Mánh khóe "nghề" làm hồ sơ xin việc giả

Thứ Ba, 25/12/2012, 12:20
Trung tá Võ Hoàng Nam, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an thị xã Thuận An (Bình Dương), cho biết: Những kẻ hành nghề làm hồ sơ xin việc giả lập ra các cửa hàng chụp hình, photocopy, dùng giấy tờ thật đưa vào máy quét ảnh (scan) để lấy bản mẫu, sau đó xử lý bằng phần mềm xử lý ảnh "photoshop", chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký để làm bộ hồ sơ “y như thật”…

Thị xã Thuận An là một đô thị lớn, một địa bàn trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh Bình Dương, có 3 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp tập trung, thu hút 2.368 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do nhu cầu xin việc của công nhân, gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện loại tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, gây bất ổn đến hoạt động quản lý nhà nước và công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Đánh "cắp" dấu đỏ từ mạng Internet

Sau nhiều tháng tích cực trinh sát, đầu tháng 11/2012, Công an thị xã Thuận An phối hợp với Công an phường Bình Hòa tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà số 26B/13 khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, do Vì Thị Minh Phương làm chủ, đã thu giữ tang vật gồm 4 bộ hồ sơ xin việc giả, chưa ghi nội dung nhưng đã có mộc dấu của cơ quan nhà nước.

Phương khai đã nhận số hồ sơ giả trên từ Vũ Thị Thiệp (35 tuổi, ngụ phường Bình Hòa) với giá là 70.000 đồng/bộ, sau đó Phương bán hồ sơ này với giá 100.000 đồng/bộ cho những người có nhu cầu. Tiến hành mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã bắt giữ Thiệp và Phan Văn Việt (28 tuổi, ngụ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cùng về hành vi trên.

Những "thợ" làm hồ sơ giả.

Tại cơ quan Công an, bọn chúng đã khai nhận, số hồ sơ xin việc trên là do Việt làm giả bán lại cho Thiệp với giá 50.000 đồng/bộ, Thiệp bán lại cho Phương với giá 70.000 đồng/bộ. Trước khi bị bắt giữ, Việt đã bán cho Thiệp khoảng 100 bộ hồ sơ xin việc giả. Ngoài ra, Việt còn thừa nhận: Tháng 4/2012, Việt  bắt đầu làm giả hồ sơ xin việc giả cho hàng trăm người để xin việc tại các công ty thuộc nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để làm hồ sơ xin việc giả, mỗi người đặt mua hồ sơ phải cung cấp 1 giấy CMND và 1 sổ hộ khẩu (bản photocopy).

Sau đó, Việt dán hình của người đặt làm hồ sơ vào đơn xin việc làm, phiếu khám sức khoẻ, sơ yếu lý lịch theo mẫu, rồi sử dụng máy tính và máy in màu để in con dấu của các cơ quan nhà nước trên các giấy tờ trên, mà trước đó hắn đã cất công vào mạng Internet tìm kiếm. Tiếp đó, hắn giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền, có khi của chủ tịch UBND xã, thậm chí của chủ tịch UBND tỉnh.

Mới đây, Công an thị xã Thuận An cũng vừa kết luận điều tra, đề nghị VKS cùng cấp truy tố Nguyễn Văn Toàn (43 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, Bình Thuận), Trần Ngọc Hùng (40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Bến Tre) và Nguyễn Văn Thuận (27 tuổi, ngụ huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2012, tại nhà thuộc khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, Công an thị xã Thuận An kiểm tra hành chính tiệm photocopy, chụp hình Ngọc Ngân do Toàn làm chủ, phát hiện nhiều hồ sơ xin việc làm giả chưa ghi nội dung nhưng đã có mộc dấu của cơ quan nhà nước, thu giữ 18 giấy chứng nhận sức khỏe, 2 tờ đơn xin việc làm, 2 tờ giấy chứng nhận sức khỏe...

Qua đấu tranh, Toàn khai nhận, các bộ hồ sơ xin việc làm trên do Hùng bán cho hắn với gíá 80.000 đồng/bộ, sau đó, Toàn bán lại cho các công nhân với giá từ 100.000-120.000 đồng. Tiến hành truy xét, cơ quan Công an đã bắt giữ Hùng và Thuận. Hùng khai làm giả hồ sơ xin việc tại tiệm photocopy Thành Tâm 2 (khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An). Sau đó, Hùng đem các hồ sơ giả phân phối lại cho các "mắt xích" trên địa bàn thị xã Thuận An, và Hùng được Thuận trả công từ 100.000-200.000 đồng/lần…

Tang vật vụ án.

Phần lớn chủ điểm photocopy, chụp ảnh là… thủ phạm

Trao đổi với PV, Trung tá Võ Hoàng Nam, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an thị xã Thuận An, cho biết: Hầu hết các đối tượng làm giả đều là người từ địa phương khác đến sinh sống tạm trú hoặc thường trú. Bọn chúng lập ra các cửa hàng chụp hình, photocopy, dùng giấy tờ thật đưa vào máy quét ảnh (scan) để lấy bản mẫu, sau đó xử lý bằng phần mềm xử lý ảnh "photoshop", chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp sổ đỏ, đăng ký xe môtô, giấy chứng minh nhân dân, nơi khám sức khỏe, địa phương xác nhận hộ khẩu, tạm trú. Tiếp đó, dùng máy in màu hoặc in ảnh để làm giả con dấu nổi của cơ quan, tổ chức.

Đối tượng lẫn kẻ môi giới thường là các chủ điểm chụp ảnh, photocopy với độ tuổi từ 25-40 tuổi, chiếm 94%. Đối tượng "phục vụ" của chúng là người lao động đến Thuận An làm việc, có nhu cầu xin việc tại các công ty, có xe môtô không thể thi sát hạch giấy phép lái xe, mua xe môtô nhưng không có giấy đăng ký xe, một số đối tượng có nhu cầu làm các loại giấy tờ giả với mục đích lừa đảo, tiêu thụ xe môtô do người khác phạm tội mà có.

Để phòng ngừa tội phạm này, Công an thị xã Thuận An đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp. Cụ thể, Công an các phường, xã đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền cho người dân hiểu biết về những kiến thức cơ bản của pháp luật về phòng chống tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo Điều 267 của BLHS năm 1999. Các quy định về cấp giấy đăng ký sở hữu xe môtô, giấy phép lái xe. Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Vận động quần chúng tích cực tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Bên cạnh đó, Công an các phường, xã còn thống kê danh sách các cửa hàng chụp hình, photocopy để tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật của chủ cửa hàng.

"Thực tế cho thấy, mức quy định hình phạt cho tội phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tội phạm có mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền giá trị triệu đồng và mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Bởi vậy, nhiều người đã bất chấp pháp luật để phạm tội", Trung tá Nam trăn trở.

Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, Công an thị xã Thuận An đã phát hiện, khởi tố điều tra xử lý 25 vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với 81 đối tượng. Trong đó, năm 2009 phát hiện 3 vụ, 10 đối tượng; năm 2010 phát hiện 5 vụ, 15 đối tượng; năm 2011 phát hiện 7 vụ, 26 đối tượng; năm 2012 phát hiện 10 vụ, 33 đối tượng.

Đức Mừng
.
.
.