Không ưa là… chém

Chủ Nhật, 21/01/2007, 14:39

Nghe một người bạn kể vừa bị đánh, Trương Công Hiếu lập tức chạy về nhà, vác 2 thanh mã tấu ra đường. Khi gặp nhóm thanh niên đánh bạn mình, Hiếu đã dùng mã tấu chém chết một người trong nhóm rồi về nhà… ngủ.

Ngày 28/12/2006, Công an  quận Gò Vấp đã bắt khẩn cấp Trương Công Hiếu, 23 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp vì tội danh giết người. Bị bắt, Hiếu không hề quanh co, khai nhận ngay tức khắc, đầy đủ và chi tiết hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng, khai xong Hiếu vẫn không hề biết nạn nhân vừa bị mình chém chết là ai, làm gì, ở đâu, bởi lẽ giữa Hiếu và nạn nhân tuyệt đối không có chút quan hệ hay mâu thuẫn gì cả.

Điểm chung duy nhất giữa thủ phạm và nạn nhân là cả hai cùng thừa máu côn đồ. Chỉ cần chậm tay hơn một chút, Trương Công Hiếu đã tránh được tội giết người, thay vào đó, y có thể sẽ bị giết chết bởi tay kẻ vừa mới bị y tước đi mạng sống.

Khoảng 21h đêm 27/12/2006, một nhóm thanh niên gồm Trương Tấn Vinh, Đỗ Thành Nhân, Mạnh, Mỹ, Hậu... đang đứng chơi trước Bưu điện Trưng Vương, đường Lý Thường Kiệt, Gò Vấp thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên khác đi xe máy đến chọc ghẹo, đuổi đánh một cách vô cớ, sau đó bỏ đi.

Khoảng 15 phút sau, nhóm này quay lại đánh nhóm của Vinh, Nhân một lần nữa. Lần này, đám nhóc không cam chịu, vây lại đánh cho đám gây hấn một trận. Thấy đối phương đông quân hơn, đám gây hấn vội tháo chạy. Một tên trong bọn ngoái cổ lại đe dọa: “Tụi tao sẽ quay lại tính sổ từng thằng một”.

Tình cờ gặp Trương Công Hiếu đi mua đồ ăn tối, Vinh đã đem chuyện này kể cho Hiếu nghe, đồng thời cho biết là “tụi nó có hàng (mã tấu)”. Biết nhóm kia sẽ trở lại, Hiếu bảo: “Phải cho tụi nó biết lễ độ”.

Hiếu chạy về nhà lấy hai thanh mã tấu ra giấu dưới chân một cột điện trên đường Lý Thường Kiệt chờ sẵn. Khoảng 10 phút sau, Nguyễn Thanh Cần, Nguyễn Thị Ngọc Hân (ngụ tại Nhà Bè) và 2 người đàn ông khác chưa rõ tung tích xách mã tấu phóng xe máy tới.

Không nói không rằng, Hiếu chụp mã tấu đuổi chém Hân. Hân bỏ chạy và gọi Cần giải cứu. Tên này xách mã tấu xông ngay tới chỗ Hiếu để chém nhưng không may vấp ngã, văng mất vũ khí.

Không chần chừ, Hiếu đã xông tới chém thẳng  vào cổ Cần khiến đối tượng này gục tại trận. Chém xong, tên côn đồ bình thản về nhà tắm rửa và... đi ngủ.

Nguyễn Thanh Cần được đưa đi cấp cứu nhưng không kịp, bởi vết thương quá nặng. Không mấy khó khăn, Công an Gò Vấp đã xác định được đúng hung thủ và bắt ngay Trương Công Hiếu vào sáng hôm sau.

Cũng tại Gò Vấp, 5 ngày sau lại xảy ra một vụ na ná, kẻ bị chém và hung thủ đều hung hăng như nhau. Cả hai bên đều được kích thích thêm bằng một ít bia rượu nên nhanh chóng “máu bốc lên đầu”.

