Lừa xin việc chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng

Thứ Hai, 05/05/2008, 16:11
Để lấy lòng tin của những người đang có nhu cầu xin việc, Trần Thị Nga kiếm số điện thoại của một số đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh, ngành rồi ghi vào điện thoại của mình để khẳng định “khách VIP”. Nga thường thuê xe sang trọng để đi lại, ăn mặc hợp mốt, ở khách sạn nhiều sao.

"Chị từng bươn chải qua thời kham khổ, chắt chiu đôi ba đồng bạc tu dưỡng học hành rồi gian nan tìm việc sau khi tốt nghiệp như em, chị hiểu thân phận sinh viên nghèo khó có thể bứt ra khỏi lũy tre làng. Thương cha mẹ, không cách nào khác phải gắng lên em ạ. Chị sẽ giúp em, chị hứa, chị..." - bằng giọng nói đầy thương cảm kèm những giọt nước mắt lăn chảy trên khuôn mặt "một thời phiền muộn", Trần Thị Nga đã khiến cả gia đình ông Mão rưng rưng cảm động.

Thương người, nước mắt chị rơi...

"Chị Nga là người tốt, nhà còn mấy con bò, ổ lợn, bầy vịt đẻ ta bán nốt, rồi vay mượn bên tiệm vàng, tất sẽ lo đủ tiền cho con có việc" - ông Mão đăm chiêu rồi lần ngón tay nhẩm tính. Cuộc chuyện trò diễn ra trong ngôi nhà đơn sơ của ông Mão khiến cậu con trai tốt nghiệp Cao đẳng Viễn thông đã 3 năm loay hoay tìm việc, nay như mở cờ trong bụng, không ngờ cả gia đình đã bị kẻ lừa đảo đẩy vào chốn khốn cùng...

Từng là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, rồi học tại chức Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, có chồng là bác sĩ Bệnh viện Hà Tĩnh nên Trần Thị Nga có cơ sở để lừa đảo. Ngoài ra, hệ thống trung gian tiếp thị cho Nga gồm những người có công ăn việc làm khá ổn định, và Nga còn có các mắt xích khác. Tuy nhiên, những người này vừa là nạn nhân, vừa vô tình dắt mối tiếp tay cho Nga lừa đảo.

Chị Võ Thị Chương, trú tại khối 9, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, cán bộ ngành Bảo hiểm kể với các điều tra viên Công an huyện Thạch Hà về trường hợp chị quá tin và giới thiệu để Nga chiếm đoạt của 10 người, tổng số tiền 425 triệu đồng. Chị Chương tin tưởng giới thiệu Nga cho bác mình là ông Nguyễn Ngọc Mão, quê Thái Bình, thường trú tại thị trấn Kỳ Anh. Ông Mão có 2 con, con đầu học Trường Cao đẳng Viễn thông ra trường đã 3 năm nay, con thứ 2 học Trung cấp Điện lực, ra trường 2 năm, cả hai đều không thể tìm được việc làm. Ông Mão bị đau ốm triền miên, vợ làm nông chỉ trông chờ mấy sào ruộng.

Khi chị Chương dẫn Nga đến nhà ông Mão, nghe gia cảnh, Nga bồn chồn bật khóc... "Thiện tâm" hơn, người phụ nữ này lặng lẽ mở ví, rút ra tờ 500.000 đồng đưa cho đứa con trai đầu, nói rằng hãy cầm lấy để mua thẻ điện thoại liên hệ với Nga. Nga cũng dúi vào tay ông Mão 200.000 đồng để ông mua thuốc chữa cảm cúm.

Trước khi ra về, Nga nhắc lại sẽ giúp bằng được 2 con ông có công việc ổn định, một làm ở Bưu điện tỉnh, một làm ở Điện lực Kỳ Anh. Hai suất chạy việc được Nga nói rất "thiện chí", gia đình nghèo khó nên chỉ lấy... 80 triệu đồng! Vì hoàn cảnh, trước mắt chỉ cầm 50 triệu đồng và hứa vài tháng sau là hai con có công ăn việc làm ngay.

