Khám phá hàng chục vụ trộm hàng hóa trong xe container

Thứ Bảy, 05/01/2013, 10:28
Đến ngày 4/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can trong vụ án trộm cắp tài sản trong container do Trần Trí Trung, trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cầm đầu. Đây là ổ nhóm gây ra 40 vụ "xẻ thịt" container, đang bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra mở rộng để truy bắt những đối tượng có liên quan.

Thủ phạm... là lái xe

Được sự phối hợp của Công an tỉnh Tiền Giang, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định thủ phạm; khởi tố và bắt giam các bị can trong đường dây trộm cắp tài sản trong container do Trần Trí Trung cầm đầu. Số tài sản bị trộm khá đa dạng, từ đồng nguyên liệu, đến nông sản, sợi trị giá trên 100 tỷ đồng... Trong đó, riêng hạt điều nhân đã trộm được 26,5 tấn; điều thô 32 tấn; hạt tiêu 10 tấn. Ngoài ra, cơ quan Công an đã làm rõ danh tính một đối tượng tiêu thụ.

Trong một vụ trộm khác, Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn của Công ty Vận tải Hồng Minh, có địa chỉ tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng trình báo: Ngày 16/8/2012, Công ty Hồng Minh điều động Triệu Văn Cẩn (trú tại thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), chở một container cá hố từ cảng Hải Phòng đi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Tối hôm sau, Cẩn nhắn tin cho lãnh đạo Công ty Hồng Minh đến một địa điểm để nhận lại xe ôtô. Khi lãnh đạo Công ty Hồng Minh đến nơi thì phát hiện container bị đục phá. Cẩn đã trộm cắp trên 20 tấn cá hố, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

"Cao thủ" hơn phải kể đến Phạm Ngọc Hiếu, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Lợi dụng việc lái xe container cho Công ty TNHH Giang Anh, chở mặt hàng chân gà đông lạnh từ cảng Hải Phòng đi Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Trên đường vận chuyển, Hiếu đã cạy container trộm 10 tấn chân gà, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng rồi vứt lại xe, bỏ trốn.

Nửa tháng sau, với tên mới là Phạm Văn Phương, quê quán huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Hiếu đã được Công ty TNHH Nam Sơn Hà, trụ sở tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tuyển vào làm lái xe container. Trên đường chở chân gà đông lạnh từ cảng Hải Phòng đi Móng Cái - Quảng Ninh, Hiếu đã cạy phá cửa container lấy đi 7.400kg chân gà, trị giá khoảng 220 triệu đồng. Sau đó, bỏ xe ở địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng rồi bỏ trốn vào thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Số vụ trộm cắp hàng hóa trong container còn lớn hơn nhiều do các bị hại không trình báo với cơ quan Công an.

Đây chỉ là ba trong số nhiều vụ mà cơ quan Công an đã điều tra, khám phá được trong thời gian qua. Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trong 2 năm, tính đến hết tháng 9/2012, cả nước xảy ra 151 vụ trộm cắp tài sản trong container trên đường vận chuyển, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và nhiều tài sản giá trị khác. Số vụ trên chỉ là "tảng băng nổi" mà cơ quan Công an phát hiện hoặc do bị hại tự trình báo; trên thực tế, số vụ trộm cắp hàng hóa trong container còn lớn hơn nhiều do các bị hại không trình báo với cơ quan Công an, hoặc do chưa phát hiện được.

Vì sao số vụ "xẻ thịt" gia tăng?

Thông thường, các doanh nghiệp có hàng hóa thường thuê đơn vị vận tải vận chuyển hàng hóa trong container. Việc quản lý tài sản trên đường vận chuyển được giao trực tiếp cho lái xe. Khi xảy ra mất mát hàng hóa, việc xác định trách nhiệm lại tùy thuộc vào thời điểm bị mất. Nếu còn nguyên kẹp chì thì chủ hàng phải chịu; nếu phát hiện có dấu vết cạy phá, mất kẹp chì thì đơn vị vận tải phải chịu.

