Lợi dụng dịch vụ chuyển phát để mua bán hàng phi pháp

Thứ Tư, 30/03/2016, 08:57
Tại Đắk Lắk, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng những lỏng lẻo trong khâu kiểm tra của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, bưu phẩm của Bưu điện để mua bán công cụ hỗ trợ trái phép với số lượng lớn.


Nhà nước quy định chỉ có các cơ quan chức năng mới được sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán các loại công cụ hỗ trợ và người sử dụng công cụ hỗ trợ phải đảm bảo tiêu chuẩn nhất định.

Lực lượng Công an kiểm kê số công cụ hỗ trợ do các đối tượng giao nộp.

Thế nhưng, qua nắm tình hình, thời gian gần đây, Phòng  An ninh kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một số đối tượng sử dụng trang mạng xã hội facebook và các tên giả, sim điện thoại rác (không đăng ký thông tin cá nhân) để giao dịch rao bán, đặt mua nhiều chủng loại công cụ hỗ trợ  với số lượng lớn, ước tính trị giá khoảng 450 triệu đồng.  Sau khi thỏa thuận giá cả, các đối tượng tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng kết hợp thu tiền hộ người gửi hàng  -  thường gọi là dịch vụ chuyển phát COD - để giao, nhận.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vừa qua, Phòng  An ninh kinh tế đã làm rõ một đường dây gồm 3 đối tượng: Lý Ngọc Tân  (23 tuổi), trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột), Đinh Công Minh (21 tuổi)  và Cao Thị Por (21 tuổi), đều ở tỉnh Gia Lai và cùng thuê trọ tại số 03, Nguyễn Duy Trinh, TP Buôn Ma Thuột.

Các đối tượng này đã giao nộp cho cơ quan Công an 168 công cụ hỗ trợ gồm: súng phóng điện, gậy điện, đèn pin kiêm roi phóng điện, roi điện, bình xịt hơi cay, đèn pin siêu sáng kiêm dùi cui, dùi cui kim loại, bình xịt hơi cay, kiếm Nhật, găng tay bắt dao và một số công cụ khác.

Điều đáng nói ở đây là, suốt 9 tháng qua, ngoài một ít hàng các đối tượng thuê gửi dịch vụ chuyển phát của một số nhà xe, còn lại, đều nhận từ người bán hoặc gửi cho người mua các công cụ hỗ trợ này ở 63 tỉnh, thành trong cả nước bằng dịch vụ chuyển phát COD của Bưu điện tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, chỉ riêng đối tượng Lý Ngọc Tân, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh tỉnh Đắk Lắk xác định đã gửi đến hơn 700 lần.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng  An ninh  kinh tế, thì tình trạng các doanh nghiệp có dịch vụ chuyển phát hàng hóa, bưu phẩm lơi lỏng kiểm tra, dễ dãi khi nhận giao thuê hàng hóa sẽ là kẽ hở lớn để cho các đối tượng lợi dụng vận chuyển không chỉ công cụ hỗ trợ trái phép mà còn có thể là các loại hàng phi pháp khác như ma túy, chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng lậu, hàng trộm cắp nên có nguy cơ gây hậu quả xấu cho xã hội. Còn các công cụ hỗ trợ, nếu rơi vào tay bọn tội phạm thì chúng sẽ có thêm hung khí nguy hiểm để gây ra nhiều vụ án.

N.Trọng
.
.
.