Lừa gần 100 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, lĩnh 19 năm tù

Thứ Sáu, 01/03/2019, 09:32
Ngày 28-2, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Huy Vững (SN 1986, trú tại khu 10, xã Hương Nội, huyện Tam Nông, Phú Thọ) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, từ năm 2015 đến giữa năm 2016, Vững làm cộng tác viên cho một số công ty có chức năng xuất khẩu lao động, trong đó có Công ty Vinagimex. Cùng thời gian này, Công ty Vinagimex thuê nhà của người dân ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm trụ sở giao dịch. 

Tháng 6-2016, Công ty Vinagimex chuyển đến địa điểm mới kinh doanh. Nhân cơ hội này, Vững tìm gặp chủ nhà và thuê lại toàn bộ mặt bằng mà Công ty Vinagimex từng thuê để làm văn phòng giao dịch đưa người ra nước ngoài lao động. Với mục đích lừa người dân, Vững thành lập Công ty TNHH XD và VT Huy Phát. 

Bị cáo Vững tại phiên xử.

Lấy chức danh Giám đốc, Vững thuê nhiều người vào công ty làm nhân viên, tổ chức hoạt động như một pháp nhân và còn trang hoàng văn phòng, phom mẫu văn bản, giấy tờ giống hệt Công ty Vinagimex. Mỗi khi có người tìm đến hỏi về việc xuất khẩu lao động, Vững đều mạo nhận công ty của mình có chức năng xuất khẩu lao động. Mượn danh Giám đốc công ty, Vững chỉ đạo nhân viên và kêu gọi cộng tác viên giới thiệu người có nhu cầu xuất khẩu lao động đến giao dịch với mình. 

Mỗi trường hợp giới thiệu đến, Vững trả công cho người môi giới từ 200USD đến 300USD. Ngoài ra, Vững còn lấy các nội dung tuyển dụng lao động thật ở các doanh nghiệp hợp pháp để tư vấn cho mọi người chọn lựa ngành nghề lao động phù hợp, tương ứng với những đãi ngộ hấp dẫn. Với mỗi người đăng ký xuất khẩu lao động, Vững chỉ đạo nhân viên thu trước từ 2.500USD đến 4.500USD, đương đương 70% chi phí.

Khi khách hàng cẩn thận và có yêu cầu cho xem hồ sơ pháp nhân, Vững chỉ đạo nhân viên đưa ra bộ hồ sơ photocopy của Công ty Vinagimex đưa họ xem để làm tin. Có trong tay một số lượng lớn hồ sơ, Vững thuê giáo viên tiếng Nhật về dạy tiếng cho các trường hơp nộp hồ sơ để thu tiền học ngoại ngữ. Đối với những người không đủ điều kiện sức khỏe ra nước ngoài lao động, Vững yêu cầu họ nộp thêm từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Số tiền này Vững cam kết sẽ giúp họ thi đỗ. 

Sau khi nhận tiền và hồ sơ của người có nhu cầu xuất khẩu lao động, Vững hẹn họ trong thời gian từ 4 đến 6 tháng sẽ đưa họ sang Nhật Bản làm việc. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện ra việc làm vi phạm pháp luật, cuối năm 2016, Vững làm hồ sơ xin thành lập một công ty có chức năng kinh doanh vận tải. Sau đó, Vững dùng chính pháp nhân của công ty này giao dịch với khách hàng. 

Thực tế cho thấy, từ khi treo biển quảng cáo, nhận hồ sơ và tiền của khách hàng để xuất khẩu lao động đến hết thời hạn cam kết, Vững không đưa được trường hợp nào ra nước ngoài. Tháng 4-2017, do nhiều người đến đòi lại tiền nên Vững bỏ trốn, gần 4 tháng sau thì bị cơ quan Công an bắt giữ. Kết quả điều tra xác định, bằng thủ đoạn gian dối nêu trên, từ tháng 6-2016 đến tháng 4-2017, Vững đã lừa đảo chiếm đoạt của 91 người ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau với tổng số tiền lên đến hơn 5,4 tỷ đồng.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vững 19 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.