Không được“giơ cao đánh khẽ”

Chủ Nhật, 19/02/2012, 18:53
Việc áp dụng hình phạt không đúng pháp luật, “nhẹ tay” với những kẻ ngông cuồng, bất chấp pháp luật, sẽ không đủ tác dụng giáo dục và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ vốn là vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm lo ngại.

Cách đây 5 tháng, trong thực thi nhiệm vụ trên tuyến đường liên xã vào chiều 19/9/2011, Tổ CSGT Công an huyện Phú Hòa phát hiện Ngô Đình Duy (25 tuổi) trú ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An điều khiển xe máy BKS 78V1-9770 chở hai người.

Thấy CSGT phát tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý hành vi “kẹp ba” và không đội mũ bảo hiểm, Duy không chỉ bất chấp mà còn vù ga, tăng tốc xe máy lao thẳng về phía Cảnh sát, khiến một Công an viên xây xát. Do vội vàng phóng xe tẩu thoát, nên Duy té ngã và được CSGT đỡ dậy, nhưng Duy vung tay chỉ chỏ, lớn tiếng chửi mắng, thách thức bằng những lời lẽ thô tục.

Chưa dừng lại ở đó, Duy xông vào đánh một Cảnh sát, rồi lấy bật lửa gas thiêu cháy chiếc xe máy mượn của người khác, chỉ còn lại…khung sắt. Trước một loạt hành vi ngông cuồng của Duy, Cảnh sát phải khống chế tạm giữ và sau đó đối tượng này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Án sơ thẩm ngày 17/1/2012 của TAND huyện Phú Hòa nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nhưng chỉ xử phạt Ngô Đình Duy 6 tháng tù về tội hủy hoại tài sản, 9 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Phát hiện án xử quá “nhẹ tay”, giữa tháng 2/2012 Viện KSND tỉnh Phú Yên đã có quyết định kháng nghị, chỉ rõ hình phạt tòa sơ thẩm tuyên xử Ngô Đình Duy không tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, thậm chí có sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng pháp luật.

Cụ thể là Duy kê bật lửa gas vào bình xăng là chất dễ cháy để đốt xe máy, hành vi đó được quy định cụ thể tại điểm b, khoản 2, điều 143 BLHS về tội hủy hoại tài sản, nhưng tòa sơ thẩm lại áp dụng khoản 1 điều 143 BLHS có định khung hình phạt nhẹ hơn để xét xử bị cáo là không đúng pháp luật. Bản thân Duy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, liên tục chống đối, chửi mắng, thách thức pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng hoạt động đúng pháp luật của những người thi hành công vụ.

Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Yên yêu cầu Tòa án tỉnh này xét xử phúc thẩm vụ án, theo hướng tăng hình phạt hai tội danh nêu trên đối với bị cáo Ngô Đình Duy.

Rất nhiều người bày tỏ thái độ đồng tình với quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Yên. Bởi lẽ việc áp dụng hình phạt không đúng pháp luật, “nhẹ tay” với những kẻ ngông cuồng, bất chấp pháp luật, sẽ không đủ tác dụng giáo dục và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ vốn là vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm lo ngại. Xin đừng “giơ cao đánh khẽ”, để tội phạm có cơ hội hí hửng, lộng hành

PV
.
.
.