Lợi dụng mạng bưu chính, viễn thông để phạm tội

Thứ Bảy, 21/11/2009, 11:30
Không chỉ lừa đảo qua nick chat, gần đây, còn xuất hiện một số thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm lợi dụng mạng bưu chính, viễn thông đăng tin rao bán tài sản, văn bằng, chứng chỉ giả, công khai đăng tin tiêu thụ ôtô, xe máy không có giấy tờ, chào mời về dịch vụ mại dâm. Tội phạm sử dụng sim rác nhắn tin, gọi điện đe dọa khủng bố để cưỡng đoạt tài sản, vu khống và nhiều mục đích khác.
>> Cướp nick chat để "câu" tiền

Thời đại Internet phát triển, đám trẻ bị cuốn vào những thú chơi trên mạng, nào game online, nào chát chít. Nghiên cứu những thú chơi này, nhiều kẻ đã nảy sinh các hành vi phạm tội như lừa đảo, trộm cắp, mại dâm... Trong đơn trình báo của các bị hại, đối tượng gây án đôi khi chỉ để lại một nick chat trên mạng, hoặc ẩn nick của người khác. Chúng không giới hạn về địa giới hành chính, không gian, thời gian... Vì thế, điều tra, phát hiện và bắt giữ những kẻ lợi dụng mạng bưu chính, viễn thông để phạm tội thời gian qua của các trinh sát Đội phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao (Đội 14) Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 14) Công an TP Hà Nội như những cuộc "mò kim đáy bể"...

Hack nick chát để lừa tiền của người khác

Chuyện xảy ra với anh Th., một phóng viên tại Hà Nội. Tự nhiên, anh thấy người bạn bảo: "Này, hôm qua bận công tác ở Nam Định quá không mua được thẻ nạp tiền à?". Anh Th. ngạc nhiên vì mình không hề đi công tác ở đâu cả. Người bạn tiếp tục bảo chính anh đã chát, nói là đang ở Nam Định bận quá, điện thoại hết tiền, không nạp được, phải nhờ bạn đi mua hộ mấy cái thẻ cào. Đến lúc này anh Th. mới giật mình, vì nick chát của anh đã bị mất password, có kẻ đã mạo danh anh đi lừa tiền của bạn.

Anh đến trình báo tại Đội 14 Phòng PC14 Công an TP Hà Nội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã làm rõ đối tượng đã hack vào nick của anh Th. để lừa đảo chính là Trần Đình Hùng, một học sinh lớp 10, sống tại Hải Phòng. Theo lời khai của Hùng, do thường xuyên lên mạng Internet chát và chơi game trực tuyến nên cậu ta biết và tháng 2/2009, mua một hộp thư gmail với giá 300 ngàn đồng. Mua xong, Hùng vào hộp thư, thay đổi password của hộp thư và đọc nội dung thư bên trong. Bên trong hộp thư đã có sẵn 830 thư, nội dung bao gồm nick chat cùng mật khẩu truy nhập các nick này.

Đến tháng 5/2009, Hùng nảy sinh ý định dùng tài khoản gmail đã mua, lấy nick chat để lừa lấy thẻ nạp điện thoại trả trước. Do biết mạng Viettel có thể chuyển tài khoản từ thuê bao này sang thuê bao khác với điều kiện thuê bao phải dùng trên 6 tháng, Hùng đã gặp Bùi Tú Anh, một sinh viên tại Hải Phòng hỏi xin chiếc sim điện thoại Viettel cũ có số là 0168694414. Sau đó, cậu ta vào hộp thư đã mua, đọc khoảng 200 thư điện tử và chắt lọc, lấy được tên và mật khẩu của khoảng 30 nick chat. Cậu ta online bằng nick chat của anh Th., nhảy vào trò chuyện với các nick trên, tạo tình huống như đang đi công tác, bận, điện thoại bị hết tiền..., nhờ họ mua hộ thẻ nạp tiền điện thoại trả trước và nhắn số thẻ qua chát.

Nhiều người tưởng bạn mình đang "kẹt" thật đã mua luôn và gửi cho Hùng mã số thẻ trên thẻ điện thoại. Hùng nạp vào sim của mình được 3,7 triệu đồng, cho Tú Anh mấy thẻ trị giá 200 ngàn đồng, còn lại đem bán cho 2 cửa hàng kinh doanh điện thoại lấy 1,8 triệu đồng chi tiêu cá nhân, thì bị các trinh sát Đội 14 bắt giữ khi cậu ta đang sung sướng hưởng thụ số tiền lừa được...

