Xét xử giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh:

Luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

Thứ Tư, 01/08/2018, 10:52
Ngày 31-7, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.


Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, các luật sư trình bày nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án dẫn đến hành vi sai phạm của ông Danh và các đồng phạm. 

Theo luật sư Phan Trung Hoài, từ áp lực tăng vốn điều lệ và chi trả lãi ngoài ông Danh đã phạm tội. 

Cũng theo luật sư Hoài, vào thời điểm VNCB bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng này đang có 22 chi nhánh, 1.300 nhân sự và đang nắm giữ số lượng tài sản cầm cố hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, việc NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng là thiếu căn cứ… 

Về số tiền gần 6.200 tỷ được cho là sai phạm, các luật sư bảo vệ bị cáo Danh đề nghị xem xét, vì không sử dụng tiền vào mục đích cá nhân mà đa phần dùng vào mục đích cứu vớt VNCB. Cụ thể, dùng số tiền này chăm sóc khách hàng, trả nợ cho BIDV, trả cho bà Hứa Thị Phấn, trả cho nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái Trần Quí Thanh)...

Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải tại toà.

Liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh dùng 22 pháp nhân để chuyển về VNCB với mục đích để tăng vốn điều lệ nhưng không được chấp thuận, theo các luật sư, toàn bộ số tiền bị hoà lẫn vào dòng tiền chung của ngân hàng và sử dụng cho các hoạt động của ngân hàng, ông Danh và các bị cáo không hề sử dụng số tiền này. 

Vì vậy, nếu CB (tên gọi mới của VNCB) không trả lại số tiền 4.500 tỷ đồng cho ông Danh và 22 pháp nhân thì trong vụ án này, CB sẽ được “lợi kép”. Bởi, chính CB đã sử dụng số tiền này, nếu buộc thu hồi số tiền này từ 3 ngân hàng TP Bank, Sacombank, BIDV để trả cho CB thì CB sẽ tiếp tục được thừa hưởng khoản tiền này lần thứ 2. 

Từ những lập luận nêu trên, luật sư ông Danh đề nghị HĐXX tuyên buộc CB phải trả lại cho Phạm Công Danh và 22 pháp nhân đứng tên chuyển vào VNCB số tiền 4.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.

Tự bào chữa bổ sung, ông Phạm Công Danh không đồng ý kết luận điều tra bổ sung khi cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ đã hoà tan vào dòng tiền của ngân hàng. Theo ông Danh, số tiền trên không thể hoà tan được và ông cũng không sử dụng số tiền này vào việc riêng như VKS nhận định. 

Ông Danh cũng cho rằng, để vực dậy ngân hàng số tiền ông bỏ ra gấp nhiều lần số tiền này chứ không sử dụng 1 đồng nào số tiền 4.500 tỷ đồng. Từ đó, ông Danh đề nghị HĐXX và VKS ghi nhận bối cảnh cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ án này khiến ông phạm tội và nếu được ông xin HĐXX tập trung vào việc khắc phục hậu quả. 

Tương tự như trình bày của các luật sư bào chữa Phạm Công Danh, các luật sư bào chữa cho ông Trầm Bê cũng giữ nguyên quan điểm bào chữa tại các phiên toà trước. Ngoài ra, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét tại các phiên toà, bị cáo Trầm Bê đã thành khẩn khai báo, thể hiện ăn năn hối hận để giảm án và giải toả kê biên các tài sản của ông Trầm Bê bị biên trong vụ án...

Với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Trầm Bê, theo các luật sư thời gian tạm giam của bị cáo đã 1 năm là đủ sức răn đe nên không cần phải cách ly bị cáo ra cuộc sống xã hội...

Trầm Bê được dẫn giải tại toà.

Tự trình bày bổ sung, ông Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét lại mức hình phạt mà VKS đề nghị đối với ông, vì 4-5 năm tù là hình phạt nặng. 

Trầm Bê từng nói “không phục” tại phiên xử trước đó, nhưng tại phiên toà lần này ông xin giải thích thêm: “Tôi nói không phục không phải là không phục Cơ quan điều tra, VKS hay HĐXX mà là không phục ở đây khi cho rằng tôi giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh. Bởi việc cho vay tôi hoàn toàn không trục lợi, ông Danh phải gặp tôi là do khoản vay đó thuộc hạn mức của tôi...”. 

Sau khi trình bày, ông Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo cho mức án nhẹ hơn mức án VKS đề nghị để sớm được hoà nhập với xã hội.

Cũng tại phiên toà, bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), các luật sư cho rằng, mức án mà VKS đã đề nghị đối với bị cáo từ 12- 14 năm tù là quá nghiêm khắc, vì vậy, đề nghị cân nhắc khi lượng hình. Luật sư của các bị cáo còn lại cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo, để các bị cáo có điều kiện làm lại cuộc đời.

Trình bày quan điểm tại toà, đại diện của 3 ngân hàng liên quan đến vụ án gồm: Sacombank, TP Bank, BIDV đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện VKS buộc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng, trong đó Sacombank hơn 1.835 tỷ đồng, TpBank hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV là hơn 2.550 tỷ đồng, để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Theo đại diện của Sacombank, tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26-4-2013) đến thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26-1-2014), 2 pháp nhân ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra. Sau khi giao dịch tất toán, về phía VNCB không có ý kiến gì. 

Giao dịch giữa Sacombank và VNCB phù hợp với thỏa thuận của các bên và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. 

Đáng lưu ý, việc VNCB chuyển tiền thanh toán tại 2 Chi nhánh của Sacombank đã được Tổ giám sát NHNN phê duyệt trên tờ trình. 

Mặt khác, theo Điều 429 Bộ Luật dân sự thì đến nay đã quá 3 năm nên việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.

A.Huy
.
.
.