Nhưng nhiều trường hợp, container xuất khẩu ra nước ngoài, khi doanh nghiệp nước ngoài mở niêm phong mới phát hiện mất hàng hóa, những trường hợp này khó xác định được thời điểm mất hàng nên chủ hàng đành "ngậm đắng nuốt cay" đền cho doanh nghiệp nước ngoài. Lợi dụng đặc điểm này, đối tượng trộm cắp đã sử dụng công cụ cạy phá cửa container hết sức chuyên nghiệp, sau đó hàn, sơn, kẹp chì container nguyên vẹn như không có chuyện gì xảy ra.

Có trường hợp sau khi "rút ruột" container xong, chúng cho gạch, đá, cát vào để tránh việc phát hiện bằng hình thức cân tải trọng xe... Để thực hiện được thủ đoạn trộm cắp, bao giờ cũng có sự câu kết, thông đồng giữa đối tượng bên ngoài với lái xe container. Một số ít trường hợp lái xe bị mua chuộc hoặc cưỡng ép để cùng thực hiện hành vi trộm cắp.

Thực nghiệm điều tra trộm cắp tài sản trong container. (Sử dụng ảnh của đồng nghiệp).

Nguyên nhân thứ hai thuộc về đơn vị vận tải trong quản lý con người. Lái xe container được coi là "mì chính cánh" với các đơn vị vận tải, bởi đây là một công việc khá vất vả, nặng nhọc, theo quy định của ngành Giao thông vận tải, thì lái xe loại này phải có bằng FC. Để có lái xe đáp ứng được các yêu cầu trên,  đơn vị vận tải khi tuyển dụng tỏ ra khá dễ dãi.

Nhiều đơn vị chỉ thuê khoán theo từng chuyến hàng nên việc quản lý con người khá lỏng lẻo. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã làm hồ sơ giả khi xin làm lái xe cho đơn vị vận tải. Trở lại trường hợp của Triệu Văn Cẩn, Phạm Ngọc Hiếu là thủ phạm trộm cắp mà chúng tôi nêu ở trên; cả hai đều sử dụng hồ sơ giả khi xin làm công nhân lái xe. Tình trạng làm giả hồ sơ đã trở nên khá phổ biến khi nhiều vụ cơ quan Công an phát hiện được đều có chung đặc điểm như vậy.

Còn một nguyên nhân khá "tế nhị" khác, vô hình trung đã bao che cho hành vi trộm cắp, đó là một số doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa khai báo với hải quan không đúng với thực tế hàng trong container, hoặc gian lận thương mại trong "tạm nhập, tái xuất"... Nếu mất mà trình báo thì chẳng phải "thưa ông tôi ở bụi này", nên cách tốt nhất là "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà cho qua. Có doanh nghiệp thì lại lợi dụng việc mua bảo hiểm, cố tình không trình báo việc mất trộm để làm thủ tục thanh toán với bảo hiểm...

Để làm giảm số vụ trộm cắp tài sản trong container, bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, các đơn vị vận tải, chủ hàng cần nâng cao cảnh giác, tuyển chọn và sử dụng đội ngũ công nhân lái xe có lý lịch rõ ràng. Đối với các đơn vị vận tải, cần thiết phải lắp đặt các thiết bị điện tử, camera, máy định vị vào xe container để giám sát hành trình của xe và bảo vệ tài sản hàng hóa trên đường vận chuyển; tiến tới cần có một chế tài bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với loại xe này để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.

Địa bàn xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản trong container là: Bình Dương (41 vụ), TP Hồ Chí Minh (39 vụ), Đồng Nai (27 vụ); Hải Phòng (9 vụ), Hải Dương (5 vụ), Quảng Ninh (5 vụ)... Đã điều tra khám phá hơn 100 vụ, bắt xử lý trên 120 đối tượng. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đang phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh công tác phòng ngừa; tấn công mạnh loại tội phạm này.

Đào Minh Khoa
.
.
.