Theo các trinh sát Đội 14, hiện họ cũng đang thụ lý một số đơn tố cáo về hành vi lừa đảo qua mạng tương tự như trên. Thậm chí, đối tượng lừa còn đang sinh sống ở cả nước ngoài. Như trường hợp một nick chat ở Nhật bị hack, nói chuyện với người bạn ở Việt Nam với nội dung: Hiện bên Nhật đang thịnh hành trò chơi nhảy Audition, nhưng mua ở Việt Nam giá rẻ bằng 1 nửa, lại đang có chương trình khuyến mại nên rủ người bạn ở Việt Nam chung vốn "buôn xuyên biên giới". Tưởng thật, người bạn ở Việt Nam đã bán cả xe máy, lấy tiền mua thẻ nạp trò nhảy Audition gửi sang bạn bên Nhật. Đến khi anh này liên lạc với bạn để biết "vốn liếng" dôi dư từ việc kinh doanh này thế nào thì người bạn như "trên trời rơi xuống". Thì ra, nick của người bạn này đã bị hack từ lúc nào....

Làm quen qua mạng để lừa đảo

Vụ lừa đảo theo kiểu làm quen qua mạng gần đây nhất chúng tôi muốn nhắc đến có đối tượng là Nguyễn Thành Đạt, 18 tuổi, trú tại Hà Nội với nick chat là "bonsip_dkny", nick games Audition là "kettinh". Đầu tháng 11/2009, Đạt dùng các nick này vào mạng, làm quen với em Phạm Minh Th., nữ sinh và là bạn cùng chơi Audition. Với mục đích lừa đảo, Đạt khoe có bạn làm việc tại nơi sản xuất thẻ game, có thể xin cho em Th 4 thẻ Vcoi (thẻ nạp tiền trong game Audition. Khoảng 11h30 ngày 4/11, Đạt gọi điện hẹn em Th. đến số 2 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm) để cùng đi xin thẻ Vcoi. Cậu ta dặn đi dặn lại cô bé là phải đi xe máy vì gã không có xe. Sau khi tan học, em Th. cùng bạn gái cùng lớp đèo nhau trên xe máy Wave S màu đen đến chỗ hẹn gặp Đạt.

Màn lừa của Đạt bắt đầu từ chiếc điện thoại của Th., gã giả vờ hỏi mượn để gọi cho người bạn hẹn đến lấy thẻ, rồi cầm luôn ở tay. Khi đến cây xăng Trần Quang Khải, Đạt giả vờ galăng, bảo 2 bạn gái xuống xe để vào đổ hộ xăng. Vì cây xăng này rất rộng nên vào một đằng, gã phóng vèo xe máy ra một đằng khác, biến mất trước sự sững sờ của 2 cô bé học sinh. 14h ngày 8/11, các anh đã bắt giữ được Đạt khi cậu này đang say sưa online tại một quán Internet.

Các loại bằng giả được rao bán công khai trên mạng.

Theo lãnh đạo Đội 14, năm 2009, còn xuất hiện một số thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm lợi dụng mạng bưu chính, viễn thông đăng tin rao bán tài sản, văn bằng, chứng chỉ giả, công khai đăng tin tiêu thụ ôtô, xe máy không có giấy tờ (trong đó có cả xe tang vật vụ án), chào mời về dịch vụ mại dâm. Tội phạm sử dụng sim rác (sim khuyến mại) nhắn tin, gọi điện đe dọa khủng bố qua điện thoại để cưỡng đoạt tài sản, vu khống và nhiều mục đích khác. Theo lãnh đạo Đội 14, đáng tiếc rằng, các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này đều còn rất trẻ và có trí thức. Nhiều vụ, các đối tượng chưa ý thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, sẽ bị phát hiện và bắt giữ.                                                    

Theo dự báo của Phòng PC 14 Công an TP Hà Nội, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với sự quản lý thiếu chặt chẽ thông tin thuê bao điện thoại, quản lý hoạt động thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến... như hiện nay, việc đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông di động, hoạt động thương mại điện tử để làm phương tiện liên lạc, phương tiện phạm tội... sẽ có những diễn biến phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin sẽ tăng cao và ngày càng đa dạng, phức tạp, công khai và tinh vi hơn (tình trạng gái gọi trên mạng, mua bán lừa đảo qua mạng, mua bán hàng hoá do phạm tội mà có, trộm cắp mã thẻ và làm giả thẻ tín dụng...).

T.Hoà
.
.
.