh bằng gánh chè đỗ đen vỉa hè...

"Đang là dịp đặc xá nhân ngày 2-9, anh có mong muốn gì không?" - Tôi hỏi. Nguyễn Lâm Thái hết buồn, nét mặt tươi vui trở lại: "Có, tôi vui lắm. Mừng cho những người được đặc xá đợt này. Bản thân tôi mới vào trại, mức án cũng khá cao, chắc chắn tôi phải phấn đấu rất nhiều để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Nhưng cũng không vì thế mà tôi buồn. Khi trong lòng vui vẻ, xác định yên tâm cải tạo thì chắc chắn, ngày về sẽ rút ngắn lại".

Nói đến đây, đột nhiên Nguyễn Lâm Thái nghe ngóng rồi kêu lên: "Kẻng báo rồi, tôi phải về buồng đây". Nói rồi Thái vội vàng đứng dậy, chào tôi rồi bước ra cửa. Một hành vi nhỏ như vậy cho thấy Nguyễn Lâm Thái có thái độ chấp hành quy định của trại khá tốt.

Trở về Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là tới phố Lý Thường Kiệt để thưởng thức món chè đỗ đen của vợ Nguyễn Lâm Thái. Một tủ đựng chè làm bằng nhôm kính khiêm tốn cạnh một quán nước vỉa hè, không treo biển phô trương nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Nghe tôi hỏi: "Đây có phải là quán của vợ chú Thái?", cô gái trẻ nhìn tôi dò xét và cho biết vợ Thái đi vắng. Có thể là như vậy, cũng có thể vợ của Nguyễn Lâm Thái không muốn tiếp xúc với người lạ.

Quả thật, món chè đỗ đen do vợ Nguyễn Lâm Thái nấu rất ngon. Hạt đỗ mềm mà không nát, vị chè thơm mát pha chút béo ngậy của nước cốt dừa, độ ngọt vừa phải.

Tôi bất giác nhớ lại nụ cười hạnh phúc của Nguyễn Lâm Thái ở trong trại: "Anh em ăn xong, khen chè đời ngon tuyệt". Mang tiếng là vợ "đại gia", nhưng vợ của Nguyễn Lâm Thái, đã và đang tần tảo mưu sinh bằng nồi "chè đời" ấy để nuôi dạy 3 đứa con, và giờ là một người chồng trong trại giam. Trong thâm tâm, tôi mong sớm có ngày, Nguyễn Lâm Thái được trở về đoàn tụ gia đình, nơi có hạnh phúc ngọt ngào như chính món "chè đời" ấy.

H.Vũ
.
.
.