Khởi tố giám đốc hợp tác xã chỉ đạo xã viên làm “cát tặc”

Thứ Hai, 15/01/2018, 08:16
Được cơ quan chức năng cấp phép khai thác tại 3 điểm mỏ trên sông Lam, song ông giám đốc hợp tác xã (HTX) quản lý hơn 60 xã viên đã không khai thác đúng vị trí, thường xuyên đưa tàu đi khai thác cát tại các điểm ngoài vùng mỏ để thu lợi bất chính hơn 13 tỷ đồng. Với hành vi này, sau khi bắt quả tang, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam để điều tra.



Đại tá Cao Tiến Mai, Trưởng Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) xác nhận, cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Trung Châu (66 tuổi), nguyên Giám đốc HTX Lam Sơn - Đại Thành, địa chỉ tại thị trấn Nam Đàn, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Đây cũng là lần đầu tiên Nghệ An khởi tố được một vụ khai thác cát trái phép.

Theo hồ sơ của Công an huyện Nam Đàn, HTX Lam Sơn – Đại Thành được thành lập từ năm 2013. Thời điểm 2016, hợp tác xã có 60 xã viên, sở hữu 60 tàu hút cát. Tháng 1-2015, HTX này được cơ quan chức năng cấp phép, khai thác cát tại 3 điểm mỏ trên sông Lam, diện tích hơn 37ha, công suất khai thác ước tính khoảng 49.000 khối/năm, trong thời hạn 10 năm. 

Mỏ thứ nhất đoạn chảy qua địa phận các xã Nam Tân và Nam Thượng, mỏ thứ 2 thuộc khu vực xã Nam Lộc và mỏ thứ 3 đoạn chảy qua các xã Khánh Sơn và Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. 

Tuy nhiên, cho rằng mỏ được cấp phép đoạn qua các xã Nam Tân và Nam Thượng cát xấu, lại khó khai thác, ông Châu cùng một số thành viên Ban quản lý HTX đã chỉ đạo cho các xã viên lén lút đưa tàu lên vùng giáp ranh với huyện Thanh Chương, nơi không được cấp phép để hút cát. 

Tình trạng này kéo dài nhiều năm và diễn ra cả ngày lẫn đêm. Việc hút cát trái phép cũng đã gây sạt lở ở một số đoạn kè sông Lam.

Một tàu đang hút cát trái phép trên sông Lam.

Khoảng 2h ngày 28-12-2017, Công an huyện Nam Đàn huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ với nhiều phương tiện bất ngờ “đột kích” trên sông Lam, bắt quả tang 8 tàu đang hút cát trái phép, cả 8 tàu này đều của HTX Lam Sơn – Đại Thành. 

Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian này, các tàu của HTX do ông Châu làm giám đốc đã khai thác trái phép gần 450.000m³ cát tại khu vực này, thu lợi bất chính số tiền tương đương hơn 13 tỷ đồng. 

Được biết, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam diễn ra rầm rộ suốt nhiều năm qua, đặc biệt đoạn qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. 

Việc khai thác ồ ạt không những làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, đất nông nghiệp, thu hẹp đất liền, thay đổi dòng chảy tự nhiên, mà còn ảnh hưởng đến các công trình ven sông, tác động xấu đến môi trường. 

Tình trạng này cũng gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân sống ở khu vực xung quanh và các phương tiện giao thông đường thủy, cũng như gây mất an ninh, trật tự và bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo cơ quan Công an các huyện nơi có sông Lam chảy qua, việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc bắt giữ, xử lý lại gặp nhiều khó khăn và mới chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ chưa giải quyết được triệt để vấn đề. 

Cùng với đó là phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi hơn, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng Công an phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài. 

Trong năm 2017, chỉ tính riêng huyện Nam Đàn, Công an đã lập biên bản 48 tàu hút cát trái phép, tuy nhiên số tiền xử phạt được chỉ hơn 120 triệu đồng.

“Việc xử phạt hành chính giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí có khi khiến “cát tặc” càng tiếp tục tìm cách khai thác. Bởi thông thường, sau khi mất tiền phạt, các chủ tàu sẽ phải khai thác nhiều hơn để bù vào”, Thượng úy Vương Trường Thọ, cán bộ điều tra Công an huyện Nam Đàn cho biết. 

Ngoài ra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường hiện chưa có sự đồng đều, thống nhất và chưa thực sự nghiêm minh. Có trường hợp địa phương do ưu tiên phát triển kinh tế nên kêu gọi đầu tư dàn trải, không quan tâm đến việc thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm. 

Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để "lách luật". 

Không xử lý hình sự “cát tặc” cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng khai thác trái phép ngày càng phức tạp. Sau khi Công an huyện Nam Đàn khởi tố được bị can để răn đe những chủ tàu khác, cơ quan chức năng kỳ vọng nạn “cát tặc” ở Nghệ An sẽ dần được đẩy lùi.

Tương tự huyện Nam Đàn, tình trạng “cát tặc” hoạt động rầm rộ suốt nhiều năm qua ở huyện Thanh Chương. Nhiều khúc sông Lam chảy qua địa bàn này dường như bị cày nát, bờ sông sạt lở liên tục, uy hiếp một số làng mạc. Theo Đại tá Lương Thế Lộc, Trưởng Công an huyện Thanh Chương, việc phát hiện, xử lý nạn khai thác cát trái phép đang gặp nhiều khó khăn. 

“Theo quy định, mỗi tàu hút từ 50m3 cát trở lên mới được tịch thu phương tiện, tuy nhiên phần lớn tàu hút cát trên địa bàn đều dưới mức này. Vì thế mà cứ xử phạt xong, về lại khai thác tiếp”, Đại tá Lộc nói và cho hay, chưa kể chủ tàu hút cát thường rất “nhạy” thông tin. 

Mỗi khi lực lượng Công an tổ chức tuần tra, chỉ cần đặt xuồng xuống sông thì đã vắng bóng tàu hút cát. Nhưng khi Công an rời đi, dưới sông lại ầm ĩ tiếng động cơ của việc hút cát.

Thiên Thảo - Xuân Hùng
.
.
.