Khi mẹ và con gái chung... một trại giam

Chủ Nhật, 29/06/2008, 14:40
Mẹ nhường con quả cà pháo giòn tan. Con gắp sang bát của mẹ mấy hạt lạc. Rồi hai mẹ con họ chung nhau xì sụp húp bát canh rau cải nấu gừng. Ngày ba bữa, họ chia nhau những miếng ngon ít ỏi. Nhìn cảnh này khiến người ta chạnh lòng.

Giá như họ đừng gặp nhau ở trại giam, đừng để người quản giáo mái tóc pha sương đắng lòng khi chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng trong hoàn cảnh trớ trêu này thì tốt biết mấy.

Mẹ

Trại giam Thanh Phong (tỉnh Thanh Hóa) một ngày hè đầy nắng nhưng không nóng bức. Theo chân Trung tá Nguyễn Văn Nhung, Đội trưởng đội Giáo dục, chúng tôi đến thăm nơi ăn ở, lao động của phạm nhân.

"3 tháng nay Trại mới nhận 400 "hoa hậu"", đồng chí Nhung nói. Thì ra, trước đây, hơn 3.000 phạm nhân đang thi hành án tại trại toàn nam giới. Nay, trại mới tiếp nhận 400 phạm nhân nữ cho "có âm, có dương".

Xưởng sản xuất của đội phạm nhân số 20, phân trại 5 trong giờ lao động, những đôi tay phụ nữ nhoay nhoáy luồn kim, xâu chỉ. Họ khéo léo chắp vá để tạo thành quả bóng đá nên khối, nên hình. Cầm trên tay quả bóng thành phẩm, nhìn từng đường kim, mũi chỉ, tôi không thể nào tìm ra một lỗi nhỏ.

Thấy sự chú tâm của tôi, quản giáo Hà Trọng Khôi cho biết, chỉ cần nhìn vào sản phẩm của phạm nhân, biết ngay người đó có toàn tâm, toàn ý vào công việc hay không. Trong rất nhiều phương pháp quản lý, giáo dục, lao động là cách tốt nhất để biết phạm nhân đó có thực sự hối lỗi, thành khẩn cải tạo hay không.

Lẽ ra, phạm nhân nữ phải do quản giáo nữ quản lý, nhưng do thiếu người nên đồng chí Khôi được phân công cùng với Đại úy Nguyễn Thị Ngân phụ trách đội sản xuất số 20. Mới 3 tháng phụ trách đội nhưng quản giáo Khôi hiểu rõ tính cách, hoàn cảnh từng người. Thế nên, khi chúng tôi hỏi trong đội anh quản lý, phạm nhân nào hoàn cảnh đặc biệt, anh dễ dàng điểm qua vài trường hợp.

"Trong cuộc đời gần 30 năm công tác ở trại giam như tôi, gặp khá nhiều chuyện éo le nhưng tôi lấn bấn nhất là trường hợp mẹ con phạm nhân Phương Quý", đồng chí Khôi nói.

3 tháng quản lý đội, quãng thời gian chưa dài nhưng đủ để anh hiểu về cặp mẹ con phạm nhân này. Ngày nào anh cũng nhìn thấy mẹ con họ ngồi bên nhau cần mẫn khâu bóng, chăm chút nhau trong mọi bữa ăn. Cảm nhận được tình yêu thương họ dành cho nhau, anh càng tiếc nuối cho họ.

Giá như phút sa chân của mẹ là lời cảnh tỉnh cho con. Giá như nhìn thấy mái tóc mẹ ngày càng thêm sợi bạc sau mỗi lần đến trại thăm nuôi mà con tránh xa vòng xoáy tội lỗi. Nếu vậy, sẽ không có cuộc hội ngộ trớ trêu ở nơi đất trại.

Người mẹ có cái tên thật đẹp - Nguyễn Phương Quý. Bà trẻ hơn cái tuổi 57 của mình bởi vóc dáng thon thả, nước da nâu bóng. Hình như tuổi tác không làm cho đôi mắt đen, sâu của bà bớt sự thu hút. Năm tháng cũng không làm cho đôi mắt mất đi vẻ long lanh, ướt át. "Hồi trẻ, hẳn cô xinh lắm nhỉ?", tôi lên tiếng.

Không trả lời ngay vào câu hỏi, người mẹ này đưa tay lên vuốt vuốt mái tóc rồi nói: "Đàn bà mà tóc xoăn như tôi là khổ cả đời". Khổ cả đời ư? Ai làm bà khổ? Tự thân hay phận bà nó thế? Chỉ biết rằng, nếu không vì hám lợi mà dính vào ma tuý thì không ai tước mất tự do của bà.