Đêm 2/1/2007, trong khi ngồi nhậu trên đường Dương Quảng Hàm, nhóm Nguyễn Văn Hải, 24 tuổi, quê Nghĩa Đàn, Nghệ An; Hồ Văn Luật, 21 tuổi, quê Hà Tĩnh; Hoàng Xuân Hòe, 29 tuổi, quê ở Hướng Hóa, Quảng Trị đã vô tình va chạm với Lê Minh Thắng, 36 tuổi, trú tại quận 12 và Bùi Duy Quý, 40 tuổi, ngụ tại phường 17, Gò Vấp.

Cho rằng “mấy thằng nhóc con hỗn với người lớn”, Quý và Thắng đã rời quán rồi quay lại tìm chém nhóm của Hải. Cuộc nhậu đã tàn, bạn nhậu đã về trước, còn lại một mình Hải đang chờ tính tiền thì bị Quý và Thắng đuổi chém.

May mắn, Hải thoát được và cũng chạy ngay về chỗ trọ vác mã tấu ra chém lại. Khi đến nơi, Hải thấy Quý và Thắng đang bị một đám đông khác vây đánh, không rõ nguyên nhân. Không chần chừ, Hải nhảy xổ vào giữa đám đông vung mã tấu chém túi bụi vào đầu Quý, gây thương tích khá nặng...

Dù nguyên nhân rất vô duyên, nhưng dù sao hai vụ trên cũng còn mang chút màu sắc tranh chấp của hai nhóm côn đồ. Nhưng vụ xảy ra ngày 14/12/2006 tại lô E cư xá Thanh Đa thì đúng là không thể hiểu nổi. Nạn nhân là em Nguyễn Tường Anh, mới 14 tuổi bị một nhóm 4 tên côn đồ đuổi chém gây thương tích rất nặng ngay giữa ban ngày.

Công an đã có mặt kịp thời, thu giữ 4 mã tấu, 3 xe máy và bắt được Nguyễn Lộc Thọ, 23 tuổi. Ba tên kia chạy thoát, Thọ khai là tổ chức đánh chém em Anh để trả thù. Một cậu bé 14 tuổi thì có thể làm gì được đến nỗi phải thù hằn tổ chức cả một nhóm “truy tận giết tuyệt”? Câu trả lời chắc không gì khác hơn là thói côn đồ hung bạo.

Những vụ thanh toán kiểu côn đồ cứ xảy ra liên tục, không vụ nào có lý do rõ ràng. Chỉ vì tranh nhau trêu ghẹo gái, ngày 10/1/2007, Nguyễn Văn Khánh, 18 tuổi ở An Phú Tây, Bình Chánh, đã huy động một số bạn bè gây sự chém nhau với một băng nhóm khác khiến một đối tượng bị thương nặng phải vào bệnh viện.

Đêm 1 rạng sáng ngày 2/1/2007, đang ngồi uống sinh tố gần chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, nhóm của V.Q.K. ngụ ở Gò Vấp vô cớ bị một nhóm 7, 8 thanh niên dùng dao tấn công. K. bị đâm đứt tĩnh mạch cổ, 1 người khác bị đâm thủng phổi, 2 người nữa bị đâm vào lưng nhưng vết thương không nghiêm trọng.

Gần 2 tuần sau, thủ phạm của vụ bạo hành này đã bị xác định và bắt giữ khi chúng gây ra một vụ giết người khác tại quận Tân Phú. Chúng gồm Nguyễn Hoàng Minh Nhật, tự Nhật “cùi”, 16 tuổi, Từ Vũ Bảo, tự Ty “nhóc”, 18 tuổi, Trần Văn Chiến, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Bằng..., ngụ tại Tân Bình và Tân Phú.

Đêm 12/1, Chiến “mập” mượn xe của bạn gái là Đào Thị Kim Anh đi chơi với cả nhóm, quên luôn giờ đón và trả xe cho Kim Anh. Chờ lâu sinh bực, Kim Anh đã nhắn tin vào ĐTDĐ của Ty “nhóc” chửi nguyên cả đám. Cho rằng cô gái này hỗn, Ty “nhóc” liền kêu hết băng lại, mang theo dao đi tìm Kim Anh để nói chuyện.

