Nghiện game và tội ác

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:44
Game được xem là trò chơi điện tử giải trí bình thường nhưng thực tế ở nước ta, từ khi phát triển dịch vụ trò chơi này đã kéo theo nhiều hệ lụy và tội ác...


Ở các khu phố núi trên Tây Nguyên, buổi tối khá khuya, phần lớn các gia đình đã ngủ, chỉ còn thấy các tiệm game hoạt động hết công suất. Theo quy định, các điểm dịch vụ game không mở cửa quá 23h, nhưng vì theo yêu cầu của người chơi nên nhiều khi chủ tiệm phải chiều khách. Có người sợ bị phạt thì đóng khóa cửa bên ngoài nhưng bên trong điện vẫn sáng để các game thủ hoạt động...

Anh T - một chủ tiệm game ở phố núi Pleiku, Gia Lai, cho biết, phần lớn những khách chơi game ở tuổi học sinh, nhưng anh không quan tâm họ là ai, mà chỉ mở cửa và thu tiền giờ...

Các tiệm game luôn đông đúc khách từ sáng sớm.

Đã có nhiều vụ án đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ việc nghiện game xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên. Trung tuần giữa tháng 9, một vụ việc đau lòng xảy ra tại gia đình bà Huỳnh Thị Kim Liên (47 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, mà nguyên nhân xuất phát từ đứa con nghiện game. 

Trong dòng nước mắt giàn giụa, bà Liên kể về đứa con nghịch tử của mình là Huỳnh Tấn Hiếu (18 tuổi). Từ việc nghiện game mà Hiếu bỏ học, gây mâu thuẫn với gia đình rồi bỏ nhà đi chơi. Chiều 15/9/2015, Hiếu về nhà xin tiền bà Liên để chơi điện tử nhưng không được nên liền đập phá đồ đạc trong nhà. Khi bị mẹ can ngăn thì Hiếu dùng dao đâm vào lưng mẹ rồi bỏ trốn. Rất may, bà Liên được hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Một nỗi đau khác mà nạn nhân chính là cậu học trò nghiện game đã làm cho gia đình và cô giáo bức xúc. Ngày 25/9, chị Nguyễn Thị Thơm, mẹ ruột cháu Nguyễn Xuân Tiến (13 tuổi), học sinh lớp 8, ở huyện Di Linh, Lâm Đồng, nhận tin báo của cô giáo: Tiến tự ý bỏ học 2 ngày liên tục. Để đối phó, Tiến đã viết giấy xin nghỉ phép và giả chữ ký của mẹ. 

Quá tức giận vì đứa con trai lừa dối cha mẹ và thầy cô nên chị Thơm đã đi tìm con trai và phát hiện Tiến ở một tiệm game gần trường. Trong lúc quá nóng giận, chị Thơm đã lấy xăng đổ lên đầu con trai rồi châm lửa đốt cho bõ tức. Hậu quả, cháu Tiến bị bỏng nặng, phải chuyển đi cấp cứu ở TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng nghiện game, trộm cắp tài sản.

Đã có không ít đứa trẻ bị cuốn vào game mà bỏ học, phạm tội. Trong nỗi đau ân hận, các em Nguyễn Văn Khải (16 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (17 tuổi) và Phạm Văn Cải (19 tuổi), ở Kon Tum, sau khi nghiện game, không có tiền đáp ứng cho cuộc chơi nên đã tham gia trộm cắp tài sản. Khi bị cơ quan Công an phát hiện bắt giữ, các em đã thổ lộ, từ nghiện game, rồi bỏ học sớm, cuộc sống thường ngày tụ tập ở các tiệm Internet và tìm mọi cách để có tiền đáp ứng nhu cầu chơi game. 

Hay mới đây, từ một kẻ nghiện game bạo lực, Lê Hoàng Anh Tuấn (15 tuổi), ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đã dùng dao đâm chết bạn học chung trường xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ tại quán Internet. Tuấn là học sinh hư, thường bỏ học để chơi game mang tính bạo lực như “đột kích”, “liên minh”...

Game đang ngày càng phát triển ở Việt Nam như một lẽ tất nhiên vì lợi nhuận cao và hấp dẫn cho người kinh doanh. Bởi lẽ game online có sức cuốn hút giới trẻ hiện nay rất mạnh mẽ. Theo con số thông kê chưa đầy đủ, có tới hơn 70% thanh thiếu niên thích chơi game mang tính bạo lực, sex, 9% là cờ bạc... 

Nhiều đứa trẻ dành hầu hết thời gian cho game mà quên hết các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng khác nên thiếu mất văn hóa giao tiếp với con người, cuộc sống xung quanh đã dẫn đến bị cô lập, cô đơn và chỉ biết tìm cảm hứng ở các trò đâm chém, cướp giật, giết người, xâm hại tình dục trong game... Khi quá đam mê, trẻ dễ bị ảo giác, mang nhân vật ảo, cuộc sống ảo ra cuộc sống thật nên gây tội ác...

Ngọc Như
.
.
.