Đại án thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng:

Luật sư Hứa Thị Phấn: Lỗi do Phạm Công Danh không thực hiện đúng cam kết

Thứ Sáu, 26/08/2016, 09:22
Ngày 25-8, phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của cá nhân, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.


Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "vi phạm các quy định về cho vay..." trong việc sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền, lấy tài sản không có giá trị để thế chấp, hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền sử dụng, mua bán trái phiếu, cho vay, nhận tài sản thế chấp, làm thủ tục giải ngân nhưng không giao tiền cho người vay, việc mua cổ phần của Ngân hàng Đại tín, mua sắm tài sản cố định, mua bán lòng vòng không nộp thuế cho nhà nước... của nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện; đồng thời, kiến nghị HĐXX thu hồi khoản tiền 851 tỷ và 135 tỷ mà ông Phạm Công Danh đã trả cho bà Phấn...

Các bị cáo tại tòa.

Bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, LS Phạm Ngọc Trung cho rằng, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty kiểm toán cũng như lời trình bày của ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) tại tòa thì thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín không như kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sở dĩ, kết luận thanh tra có con số âm khủng như vậy là vì Ngân hàng Đại Tín phải trích dự phòng rủi ro quá lớn, lên tới 5.978 tỷ đồng dẫn đến việc âm vốn, chứ không phải là bị mất vốn như một số nhận định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín theo kết luận thanh tra là khoản nợ xấu của nhóm bà Hứa Thị Phấn - Phú Mỹ với số tiền vay của 29 khoản vay là 3.581 tỷ đồng.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bà Phấn và nhóm Phú Mỹ phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu chiếm 84% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín cho nhóm ông Hà Văn Thắm, sau này ông Thắm chuyển lại cho Phạm Công Danh để trả nợ cho Ngân hàng Đại Tín vào tháng 2-2012.

Về khoản tiền mà ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã thanh toán theo đề án tái cơ cấu, theo LS, theo thống kê, tính đến ngày 29-6-2013, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã thanh toán thay cho bà Phấn và nhóm Phú Mỹ tại VNCB 3.581 tỷ đồng và một phần tiền lãi vay là 76,9 tỷ đồng, hiện còn chưa thanh toán số tiền 1.073 tỷ đồng và tiền lãi khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Các khoản tiền này, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh trực tiếp thanh toán vào tài khoản của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ tại VNCB, sau đó VNCB tự tất toán các khoản công nợ của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ, khoản tiền này đã được hòa vào dòng tiền của VNCB để phục vụ kinh doanh. Bà Phấn và nhóm Phú Mỹ không trực tiếp nhận được khoản tiền này nhưng thời gian qua nhiều người đã nhầm lẫn và cho rằng bà Phấn và nhóm Phú Mỹ đã nhận nên yêu cầu phải hoàn trả cho ông Danh và Thiên Thanh để khắc phục hậu quả.

 Phân tích vì sao ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã thanh toán 3.581 đồng và một phần tiền lãi vay là 76,9 tỷ đồng nhưng không nhận được các tài sản từ bà Phấn và nhóm Phú Mỹ, LS cho rằng: do ông Danh và tập đoàn mới thanh toán khoản vốn vay của 29 hồ sơ vay thuộc nhóm Phú Mỹ với khoản tiền 3.600 tỷ đồng, chưa thanh toán xong khoản tiền lãi nên ngân hàng chưa thể giải tỏa thế chấp xóa đăng ký giao dịch bảo đảm, do vậy không thể sang tên từ nhóm Phú Mỹ sang cho ông Danh hoặc các thành viên của Thiên Thanh. Vì vậy, theo LS, việc không thanh toán đúng hạn và giải chấp tài sản bàn giao thuộc lỗi của ông Danh và Thiên Thanh.

Theo LS, việc bà Phấn không giao được các tài sản cho ông Danh và Thiên Thanh thuộc lỗi của ông Danh do không thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, việc ông Danh và luật sư cho rằng việc không bàn giao tài sản tại quận 2 và Nhà Bè theo thỏa thuận là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của ông Danh, Thiên Thanh và VNCB, từ đó yêu cầu HĐXX tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín và kiến nghị thu hồi khoản tiền đã thanh toán 3.600 tỷ đồng tại VNCB thay cho nhóm Phú Mỹ là không có căn cứ.

Cũng trong ngày hôm qua, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Quách Kim Chi (vợ Phạm Công Danh), LS Nguyễn Thành Công đã đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên tất cả các bất động sản (BĐS) đứng tên Tập đoàn Thiên Thanh, các công ty con Thiên Thanh cũng như đứng tên cá nhân của Phạm Công Danh và bà Chi đang thế chấp tại ngân hàng để thực hiện các nghĩa vụ theo các giao dịch tín dụng đã ký kết hợp pháp. Qua đó xem xét phần giá trị còn lại sau khi giải quyết hậu quả của các hợp đồng tín dụng, phân định trách nhiệm về tài sản (nếu có) của ông Danh, bà Chi xin được nhận lại phần tương ứng của mình theo quy định.

Đối với 3 khối tài sản chung chưa thế chấp đang bị kê biên, theo LS, các tài sản này được hình thành trước thời điểm ông Danh tiếp thu Ngân hàng Đại Tín để chuyển thành VNCB liên quan đến vụ án này.

Về nguồn gốc của số tài sản này, theo LS, bà Chi và ông Danh tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nhưng có vay mượn của mẹ ruột bà Chi với tổng số tiền là 25 tỷ đồng với đầy đủ giấy tờ xác định quan hệ vay mượn ngay từ thời điểm tạo lập. Vì vậy, LS, đề nghị giải tỏa kê biên 3 BĐS nói trên để bà Chi và ông Danh được quyền xử lý nhằm trả lại khoản nợ 25 tỷ đồng cho mẹ ruột bà Chi, phần còn lại chia 1/2 cho bà Chi, phần của ông Danh thì sử dụng để khắc phục các thiệt hại trong vụ án này.

Ngoài ra, LS cũng đề nghị HĐXX xem xét cho bà Quách Kim Chi nhận lại số tiền 621.900 USD mà khi bị bắt, cơ quan điều tra đã thu giữ. Theo LS, đây là số tiền mẹ ruột của bà Chi trước đó đã đưa cho ông Danh để mua giùm một căn hộ tại Hà Nội. Tương tự, LS đề nghị HĐXX xem xét cho bà Chi xin lại chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn ông Danh đeo khi bị bắt, vì đây là kỷ vật của vợ chồng bà.

"Trong bối cảnh của vụ án này thì đây là 2 kỷ vật có giá trị rất nhỏ. Tuy nhiên, về tinh thần lại có giá trị rất lớn vì viễn cảnh thời gian tới không có người chồng bên cạnh để cùng nuôi nấng thì có 2 kỷ vật này bên mình sẽ động viên cho bà Chi rất lớn", LS Công nêu.

A.Huy
.
.
.