Phạm nhân Nguyễn Phương Quý bị kết án 18 năm vì tội tàng trữ buôn bán trái phép chất ma tuý. Cơ quan Công an bắt quả tang cuộc mua bán và thu giữ 2 "cây" heroin tại nhà bà. "Giá như tôi không vì chút lợi mà đứng ra làm môi giới, tổ chức việc mua bán ma tuý tại nhà mình thì đâu đến nỗi", phạm nhân Quý nói về vết trượt của mình.

Lĩnh án 18 năm, đến nay phạm nhân Quý thi hành án được 8 năm. Do cải tạo tốt, phạm nhân này được giảm án 3 lần, nên thời hạn thi hành án chỉ còn 6,5 năm. 8 năm trong trại giam, nữ phạm nhân U50 này đã chuyển từ Trại tạm giam Hoả Lò đến Trại giam số 5 và mới đây được chuyển đến Trại giam Thanh Phong.

Ở đời, được đi nhiều, ở nhiều nơi là niềm tự hào của nhiều người nhưng "thành tích" ở nhiều trại giam như phạm nhân Quý chả có gì đáng khoe. Đau hơn là trong những cuộc di chuyển ấy, người đàn bà tóc xoăn lại gặp đứa con gái duy nhất của mình trong trại giam. Trớ trêu thay.

Nói về lý do chia tay chồng, có cái gì đó khiến người đàn bà này khó cất lên lời. Hình như với bà, đó là người đàn ông không thể quên. Để xảy ra cuộc chia ly, hẳn là quyết định đau đớn.

Mãi rồi, bà cũng cho chúng tôi biết nguyên nhân sự đổ vỡ là do tính trăng hoa của ông chồng. "Ông ấy làm nghề gì", Trung tá Nguyễn Văn Nhung chợt xen vào câu chuyện. "Ông ấy làm nghề lái xe", bà Quý nói. "Dân gian có câu, lái xe 5 vợ, 7 con, sao chị không thông cảm được à?", Trung tá Nhung hỏi tiếp. "Tôi có thể thông cảm được một lần, chứ không thể chấp nhận chuyện đó lặp lại", người đàn bà chua xót nói.

Ly hôn khi mới 35 tuổi nhưng người đàn bà nhan sắc này không đi bước nữa. Phải chăng vết thương lòng quá lớn? Hôm nay, bà bảo chồng mình sau ngần ấy năm vẫn ở vậy nuôi con. Đứa con trai do ông ấy nuôi dạy đã có gia đình. Ngẫm lại mình, bà thấy xấu hổ vô cùng.

Cô con gái nhỏ bà được toà phân công nuôi và dành tất cả tình yêu thương cho nó giờ đây đang ở tù cùng mẹ. "Ông ấy không vào thăm nhưng thi thoảng có viết thư. Có lẽ sau khi ra tù tôi sẽ quay lại với ông ấy", nữ phạm nhân chợt nói.

Thì ra, người chồng cũ đã rất nhiều lần ngỏ ý quay lại. Nhưng lòng ghen tuông và mối thù rất đàn bà không cho phép bà đồng ý. Biến cố xảy ra, người đàn ông này vẫn một mực muốn quay lại. "Ra tù, tôi ngoài 60 tuổi rồi, cháu nội, cháu ngoại đều có nên phải đoàn tụ để con cái yên lòng", bà Quý giãi bày.

Một người phụ nữ đời thường vốn tất bật với hàng tá việc không tên ở cửa hàng ăn uống. Một người phụ nữ nhiều đêm dài cô đơn bên đứa con gái thiếu cha. Một phụ nữ dám táo tợn tham gia phi vụ mua bán cái chết trắng để rồi lĩnh mức án 18 năm tù giam. Giờ đây, người phụ nữ ấy đang để những giọt nước mắt lăn dài trên gò má trong trại giam.

Con

Khác với mẹ, Nguyễn Thị Thủy không có vẻ mặn mòi. Sinh năm 1976, mới 32 tuổi nhưng Thủy có con gái 15 tuổi. Tôi hỏi tại sao lấy chồng sớm thế, Thủy bảo do yêu sớm. Bỏ ngang khi đang học lớp 11, Thuỷ bập vào yêu và lấy chồng ngay.

Dấu ấn về phiên toà xét xử vụ ly hôn của bố mẹ vẫn in đậm trong tâm trí Thủy nhưng tình yêu tuổi mới lớn khiến cô không tỉnh táo cân nhắc khi quyết định lấy chồng. Con gái chào đời khi mẹ nó tròn 18 tuổi, cái tuổi vẫn còn ham chơi.