Từ khi cô Nga cầm hồ sơ và tiền, bố con ngồi chờ đỏ cả mắt nhưng tin tức vẫn bặt tăm. 50 triệu đồng ông Mão nhờ chú ruột là Nguyễn Văn Biên đứng ra vay nóng tiệm vàng với lãi suất 10%/tháng, nay lãi mẹ đẻ lãi con...

Vợ chồng Xuân Đức lại khác. Anh Đức là cán bộ cơ quan Nhà nước, anh biết thị Nga qua một người quen bán tạp hoá tại TP Hà Tĩnh. Điền là em của Đức, tốt nghiệp Trung học, Khoa Điện tử Viễn thông, cũng đã lâu. Nay nghe tin Nga giỏi xin việc, lại tận tình, anh Đức và Điền đã đến đặt thẳng vấn đề. Sau khi nộp hồ sơ cho Nga, Đức còn giới thiệu thêm 2 người là cháu Đông và cháu Hương, người cùng quê. Mặc dù các gia đình này quê xã Thạch Tân, Thạch Hà đều làm nông nghèo khó, nhưng để xin việc cho con, các ông bố bà mẹ đã chạy vạy vay mượn, bán cả trâu cày, lợn giống, gom góp nộp đủ cho Nga 76 triệu đồng.

Chị em họ hàng cũng... sập bẫy

Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Vân, là kế toán Bệnh viện TP Hà Tĩnh (có quan hệ cô cháu bên chồng của Trần Thị Nga). Nghe Nga giới thiệu quen biết với một số vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số ngành nên giới thiệu cho Nga 19 người, nhờ Nga xin việc hộ. Tổng số tiền giao cho Nga lên tới 750 triệu đồng.

Cùng với thủ đoạn tương tự, Nga đã lừa được chị Nguyễn Thị Hà, trú tại phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, nhờ xin việc cho 12 người, tổng số tiền 595 triệu đồng. Nga còn chiếm đoạt tiền của 4 người thông qua ông Nguyễn Minh Tân, trú tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh 90 triệu đồng; Hoàng Văn Lực, trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, nhờ xin việc cho 6 người với 200 triệu đồng. Nga còn lừa chiếm đoạt của 3 người thông qua anh Bùi Đức Công, ở thị xã Hồng Lĩnh 103 triệu đồng.

Theo  hồ sơ ban đầu, tổng số tiền Nga lừa đảo, chiếm đoạt của 59 trường hợp trên các địa bàn trong tỉnh là hơn 2,3 tỷ đồng. 

Sinh năm 1979 tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình nhưng Nga tạm trú tại khu tập thể Bệnh viện TP Hà Tĩnh do có chồng làm ở bệnh viện này. Mặc dù thủ đoạn rất xảo quyệt nhưng cuối cùng Trần Thị Nga cũng lộ bộ mặt thật của mình.

Trước những chứng cứ thu thập được, Công an huyện Thạch Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Nga. Tại CQĐT, Nga khai, để có tiền đánh đề, thị đã nghĩ cách lừa đảo. Qua số danh bạ điện thoại của tỉnh và một số người quen, thị đã biết được số điện thoại của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, một số lãnh đạo ngành rồi ghi vào điện thoại của mình để khẳng định "khách VIP".

Để tạo vỏ bọc, thị thường thuê xe sang trọng để đi, ăn mặc hợp mốt, nghỉ ở một số khách sạn nhiều sao... Sau khi lừa được tiền, Nga ăn chơi nhậu nhẹt và nướng vào trò đỏ đen bằng hình thức đánh đề và bị cháy túi.

Hiện CQĐT đã có đủ danh sách 59 nạn nhân bị Nga lừa đảo. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng do nhiều người chưa biết hành tung của Nga. Do đó, những ai là nạn nhân trong vụ án này, đề nghị sớm đến Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh trình báo

Văn Đình - Phan Đăng
.
.
.