Vừa gặp Kim Anh, Ty “nhóc” đã giáng cho cô gái mấy tát tai. Nổi khùng, Kim Anh đánh lại. Nhật “cùi” bèn rút dao cắm thẳng vào ngực cô gái khiến nạn nhân thủng tim và chết tại bệnh viện. Những cuộc chơi đêm chấm dứt, cả bọn nối nhau tra tay vào còng, khai luôn chuyện gây ra vụ thanh toán nhóm V.Q.K. đêm 1/1/2007.

Không chỉ gây sự, thanh toán nhau giữa các nhóm côn đồ hay hành hung người vô tội mà ngay cả người đang thi hành công vụ, những kẻ thừa máu côn đồ cũng sẵn sàng “thanh toán” luôn.  Chiều 7/1/2007, do chạy ẩu Đỗ Hữu Thắng, 31 tuổi đã lao cả xe vào sau đuôi một chiếc môtô của CSGT đang tuần tra, dừng tại đèn đỏ ngã tư Phan Đình Phùng - Nguyễn Trọng Tuyển.

Bị anh Đặng Hồng Phúc, chiến sĩ thuộc Đội 4 Phòng CSGT lập biên bản xử lý vi phạm, đối tượng này đã... đấm gãy mũi anh công an, khiến từ một vụ xử lý hành chính, Công an phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát quận Phú Nhuận đề nghị khởi tố hình sự.

Nghiêm trọng hơn, đó là khi thói côn đồ được hỗ trợ bằng lớp áo tập thể, và được tổ chức bởi một số người đang làm công việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự.

Đêm 17/102006, chỉ vì một va quệt nhỏ không gây thương tích với anh Nguyễn Phi Bình ở nhà số 240 Võ Thành Trang, một nhân viên của Công ty vệ sĩ T.L. đã kéo cả chục người cùng công ty, trong đó có một người mặc đồng phục đến đập phá tan hoang nhà của nạn nhân. Số người này mang theo cả dây xích, ống tuýp nước, gặp ai đánh nấy.

Sau khi đập phá và đánh hai anh Nguyễn Phi Hải, Nguyễn Đông Hưng (em của anh Bình) bị thương nặng gục tại chỗ, nhóm vệ sĩ mới chịu bỏ đi. Tuy nhiên, người nhà nạn nhân đã nhận diện được một vài người tham gia hành hung và báo cho công an xử lý.--PageBreak--

Làm gì để ngăn chặn nạn côn đồ

Trước những vụ bạo hành đường phố đang gia tăng gần đây, người có trách nhiệm cảm thấy hết sức đáng lo ngại, bởi khó có thể nhận diện được trước nguyên nhân, động cơ  của các vụ việc để ngăn chặn. Trong khi đó, bạo hành do manh động, bột phát lại rất dễ biến thành trọng án gây hậu quả nghiêm trọng như thương tật, chết người.

Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh đối tượng thì đa số thủ phạm của các vụ việc đều là thanh thiếu niên, giờ giấc diễn ra các vụ đụng chạm thường là ban đêm, trong “giờ chơi” của các đối tượng trẻ. Điều đó khiến người ta nhận ra rằng, giới trẻ đang rất cần có những sân chơi lành mạnh, bổ ích và đủ hấp dẫn để có thể hạn chế bớt những cuộc tụ tập, kéo băng lập nhóm và la cà không mục đích trên đường phố.

Thực tế là, những “sân chơi” quốc doanh, ngoại trừ một vài tụ điểm ca nhạc, sân khấu,... còn lại đều rất ít sức thu hút đối với những cái đầu bốc đồng và tâm lý của một lứa tuổi thừa năng lượng nhưng không có nghề nghiệp, mục đích cụ thể để “giải tỏa”.

Thêm vào đó, lề đường và những cuộc đi rong thâu đêm vẫn có sức lôi kéo không thể chối cãi. Càng gần tết nhất, không khí lễ hội, mua sắm và hưởng thụ càng khiến đường phố trở nên hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc va chạm và manh động càng dễ xảy ra hơn. Làm gì để ngăn chặn nạn bạo hành lề phố, xem ra vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

Dĩ nhiên, luật pháp không hề nương tay với tội lỗi mang thói côn đồ. Gần như cùng thời điểm với những vụ bạo hành côn đồ mới xảy ra gần đây, chúng tôi cũng đã ghi nhận được một số phiên tòa dành cho những đối tượng phạm các tội danh tương tự, với những bản án đầy tính răn đe.

