Kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển “8 tấn nhựa cần sa”

Thứ Sáu, 22/05/2009, 14:49
Trong số 5 đối tượng bị Công an Việt Nam bắt giữ, Lu Ming Cheng "xứng đáng" là kẻ cầm đầu. Trước hết, bởi Cheng là đối tượng có nhiều tiền sự và chỉ có duy nhất nghề cờ bạc. Khi sang Việt Nam, Cheng còn dám sử dụng hộ chiếu giả của Indonesia mang số hiệu P438912 và là người trực tiếp điều hành công việc nhận và vận chuyển ma tuý ở Việt Nam.
>> Kết thúc điều tra vụ "8 tấn nhựa cần sa"

Khi đến thuê Cheng, tay trùm A đã nói rõ lô hàng gồm 2 container tại Việt Nam, trong đó có 1 container là quần bò, 1 container có trên 600kg nhựa cần sa. Là kẻ khát tiền để đổ vào trò đỏ đen, Cheng nhận lời ngay với tiền công thỏa thuận là 150 vạn đô la Hồng Kông.

Sau đó, Cheng đã điện thoại nhờ bạn là Wang Hui Lan ở Quảng Châu (Trung Quốc) xem Lan có biết Công ty TNHH V.H. ở Móng Cái (Quảng Ninh) là công ty bọn chúng thuê chở hàng hay không. Vốn làm nghề kinh doanh vận chuyển hàng hoá, Lan biết khá rõ về Công ty TNHH V.H. Người phụ nữ này cũng quá hám lời nên dù biết trong container hàng có chứa lượng lớn ma tuý mà vẫn nhận tham gia công việc liên hệ và làm các thủ tục nhận lô hàng.

Sáng 24/4/2008, Lan đến sân bay Hồng Kông thì Cheng và A ra đón, đưa cho Lan bản phôtô vận đơn hàng, đồng thời nói rõ trong 2 container có 1 toàn quần bò, 1 có chứa nhựa cần sa. Sau đó, Lan bay sang Việt Nam trước và đợi bọn Cheng ở khách sạn sân bay quốc tế Nội Bài.

Ngoài Lan, Cheng nhờ 2 người bạn là Jeong Chi Kai và Ngan Chiu Kuen đi cùng sang Việt Nam nhận hàng. Jeong Chi Kai làm nghề lái xe, do kinh tế phụ thuộc vào Cheng nên khi Cheng nhờ và hứa trả công thì theo luôn. Còn Ngan Chiu Kuen, làm nghề chia bài tại sòng bạc, nhận lời làm cho Cheng bởi muốn lấy lại khoản tiền nợ của Cheng do thua bạc và thêm một khoản tiền công nữa mà Cheng hứa sẽ cho.

Đối tượng thứ 5 tham gia việc vận chuyển ma tuý này là Chan Kwok Kwong do A đưa đến với nhiệm vụ giám sát lô hàng và các hành vi của bọn Cheng. Lần đầu tiên cả nhóm đến Việt Nam là vào ngày 25/4/2008 (trừ Kuen bị lỡ xe nên không sang được). Nhưng khi bọn họ đến Công ty TNHH V.H. liên hệ nhận hàng thì không được vì không có vận đơn gốc. Do đó, ngày 30/4/2008, các đối tượng bay về Hồng Kông.

Ít ngày sau, Lan lại nói có thể lấy được hàng bằng cách đặt tiền đặt cọc. Ngày 8/5, Lan đi đường bộ qua cửa khẩu Bắc Luân đến Móng Cái, 4 đối tượng còn lại từ Hồng Kông đi máy bay qua cửa khẩu sân bay Nội Bài rồi cũng tập trung đến Móng Cái. Lần đi này, Chan Kwok Kwong được trùm A đưa cho 20 ngàn USD để mua quần áo thể thao tại Việt Nam.

5 đối tượng vụ án.

