Nạn nhân quá mất cảnh giác nên bị lừa sổ đỏ

Thứ Sáu, 19/12/2008, 15:09
Tiếp xúc với hàng chục người đã giao sổ đỏ và làm hợp đồng ủy quyền cho trung gian vay hộ tiền ngân hàng, chúng tôi nhận thấy ngoài việc đặt lòng tin không đúng chỗ, họ còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật.
>> Thêm nhiều nạn nhân bị lừa sổ đỏ

Sau loạt bài báo đã đăng về vụ tố cáo lừa sổ đỏ, chúng tôi vẫn liên tiếp nhận được đơn tố cáo của người dân khẳng định mình là nạn nhân của Nguyễn Thị H. và Phạm T.T.

Không chỉ dừng lại ở những thủ đoạn mà chúng tôi đã nêu trong các bài viết trước, các đối tượng này còn áp dụng "linh hoạt" nhiều cách khác nhau, lợi dụng lòng tin để mang sổ đỏ của người khác đi vay tiền với lãi suất cao. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội.

Dùng danh nghĩa công ty để "giúp vay tiền"    

Sáng 18/12, ông Đỗ Đức Hải ở số 57 phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa tìm đến Tòa soạn Báo CAND. Đã nhiều ngày nay ông phải đi qua, đi lại nhiều nơi để mong lấy lại sổ đỏ của gia đình. Ngôi nhà của ông nằm khuất trong ngõ nhỏ với diện tích sử dụng chỉ vỏn vẹn 32m2. Việc cuốn sổ đỏ rơi vào tay người khác cũng xuất phát từ kinh tế gia đình quá eo hẹp.

Do cần tiền trang trải công việc cho con, ngày 30/4, ông Hải tìm đến cửa hàng cầm đồ trên phố Nguyễn Trường Tộ do Nguyễn Thị H. và em gái làm chủ.

Ông Hải và Nguyễn Thị H. thỏa thuận: "Tôi xin vay của H. 10 triệu đồng trong thời hạn 4 tháng. Mỗi tháng phải trả lãi 400.000 đồng. Hết thời hạn là ngày 30/8, tôi phải trả tổng cộng cả vốn lẫn lãi là 11.600.000 đồng. Để được vay tiền, tôi phải thế chấp sổ đỏ quyền sử dụng đất và nhà cho chị H và em gái". Giấy tờ cam kết của ông Hải và chị em H. không phải là hợp đồng ủy quyền như H. vẫn từng làm với những người khác, lần này giữa hai bên chỉ làm một giấy vay tiền duy nhất do chính tay ông Hải viết rồi hai bên ký.

Trong giấy vay tiền này, ông Hải cũng ghi rõ ràng: "Đúng hạn sẽ trả cả gốc lẫn lãi, chị H. trả lại sổ đỏ sở hữu nhà, sử dụng đất... Bên nào sai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Đúng thời gian như đã hẹn trong giấy vay tiền, ông Hải gọi điện thoại, thậm chí đi tìm chị H. để thực hiện cam kết. Lần đầu ông liên lạc được, H. hẹn khất lần, nhưng rồi sau đó ông Hải không còn tìm được H. nữa. Ông Hải cất công tìm hiểu thì biết rằng, H. đã cầm sổ đỏ của rất nhiều người mà không trả. Hiện nay, thứ giấy tờ duy nhất để khẳng định tài sản của ông chỉ là tờ giấy vay nợ có chữ ký của H. Ông Hải đã làm đơn trình báo Công an phường Thụy Khuê, nơi H. có hộ khẩu thường trú để mong lấy lại được cuốn sổ đỏ.

Cùng rơi vào tình huống của ông Hải, sáng 18/12, một người dân ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng trình báo bị lấy sổ đỏ sau khi thế chấp vay tiền. Tháng 10/2008, chúng tôi nhận được đơn của ông Nguyễn Đình Dũng đại diện cho một số hộ dân khác cũng ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội tố cáo Nguyễn Thị H. và Phạm T.T. với danh nghĩa Giám đốc Công ty CPTMXD AB và Giám đốc Công ty CPĐTQT IQ.