Rồi tai họa ập đến, chồng Thủy bị tai nạn qua đời. Cái quán cắt tóc, gội đầu đem lại cho Thủy nguồn thu ổn định. Cuộc sống tưởng sẽ bình lặng trôi qua khi mẹ con Thủy tìm được chỗ dựa là bà ngoại. Nhưng rồi, năm 2000, mẹ Thủy bị bắt. Cái án 18 năm của mẹ ám ảnh Thủy. Những lúc đến thăm, nhìn mẹ trong bộ quần áo kẻ sọc Thủy thấy sợ. Cái giá phải trả cho lòng tham quá lớn.

Tháng một lần, Thủy lại khăn gói đến trại giam thăm mẹ. Lần nào Thủy cũng chuẩn bị ruốc, lạc rang muối và vài trăm ngàn đồng ký gửi để mẹ có điều kiện bồi dưỡng. Ngẫm đời mẹ chẳng có mấy ngày vui khiến cô càng thương bà. Thương mẹ, rồi thương mình, thương con, nhiều lúc Thuỷ ngồi khóc một mình.

Mẹ ở trại được 6 năm, Thủy bị bắt. Nghe có vẻ vô lý bởi Thủy rất sợ phải trả cái giá đắt như mẹ mình cơ mà. Thế mà, cô lại dính vào tội giống hệt mẹ.

Thủy còn nhớ như in cái ngày 3/11/2006, cô nhận cuộc điện thoại hẹn giao hàng ở Công viên Lênin. Mang trong người 3 "cây" heroin, Thủy phóng xe đến chỗ hẹn. Trong lúc bên bán, bên mua trao đổi, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ập đến bắt quả tang. Thủy ra toà với mức án 17 năm tù giam.

Thủy không thể ngờ chỗ mình đến cải tạo là Trại giam số 5 (Thanh Hoá). Nơi đây, cô đã đi mòn chân thăm nuôi mẹ. Nơi cô ngồi hàng giờ để được nhìn, được nói chuyện với mẹ qua hàng lưới ngăn. Thế mà phút chốc, tất cả đã đổi thay.

Ngày hai mẹ con gặp lại nhau trong trại, mẹ nhìn con ngỡ ngàng. Còn con, cúi mặt không dám nói nửa câu. Trong ánh mắt của mẹ có sự ngạc nhiên, giận dữ, trách móc. Cứ tưởng cuộc gặp ngẫu nhiên chỉ xảy ra một lần, nào ngờ đầu tháng 3, hai mẹ con đều được chuyển đến Trại Thanh Phong.

Theo nguyên tắc, những phạm nhân có quan hệ gần gũi như mẹ con, vợ chồng, anh em không được ở cùng phân trại. Tuy nhiên, do Trại Thanh Phong mới có duy nhất một phân trại nữ nên mẹ con họ được bố trí ở cùng.

Cùng phân trại, cùng đội sản xuất nhưng họ ở khác buồng. Ban ngày, họ cùng làm việc ở xưởng khâu bóng, bữa cơm họ ăn chung nhưng đêm đến, mỗi người một phòng. Thời gian mẹ con gặp nhau ban ngày vô cùng quý báu, họ động viên nhau cải tạo tốt để được giảm án.

Tôi hỏi Thủy con gái cô hiện nay đang ở với ai. Thủy bảo cháu ở với bà dì. Cô có vẻ như "tự hào" khi khoe, nếu hai mẹ con cùng đi ngoài đường, nhiều người đều nghĩ đó là hai chị em. Ai là người thăm nuôi hai mẹ con ở trại, Thuỷ vẫn bảo là các dì, các cậu. Nguồn thăm nuôi ít ỏi nên mẹ con Thuỷ rất tằn tiện.

Mỗi khi mua đồ ăn ở căngtin, bao giờ cô cũng nhường mẹ phần nhiều. Nhưng mẹ thương con nên sẻ lại. Tình cảm mẹ con họ khiến các phạm nhân khác cảm động, còn cán bộ quản giáo chạnh lòng.

Lời kết

Ngày phạm nhân Nguyễn Phương Quý ra trại sẽ là ngày vợ chồng đoàn viên. Cuộc hôn nhân tái hợp sau gần 30 năm chia cắt với nhiều biến động. Khi người chồng, người vợ đều đã tóc bạc da mồi, khi đứa con gái của họ vẫn tiếp tục bóc lịch trong trại giam, nhưng cuộc tái hợp ấy không bao giờ muộn bởi giữa họ vẫn có tình vợ chồng, trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Kết thúc có hậu kiểu này cũng oái oăm thay

Thái Tuấn
.
.
.