Hy hữu vụ bị cáo xin tăng hình phạt: Tòa tuyên trái quy định

Thứ Hai, 24/04/2017, 10:18
Vừa qua, VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Hùng Tâm, 35 tuổi, trú tại tỉnh An Giang, về tội “cướp tài sản” để xét xử lại vì vi phạm tố tụng, đã gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận.


Trước đó,  khi bị TAND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ tuyên án 8 năm 6 tháng, bị cáo Tâm đã kháng cáo xin tăng án và được TAND TP Cần Thơ chấp thuận tăng hình phạt lên 9 năm.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với Báo CAND, luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Bình An, Hà Nội cho rằng, để hiểu đúng nội dung sự việc cần phải xem xét toàn bộ hồ sơ, đặc biệt là căn cứ để tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng tăng mức hình phạt của bị cáo Trần Hùng Tâm. Trường hợp, tòa phúc thẩm chỉ căn cứ duy nhất vào nguyện vọng của bị cáo theo đơn kháng cáo đề nghị xin tăng mức án mà phán quyết là vấn đề đáng tiếc.

Tòa cấp phúc thẩm chỉ có thể tăng hình phạt trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu (Ảnh minh họa).

Và theo hướng đó thì đây có lẽ là trường hợp hi hữu trong lịch sử xét xử hình sự của ngành Tòa án nước ta. Luật hình sự Việt Nam không có bất kỳ quy định nào hạn chế nguyện vọng của bị cáo khi có đơn phúc thẩm, đặc biệt là xin tăng án. Bởi quyền kháng cáo là quyền của bị cáo, bị cáo có thể xin tăng hoặc giảm mức án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Còn quyền quyết định là ở cơ quan thẩm quyền, mà ở đây là tòa cấp phúc thẩm dựa trên những căn cứ pháp lý của vụ án.

Có điều, theo tâm lý chung thì đa phần bị cáo kháng cáo là xin giảm mức hình phạt, do vậy bị cáo Trần Hùng Tâm trong vụ án này kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt là trường hợp ít xảy ra.

Nếu trường hợp vụ án này chỉ có bị cáo Trần Hùng Tâm kháng cáo xin tăng hình phạt cho chính bị cáo, VKS không kháng nghị và bị hại cũng không kháng cáo mà toà án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt tù đối với bị cáo Tâm là trái quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Lý giải về tình huống pháp luật này, luật sư Lê Văn Quý phân tích: Về thẩm quyền và phạm vi xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 2, Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ có thẩm quyền quyết định: “a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; b) Sửa bản án sơ thẩm; c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Luật sư Lê Văn Quý.

Trong vụ án này, tòa phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm (tức áp dụng theo điểm b, khoản 2, Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên). Do vậy, khi sửa bản án sơ thẩm, tòa phúc thẩm cần căn cứ các quy định tại Điều 249 về thẩm quyền và căn cứ sửa án sơ thẩm: “1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau: a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; b) áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn; c) Giảm hình phạt cho bị cáo; d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng; đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Nếu có căn cứ, tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại”.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 249 trên đây, phạm vi sửa bản án sơ thẩm của tòa phúc thẩm chỉ bao gồm: Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn; Giảm hình phạt cho bị cáo; Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng và Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; Giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. Theo đó, không có quy định nào cho trường hợp sửa bản án theo hướng tăng mức hình phạt của bị cáo.

Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể tăng hình phạt trong trường hợp “VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu”. Nhưng theo phản ánh của các bài báo thì vụ án này VKS không có kháng nghị mà người bị hại cũng không có kháng cáo yêu cầu tăng mức hình phạt, do vậy phán quyết của tòa phúc thẩm là trái quy định nêu trên.

Và việc VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Hùng Tâm là kịp thời, nhằm đảm bảo nguyên tắc xét xử vụ án hình sự cũng như quyền lợi của bị cáo trong vụ án này.

Còn nhận định tòa phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hay không, thì cần phải xem xét, đánh giá dựa trên các căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 168 và điểm c, khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự được hướng dẫn chi tiết tại Điều 4, Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, ngày 27-8-2010 về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Nguyễn Hương
.
.
.