Một vụ án 6 năm giẫm chân tại chỗ

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:45
Bị truy tố về tội lừa đảo, 18 bị hại thông qua 20 giao dịch với số tiền chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng, nhưng sau 6 năm, vụ án Đỗ Thị Luận đang quay trở về điểm xuất phát do khi ra toà, các bị hại đồng loạt kêu oan cho bị cáo...


Vừa qua, VKSND TP Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra lại vụ án "Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản" đối với bị can Đỗ Thị Luận (59 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh); đồng thời ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can này sau 6 năm bị tạm giam. Đây là vụ án gây đau đầu cho các cơ quan tố tụng do quan điểm trái chiều.

Theo nội dung vụ án, bà Luận kinh doanh bất động sản tự phát. Thời gian đầu, Luận mua nhà, đất bằng giấy viết tay của một số người hoặc dưới hình thức uỷ quyền, thoả thuận khi Luận bán hết lại cho người khác thì các bên mới ký hợp đồng công chứng, làm thủ tục trước bạ, sang tên cho người mua sau. Luận luôn thực hiện đúng thoả thuận nên tạo được lòng tin của những người mua nhà, đất. Đến khoảng năm 2011, Luận làm ăn thua lỗ, nợ nhiều người và mất khả năng kiểm soát về tài chính nên sau khi mua nhà, đất bằng giấy viết tay, Luận chia nhỏ diện tích nhà đất để bán cho một số người vừa cùng với chủ nhà, đất ký hợp đồng công chứng bán nguyên thửa đất hoặc căn nhà cho ông Phan Ngọc Tân và Nguyễn Dinh Khoa. Sau đó, Luận tiếp tục sử dụng giấy tờ nhà, đất bản sao mang tên chủ cũ và photo giấy viết tay phân chia ra nhiều lô đất nhỏ xây nhà để bán lại cho nhiều người khác. Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 5 đến cuối tháng 10-2011, Luận đã có hành vi chiếm đoạt hơn 16,3 tỷ đồng của 18 bị hại.

Tháng 8-2013, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, TAND TP Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu VKS điều tra làm rõ một số vấn đề, trong đó có giao dịch giữa bị cáo Luận và ông Tân vào các ngày 11, 20 và 31-5-2011 là giao dịch mua bán hay giao dịch vay tiền? Các giao dịch này Luận khai thực chất là vay tiền nhưng ông Tân khai là mua bán. Sau khi điều tra lại, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Ngày 21-5-2014, sau khi mở phiên toà thẩm vấn bị cáo và 10 người, trong số 170 bị hại và người liên quan, toà án tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKS làm rõ chi tiết về thời điểm ông Tân lập giao dịch thì bị cáo Luận đã giao đất cho các bị hại hay chưa; các bị hại xây nhà vào thời điểm nào, trước hay sau khi bị cáo Luận lập hợp đồng với ông Tân... Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Đến ngày 19-9-2014, toà án tiếp tục có quyết định trả hồ sơ điều tra lần 3 cũng với nội dung làm rõ các tình tiết như lần trước. Đến giữa tháng 2-2015, toà án tiếp tục trả hồ sơ lần 4. Tại phiên toà xét xử ngày 14-7-2015, sau khi thẩm vấn bị cáo và 20 bị hại và có nghĩa vụ liên quan, toà quyết định trả hồ sơ điều tra lại các tình tiết trong vụ án như những lần trả hồ sơ trước nhưng VKS chưa đáp ứng.

Ngày 19-5-2016, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên toà lần 3. Cũng như tại các phiên toà trước, bị cáo Luận khai không bán đất cho ông Tân, ông Khoa. Theo bị cáo Luận, khi mua các thửa đất của nhiều người, bị cáo đã có đặt cọc trước. Đến lúc thanh toán, Luận không có đủ tiền nên đã mượn tiền của ông Tân. Ông Tân đồng ý cho mượn với điều kiện ông phải được đứng tên chủ quyền. Vì sợ mất tiền cọc nên Luận chấp nhận vay tiền ông Tân bằng hình thức vay mượn thế chấp dưới hình thức hợp đồng mua bán. Theo đó, khi nào thanh toán hết tiền vay thì ông Tân sẽ chuyển giao giấy tờ cho Luận để bị cáo làm thủ tục đồng sở hữu cho những người đã mua đất. Vì vậy, trong quá trình phân lô bán đất để những người mua xây nhà, ông Tân có đến kiểm tra việc xây dựng, do có thỏa thuận từ trước nên ông Tân không phản đối gì. Tuy nhiên, sau khi Luận bị khởi tố và bắt giam (24-10-2011) thì ông Tân lại đến để “siết” nhà, đất của những hộ dân này.

Trong khi đó, ông Tân khai: ông là người đứng tên các thửa đất mà bà Luận vừa bán cho các hộ dân, vì trước đó ông được bà Luận sang tên, chuyển nhượng cho ông rồi. Cũng theo ông Tân, toàn bộ quá trình chuyển nhượng, đăng bộ sang tên, ông đều giao cho bà Nguyễn Thị Hồng Loan (là người giới thiệu ông Tân gặp bà Luận để trao đổi, giao dịch mua bán số nhà đất nói trên) thay ông thực hiện. Sau khi mua bán xong và nhận nhà, đất, ông Tân không sử dụng, không cho ai thuê. Đến khi bà Luận bị bắt, ông mới xuống xem hiện trạng đất thì thấy người dân đã xây nhà trên đất của ông.

Có mặt tại toà, 18 bị hại và 150 người liên quan mua đất của Luận để xây dựng nhà đều khẳng định: họ mua nhiều lô đất của bà Luận bằng giấy tờ viết tay và đã xây dựng nhà ở. Trong quá trình xây dựng, ông Tân có đến xem và khen nhà kiên cố nhưng không ngăn cản, hay báo chính quyền địa phương ngăn cản, chứng tỏ ông Tân biết việc Luận bán đất cho họ.

Với các tình tiết nêu trên, sau nhiều lần mở phiên toà nhưng không thể tuyên án, giữa tháng 5-2016, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ bản chất hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà giữa Luận và ông Tân, ông Khoa ký tại phòng công chứng là hợp đồng vay tiền thế chấp bằng tài sản hay hợp đồng chuyển nhượng, thời gian các đương sự xây dựng nhà trên các lô đất liên quan và cần lấy lời khai của những người liên quan này.

Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ vụ án, mới đây VKS đã ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để làm rõ các yêu cầu của toà; đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Luận như đã nêu trên.

Anh Huy
.
.
.