Theo các đối tượng khai tại cơ quan điều tra, kế hoạch của bọn chúng là sẽ cho mất dấu số ma tuý tại Việt Nam. Cụ thể, nếu nhận thuận lợi 2 container nói trên, chúng sẽ tìm cách mua chuộc hải quan bởi theo đối tượng Lan nói, cô ta nghĩ rằng "ở đâu có tiền cũng mua được hết".

Mục đích việc mua chuộc hải quan để phá kẹp chì, rút lõi hết số ma tuý ra, sau đó kẹp chì lại, coi như 2 container hàng bình thường xuất đi Canada và Trung Quốc. Vì chúng thừa biết nếu xuất quần bò sang Trung Quốc sẽ bị các cơ quan chức năng nước này chú ý (bởi Trung Quốc là nước thường xuất quần áo đi các nước). Sau đó, số ma tuý nói trên sẽ được đóng vào một container khác cùng quần áo thể thao ngụy trang, sẽ xuất phát từ Việt Nam, thuê một công ty vận chuyển nào đó chuyển đến quốc gia tiếp theo theo yêu cầu của những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, âm mưu trên của chúng đã bất thành do bị các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện và bắt giữ.

Ngày 9/5/2008, Lan và Kwong đến Công ty V.H. làm thủ tục nhận hàng. Vì không có vận đơn gốc nên Công ty TNHH V.H. yêu cầu đặt cọc 50 ngàn USD. Cheng điện thoại cho A chuyển số tiền 40 vạn đô la Hồng Kông (tương đương 50 ngàn USD) và nhờ rút hộ 40 vạn đô la Hồng Kông nữa ở sòng bài cho Cheng.

Ngày 10/5/2008, Lan đi Nam Ninh (Trung Quốc) qua cửa khẩu Móng Cái để nhận tiền từ A, chuyển qua người phụ trách khách sạn Lợi Lai cho Cheng. Có tiền, Cheng rút 10 ngàn đô la Hồng Kông ra đánh bạc tại khu vui chơi giải trí có thưởng của khách sạn Lợi Lai, số còn lại đưa Lan giữ.

Sáng 12/5/2008, 4 đối tượng: Cheng, Lan, Kwong, Kuen đến Công ty V.H. kiểm tra hàng, còn Kai ở lại khách sạn Lợi Lai. Khi đi, Cheng xách theo túi tiền đặt cọc. Trên đường đi, với kinh nghiệm của một kẻ giang hồ, Kwong đã phát hiện có một ôtô lạ đi theo nên báo cho cả nhóm. Khi đến Công ty TNHH V.H., sợ lộ, Cheng bảo Kuen xuống xe, cầm túi tiền đứng ở cổng xem có người lạ ra vào hay không.

Khi vào và kiểm tra thấy kẹp chì của 2 container còn nguyên, Cheng mới yên tâm bảo Kuen cầm tiền vào giao cho Giám đốc Công ty V.H. Sau đó, thấy xuất hiện nhiều người lạ tại kho hàng của Công ty TNHH V.H., Cheng đã điện thoại cho Kuen nhưng không liên lạc được. Anh ta còn điện thoại cho Kai báo tin đã xảy ra chuyện không tốt và bảo Kai rời khách sạn ngay.

Tuy nhiên, tất cả mọi di biến động của các đối tượng từ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đều đã nằm trong sự theo dõi chặt chẽ của Công an Việt Nam. Chính vì thế, khi mẻ vó cất lên, lần lượt cả 5 đối tượng đều sa lưới, dù đang ở những vị trí khác nhau và nhận được thông báo có động. Đến nay, cả 5 bị can đều khai nhận thành khẩn hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục phó Cục C17 cho biết, vụ án Lu Minh Cheng và đồng bọn là vụ vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam do một tổ chức buôn bán trái phép chất ma túy chuyên nghiệp thực hiện

T.Hoà
.
.
.