Ngày 10-10, xét xử phúc thẩm vụ Công ty Tuần Châu kiện đạo diễn Việt Tú

Thứ Hai, 30/09/2019, 08:37
TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty Tuần Châu và Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là Công ty DS) của đạo diễn Việt Tú.


Ngày 10-10, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Công ty Tuần Châu) thuộc Tập đoàn Tuần Châu và Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là Công ty DS) của đạo diễn Việt Tú.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo của Công ty Tuần Châu và kháng cáo của đạo diễn Việt Tú. Trước đó, ngày 20-3-2019, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết về vụ kiện này.

Theo bản án sơ thẩm, “Tinh hoa Bắc Bộ” là sản phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa” (tức “Thuở ấy xứ Đoài”) do đạo diễn Việt Tú dàn dựng. Ngày 16-11-2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng nguyên tắc và phụ lục hợp lục hợp đồng với tổng giá trị trên 8 tỷ đồng. 

Nội dung hợp đồng thể hiện, Công ty DS thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình theo dự án trình diễn thực cảnh “Tuần Châu Hà Nội”.

Thực hiện hợp đồng này, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa”, còn Công ty Tuần Châu thực hiện việc thanh toán theo hợp đồng và phát sinh trên 13 tỷ đồng. Cuối tháng 10-2017, vở diễn mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó diễn ra vở “Ngày xưa” của Công ty Tuần Châu thực hiện.

Tháng 3-2018, Công ty Tuần Châu có đơn kiện buộc công ty của đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền hơn 6,2 tỷ đồng với lý do, ý tưởng biểu diễn thực cảnh là của Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu.

Bản án sơ thẩm xác định, đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định, nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Với phán quyết này, Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu buộc đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho Công ty Tuần Châu.

Sau phiên toà sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận được đơn kháng cáo của cả hai phía đối với bản án kinh doanh thương mại. Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” cho Công ty Tuần Châu.

Ở chiều ngược lại, Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm, không chấp nhận việc Công ty Tuần Châu bồi thường thiệt hại đối với Công ty DS; không chấp nhận phần kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của kịch bản “Ngày xưa”...

Liên quan đến vụ kiện này, sau phiên tòa sơ thẩm, đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Tổng đạo diễn, tác giả của “Tinh hoa Bắc Bộ” viết thư tay gửi TAND Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội. 

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết, quyền tác giả của ông bị xâm phạm khi phán quyết của Tòa về tác phẩm của ông mà ông không được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện, không được lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình là chưa được pháp luật bảo vệ.

Nguyễn Hưng
.
.
.