Làm rõ vai trò “bù nhìn” các đồng bọn của trùm lừa đảo hơn 6000 nhà đầu tư

Thứ Năm, 09/08/2018, 18:51
Trong đường dây lừa đảo hơn 6000 nhà đầu tư mua tiền ảo do Nguyễn Hữu Tiến (34 tuổi, quê quán Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VNCOINS, tọa lạc quận 1, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, đến ngày 9-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ vai trò “bù nhìn” của Phạm Việt Sơn (60 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật) và Nguyễn Hồng Quân (41 tuổi, ngụ Bình Dương, phụ trách công nghệ thông tin Công ty VNCOINS).


Tại cơ quan Công an, Sơn khai nhận: Công ty cổ phần OTCMAX (tọa lạc phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) được thành lập vào tháng 8-2016 do Tiến làm chủ tịch hội đồng quản trị. Thoạt đầu, Sơn không đồng ý vì thấy có nhiều bất thường trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Tiến kiên trì thuyết phục và Sơn đồng ý tham gia hoạt với mức lương 15 triệu đồng/tháng. 

Đối tượng Tiến (trái) tại buổi tọa đàm kêu gọi nhà đầu tư

Khi đảm nhận công việc, Sơn được biết vợ Tiến tên Phạm Thị Phương Thư làm kế toán. Theo sự phân công của Tiến, Sơn chỉ làm nhiệm vụ ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng góp vốn vào Công ty cổ phần OTCMAX. Đến tháng 2-2017, Sơn nghỉ việc tại công ty. Từ tháng 8 đến tháng 12-2016, Công ty cổ phần OTCMAX tổ chức 4 buổi hội thảo với thành phần tham gia gồm Sơn, Tiến, Phạm Thị Bích Đào, nhân viên công ty và khoảng 50-60 người tham gia.

Trong các buổi hội thảo, Tiến là người thuyết trình chính. Nội dung thuyết trình của Tiến trình bày các dự án như, mua lại quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Quảng Phú tại Thanh Hóa; đầu tư cổ phiếu thương mại, điện tử, đầu tư khai thác mỏ nước ngọt tại Bình Thuận, hợp tác với công ty xây dựng Bắc Nam xây dựng trung tâm thương mại tại Thanh Hóa và kêu gọi nhà đầu tư ký kết hợp tác đầu tư với cam kết trả lợi nhuận liên tục trong thời gian 90 ngày làm việc. Mỗi ngày bằng 1,8% số tiền đầu tư. Toàn bộ thu được tiền góp của các nhà đầu tư, Sơn đưa hết cho Tiến.

Cũng theo Sơn, từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017, Công ty cổ phần OTCMAX không hoạt động kinh doanh, cũng không liên hệ ký kết quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Quảng Phú tại Thanh Hóa; không liên hệ với các cơ quan chức năng để xin đầu tư khai thác mỏ cát tại Bình Thuận, hợp tác với công ty xây dựng Bắc Nam xây dựng trung tâm thương mại tại Thanh Hóa; không có dự án san lấp sân bay ở Long Thành (Đồng Nai); không hợp tác với công ty xây dựng Bắc Nam. Các hợp đồng do Sơn ký nhưng Sơn chỉ ký mẫu vào một bản hợp đồng. Sau đó, Công ty cổ phần OTCMAX phô tô chữ ký của Sơn và dán vào các hợp đồng đầu tư để lừa đảo khách hàng.

Qua điều tra, Quân cũng khai nhận, từ tháng 12-2015 đến nay, Tiến thuê Quân làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, Công ty cổ phần OTCMAX, phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Các công ty này đều do Tiến sáng lập và điều hành mọi hoạt động của công ty. Quân còn được Tiến phân công phụ trách mảng truyền thông nên biết Tiến không thực hiện các dự án như đã “nổ” với hơn 6000 nhà đầu tư. Tiến đã dùng số tiền của khách hàng vào việc khác.

 Năm 2016, Tiến có mời Quân tham gia vào cổ đông Công ty cổ phần OTCMAX. Tuy nhiên, Quân không tham gia, vì biết Tiến thành lập để lừa đảo nhà đầu tư. Mô hình Tiến xây dựng là đầu tư kiểu đa cấp. Toàn bộ nội dung phần mềm quản trị do Quân xây dựng theo sự chỉ đạo của Tiến. Thực tế, Tiến không nộp tiền đầu tư vào công ty.

Mặt khác, công ty cũng không bán mặt hàng nào ngoài mã code (mã đầu tư) cho các nhà đầu tư. Các mã code này có 9 đến 10 ký tự là các chữ cái liền nhau. Các mã code có giá trị từ 2,5 đến 250 triệu đồng. Trước khi bán các mã code cho nhà đầu tư, Tiến đã mở các buổi hội thảo để lôi kéo họ tham gia bỏ tiền mua mã code và các gói đầu tư (gói 1 giá 2,5 triệu đồng, gói 2 giá 5 triệu đồng, gói 3 giá 25 triệu đồng, gói 4 giá 80 triệu đồng). Trong các buổi hội thảo, Quân còn giữ nhiệm vụ tham gia và ghi hình. Các buổi hội thảo có phát các tạp chí do Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt phát hành, nội dung do Quân dự thảo theo sự chỉ đạo của Tiến.

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cho biết: Quá trình phá án, đã khai thác dữ liệu điện tử, đối chiếu tài liệu, sổ sách, chứng từ của công ty; triệu tập lấy lời khai của 9 đối tượng là nhân viên của công ty, trong đó có Vũ Văn Thượng, phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), Thư và Đào (tổng tuyến). Các đối tượng này cũng thừa nhận, Công ty cổ phần OTCMAX không có hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như Báo CAND đã đưa tin, ban đầu có nhiều nhà đầu tư ham lợi nên tham gia đầu tư các dự án. Do vậy, OTCMAX có tiền trả lãi cho họ. Nhưng đến tháng 11-2016, công ty không trả lãi đúng hạn cho nhà đầu tư như cam kết do NĐT tham gia ít dần, tiền không còn. Thấy làn sóng đầu tư tiền ảo đang dâng cao, tháng 9-2017, Tiến đổi tên OTCMAX thành Công ty cổ phần VNCOINS nhằm chuyển sang hình thức lừa đảo tiền ảo. Tiến tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, công bố Công ty VNCOINS có kênh đầu tư tiền ảo tạo ra giá trị lớn, NĐT mua tiền ảo VNCOINS gửi vào gói của mình sẽ được công ty đảm bảo lợi nhuận lên đến 2,5%/ngày.

Thực tế, toàn bộ tiền ảo do công ty của Tiến tự tạo ra; giá trị nâng cao hay hạ thấp cũng do Tiến chỉ đạo đồng bọn dùng thủ thuật để biến đổi cho thị trường ra vẻ sôi động. Nhà đầu tư bỏ tiền thật để mua tiền ảo và bị mất tiền thật mà không có tiền ảo nào bán được tại thị trường Việt Nam và thế giới. Khi khách hàng thấy lợi nhuận đến 1,8%/ngày, đổ tiền vào các dự án thì Tiến chỉ đạo cấp dưới lấy tiền của người này trả lãi cho người sau, hoặc lấy tiền vốn góp của chính nhà đầu tư trả cho nhà đầu tư. Khách hàng có thể lựa chọn nhiều gói đầu tư, mỗi người được đầu tư nhiều dự án với lãi “khủng”. Nếu đầu tư gói dự án VIP 3 tỷ đồng thì sau 3 tháng, khách hàng sẽ có thể nhận được gần 5 tỷ đồng.

Đức Mừng
.
.
.