Say rượu  và tự ngã, Hoàng Đình Việt ở thị trấn Củ Chi đã về nhà lấy dao ra chém anh Nguyễn Bảo Như, vì cho rằng anh này cản đường làm hắn ngã. Đinh Bảo Ân và Hoàng Thanh Du thấy vậy đã nhảy vào can. Ân nhặt gỗ, đá ném thẳng vào giữa đám đông để giải vây cho Như, bất chấp việc này sẽ gây thương tích cho nhiều người vô can. Du thì sau khi đã ôm được Việt cho anh Như rút lui lại giằng dao đuổi đâm đối tượng, gây thương tích cho hai anh Nguyễn Văn Chiêu và Trần Đức Dư cũng là người đến can ngăn.

Ngày 28/12/2006, TAND TP HCM đã tuyên phạt Việt 9 năm tù, Du 8 năm tù cho tội danh giết người, Ân 3 năm tù cho tội gây rối trật tự công cộng.

Tương tự, sau một vụ va quẹt nhẹ, bị Trần Văn Long đuổi đánh, đối tượng Đặng Đức Thọ đã tìm đến tận nhà Long ở Tân Trụ, Bình Chánh để “trả thù”. Không gặp Long, Thọ đã vô cớ đánh trọng thương anh Nguyễn Hữu Thọ chỉ vì anh này ở... cùng hẻm với đối thủ đang kiếm tìm. Hành vi ngông cuồng vô cớ đánh người này đã phải trả giá bằng bản án 9 năm tù trong một phiên xử khác diễn ra cùng ngày 28/12.

Sự nghiêm khắc của luật pháp tuy không phải là hình thức có thể triệt để ngăn chặn bạo lực côn đồ, nhưng ít nhất nó cũng mang tính răn đe rõ rệt. Ngược lại, khi luật pháp thiếu nghiêm thì thói côn đồ càng có nguy cơ phát triển mạnh. Năm 2002, bà Tô Thị Kim Liên vay của anh Trần Dậu ở phường Tân Phú, quận 9 1,8 triệu đồng, không tính lãi, nhưng lần lữa không chịu trả.

Tháng 4/2005, anh Dậu nhắc, bà Liên xin trả góp mỗi tháng 200.000 đồng. Trả được một tháng, bà lờ luôn, tính đường quịt nợ. Bị anh Dậu nhờ người quen nhắc nhiều lần, bà Liên... thấy ghét nên đã tổ chức cho các con trai mình là Võ Anh Cường, Võ Anh Tuấn, Võ Anh Kiệt cùng nhiều tên lưu manh khác chém anh Dậu ngã gục tại nhà.

Chị Trần Thị Thủy, chị ruột anh Dậu đã quì lạy giữa đường xin, chúng vẫn không chịu buông tha, vẫn tiếp tục đánh chém. Ông Mười Đông, em rể bà Liên ra can ngăn, chúng vung mã tấu định chém luôn cả ông. Khi nạn nhân đã đầm đìa máu, ngất xỉu, chúng mới chịu bỏ đi.

Gần hai tuần sau, Công an phường mới chuyển hồ sơ lên Công an quận 9. Ba tháng sau, vụ việc vẫn không được xử lý, những kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Những thành viên trong gia đình này càng lộng hành hơn, lại tiếp tục đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân. Bà Liên còn gặp cả chị ruột nạn nhân và bảo: “Chuẩn bị mà nhận xác thằng em mày”. Gây án nhưng không bị trừng trị, những tên côn đồ đã càn quấy tới mức dám đuổi chém cả nhân viên trật tự của phường, gây náo loạn cả khu vực, gây bức xúc dư luận.

Rõ ràng, sự buông lỏng kỷ cương đã tạo điều kiện cho bạo lực nảy nở và phát sinh. Theo quan sát của chúng tôi, nạn côn đồ trên đường phố ở TP HCM vẫn đang có dấu hiệu gia tăng và chưa có biện pháp ngăn chặn, phòng trừ hiệu quả. Đó là một thực trạng đáng báo động và không thể làm ngơ

Nguyễn Đức
.
.
.