Đường đi của lô hàng hơn 9 tỷ đồng lọt cửa Hải quan

Thứ Bảy, 09/01/2016, 09:27
Vinh thường xuyên “mượn” CMND để đăng ký nhận hàng quà biếu từ nước ngoài về Việt Nam. Thực chất, Vinh đã dùng hai giấy CMND này để phục vụ cho việc nhập lậu hàng 


Khi chiếc xe du lịch 16 chỗ BKS 51D - 00913 vừa nhận hàng từ kho của Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (gọi tắt là kho TCS) ra đến đường Phan Thúc Duyệt, quận Tân Bình, thì lực lượng chức năng gồm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra.

Tài xế Vũ Văn Tuệ không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc của số hàng chở trên xe nên lực lượng chức năng yêu cầu lái xe đưa xe về trụ sở Công an để kiểm tra theo quy định.

Tại cơ quan điều tra, Vũ Văn Tuệ khai vận chuyển hàng theo chỉ đạo của chủ xe là Vũ Minh Sáng, đưa số hàng này về kho ở đường Phan Thúc Duyệt, quận Tân Bình. Kiểm tra thực tế, hàng hóa vận chuyển trên xe gồm 13 kiện hàng còn nguyên số vận đơn, không bị bong tróc hoặc cắt rách bên ngoài, không có dấu hiệu là đã được hải quan kiểm hóa. Bên trong 13 kiện hàng có 844 sản phẩm gồm ĐTDĐ Iphone 5, 5S, 6, 6 Plus, Samsung, Sony, máy tính bảng iPad…

Kết quả điều tra cho thấy, lô hàng trên được vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường hàng không, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Lê Văn Kiền (ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đứng tên nhận 4 kiện hàng và Trương Thị Thanh Mai (ngụ huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đứng tên nhận 9 kiện hàng. 

Phan Quang Vinh và Phan Thị Dạ Hương làm thủ tục khai Hải quan, kê khai trên tờ khai hải quan lô hàng nhập khẩu trên là hàng quà biếu gồm các mặt hàng như: giày dép, quần áo, dầu nóng, giỏ xách simili, đồ chơi trẻ em…(không kê khai mặt hàng ĐTDĐ, máy tính bảng các loại). Hàng nhập về được đưa vào kho TCS.

Để đánh tháo trót lọt lô hàng nhập lậu này ra khỏi sân bay đưa về điểm “tập kết”, Phan Quang Vinh và Phan Thị Dạ Hương đã móc nối với Lê Nguyễn Thị Ái Trâm, công chức hải quan (thuộc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) là người trực tiếp kiểm trả tờ khai hải quan mang tên người nhận hàng Lê Văn Kiền và Trương Thị Thanh Mai. Vinh cho Hương thông báo cho Trâm biết là trong 13 kiện hàng nhập về có mặt hàng ĐTDĐ.

Lê Nguyễn Thị Ái Trâm tại Cơ quan điều tra.

Để giúp sức cho Vinh và Hương, mặc dù không hề kiểm hóa lô hàng trên, nhưng Trâm vẫn ghi kết quả kiểm hóa là “mở kiểm tra hàng là quà biếu cá nhân phù hợp khai báo” và trong tờ khai hải quan (bản người khai lưu), Trâm đóng dấu “Đã làm thủ tục Hải quan”, đưa cho Vinh làm thủ tục trình với Hải quan giám sát (bộ phận giải quyết cuối cùng của Hải quan).

Hương đưa cho Nguyễn Hoàng Minh số thứ tự tại khuôn viên kho hàng Công ty TCS để Minh lấy hàng ra khỏi kho TCS cho nhanh. Minh đã vào phòng phát hàng để lấy các vận đơn có đóng dấu tên của công chức hải quan đăng ký tờ khai, dấu tên của công chức giám sát kho hàng và 3 phiếu xuất kho do công ty TCS phát hành đưa cho nhân viên lái xe xúc để xúc 13 kiện hàng ra giao cho Minh. Nguyễn Hoàng Minh đã ký tên chủ hàng vào Phiếu xuất kho ở mục người nhận hàng là Lê Văn Kiền và Trương Thị Thanh Mai.

Do Minh được Hương cho biết là 13 kiện hàng này có tờ khai hải quan đã được thông quan, nên Minh nhờ Toản điều khiến xe xúc chở hàng thẳng ra cổng TCS để giao cho Vinh không qua khu vực kiểm hóa của Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó, lô hàng được đánh tháo ra cổng kho hàng TCS và đang vận chuyển trên đường thì bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Mặc dù đứng tên chủ số hàng trên nhưng Lê Văn Kiền và Trương Thị Thanh Mai hoàn toàn không biết gì về lô hàng này. Kiền làm nghề chạy xe ôm trước cổng kho TCS và được Vinh thường xuyên thuê chở hàng giao cho khách hàng. Vinh đã nhiêu lần “mượn” giấy CMND của Kiền để đăng ký đứng tên nhận hàng từ nước ngoài về với giá 100.000đ/lần.

Trương Thị Thanh Mai – em vợ Vinh, cũng được Vinh thường xuyên “mượn” CMND để đăng ký nhận hàng quà biếu từ nước ngoài về Việt Nam. Thực chất, Vinh đã dùng hai giấy CMND này để phục vụ cho việc nhập lậu hàng hóa do Vinh tổ chức thực hiện. Bị “lật tẩy”, Vinh khai nhận là đã làm thủ tục nhập khẩu thuê 13 kiện hàng cho một người tên Hoa.

Tuy nhiên, Vinh không xác định được thông tin, địa chỉ của người tên Hoa để cơ quan điều tra xác minh làm rõ vụ việc. Vì vậy, cơ quan điều tra cho rằng, Vinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về số lượng hàng hóa nhập lậu trên. Theo kết quả định giá, 844 ĐTDĐ các loại và máy tính bảng có giá tổng cộng hơn 9 tỷ đồng.

Ngày 7-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố Phan Quang Vinh (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Phan Thị Dạ Hương (chị Vinh, 34 tuổi), Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (38 tuổi, nguyên công chức thuộc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) và Nguyễn Hoàng Minh (29 tuổi, nguyên nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất) cùng về tội "Buôn lậu".

Thúy Hà
.
.
.