Theo tố cáo, tháng 2/2007, H. và T. nhận làm "Hợp đồng dịch vụ" với mức phí 5 triệu đồng/100 triệu đồng vay của ngân hàng. Một số người dân ở xã Tây Tựu làm hợp đồng dịch vụ với H. và T., chuyển sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu đất thổ cư, thổ canh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhờ H. và T. vay vốn ngân hàng trong thời hạn 30 ngày. Bản hợp đồng có chữ ký của H. với chức danh giám đốc và dấu đỏ của hai công ty trên. Thậm chí, trong giấy biên nhận giữa hai bên, H. và T. cũng sử dụng hai con dấu này để củng cố niềm tin cho những người dân nhờ vay vốn. Sau 30 ngày, các hộ dân ở xã Tây Tựu không thể tìm được H. và T. để thực hiện hợp đồng.

"Chủ sử dụng đất (chủ tài sản thế chấp) nên xem xét lại trách nhiệm của mình"

Tiếp xúc với hàng chục người đã giao sổ đỏ và làm hợp đồng ủy quyền cho trung gian vay hộ tiền ngân hàng, chúng tôi nhận thấy ngoài việc đặt lòng tin không đúng chỗ, họ còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật.

Khi chúng tôi nêu hiện tượng một số đối tượng trung gian sau khi được những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng giao sổ đỏ, làm giấy ủy quyền nhờ vay tiền ngân hàng hộ đã dùng chính những giấy tờ có giá trị tài sản lớn này đem ra thế chấp để vay tiền tư nhân, ông Tuấn Anh cho biết, Nhà nước chỉ cho phép ngân hàng và một số cơ sở (ví như các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc) được phép kinh doanh tiền tệ. Còn lại, các hoạt động kinh doanh tiền tệ không có sự cho phép của Nhà nước đều trái pháp luật.

Nếu vụ việc này được đưa ra tòa, tòa án sẽ bác quan hệ này và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh tính chất vụ việc. Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, tùy từng trường hợp, nếu xác định là giao dịch bất hợp pháp nhưng ngay thẳng (ví dụ lãi suất tương đương với lãi suất ngân hàng), Tòa dân sự sẽ giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nêu thêm cả tình trạng, một số đối tượng trung gian sau khi được chủ tài sản giao sổ đỏ, làm giấy ủy quyền vay tiền ngân hàng hộ đã đem nhà, đất trên đi bán, ông Tuấn Anh cho biết, vụ việc có thể đưa ra tòa vì đây là tranh chấp dân sự. Trong trường hợp hợp đồng ủy quyền nêu rõ, không có mục đích bán nhà nhưng bên được ủy quyền lại bán nhà thì vụ việc có dấu hiệu hình sự, đây là phạm trù thuộc lĩnh vực xử lý của cơ quan Công an.

Lời khuyên của ông thẩm phán nhiều lần xét xử những vụ tranh chấp tín dụng với những người có nhu cầu vay vốn trước khi đem tài sản của mình ra bảo lãnh là cần biết rõ về nhân thân người mình ủy quyền; cần xem xét rõ nội dung hợp đồng. Trách nhiệm rất rõ khi họ làm hợp đồng bảo lãnh và ký xác nhận tại phòng công chứng. Thế nên, người ký bảo lãnh phải biết rõ "quyền" của bên được ủy quyền với tài sản của mình.

Với những vụ việc mà TAND TP Hà Nội đã xét xử, không thể không nói đến trách nhiệm của những người chủ tài sản thế chấp. Họ đã quá chủ quan

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội nhận thấy, sự thiếu cẩn trọng đã đẩy chủ tài sản thế chấp vào vòng lao lý, đứng trước nguy cơ mất nhà. Xuất phát từ nhu cầu cần vay vốn, những người chủ tài sản trong các vụ tranh chấp này đã nhờ một số cá nhân hoặc pháp nhân (có thể là doanh nghiệp) vay tiền ngân hàng giúp. Thế là họ giao sổ đỏ, làm hợp đồng ủy quyền cho bên trung gian. Chỉ đến khi ngân hàng đòi phát mại, họ mới biết người mà mình nhờ đã vay ngân hàng số tiền gấp nhiều lần số mà mình cậy nhờ vay giúp.

Trong những vụ việc này, phần thắng kiện thường thiên về phía ngân hàng bởi trong hợp đồng vay vốn đã quy định về nghĩa vụ của người bảo lãnh (người có tài sản thế chấp), nếu bên vay nợ không có khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ phát mại tài sản này để thu hồi nợ. Một số chủ tài sản thế chấp đứng trước nguy cơ mất nhà vì thế.

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.