Hiểm họa súng "bút"

Thứ Hai, 10/05/2010, 16:32
Một loại súng tự chế hết sức nguy hiểm, hình thù siêu nhỏ như chiếc bút bi, bắt đạn 5,56 ly, còn gọi là súng "bút" hiện xuất hiện trong 1 số vụ trọng án ở thành phố Cảng Hải Phòng. Càng nghiêm trọng hơn, các trinh sát hình sự - Công an quận Lê Chân còn phát hiện, triệt phá một ổ nhóm tội phạm chuyên sản xuất hàng loạt loại vũ khí giết người này.
>> Hà Nội bắt đối tượng truy nã có súng bút

Súng "bút" - vũ khí nóng cực kỳ nguy hiểm

Nhìn thoáng qua, thứ gọi là súng này trông như một chiếc bút bi với 3 phần: đầu, thân và nắp cài ngực. Song súng "bút" khác ở chỗ trong nắp cài có một lò xo rất khỏe, còn ở phần thân có một quy lát gắn liền kim hỏa chạy dọc trên rãnh. Khi sử dụng, đối tượng tháo phần đầu, lắp đạn 5,56 ly (loại đạn súng thể thao). Với đặc điểm "siêu nhỏ", chúng được sử dụng ám sát đối phương ở cự ly gần (nhỏ hơn hoặc bằng 5m). Do là thứ vũ khí đặc biệt, chủ yếu phục vụ cho hoạt động khủng bố, ám sát, súng "bút" không được phổ biến và trang bị rộng rãi, bởi vậy rất ít người biết.  Nguy hiểm hơn, loại đạn sử dụng súng "bút" là đạn thể thao, có đầu đạn chế bằng chì. Đây là vật liệu mà tại Hiệp ước La Hay về chiến tranh đã cấm sử dụng.

Hải Phòng là một trong những nơi phát hiện nhiều súng ''bút''. Lúc 16h30' ngày 20/2/2008, Công an quận Lê Chân, Hải Phòng đã bắt gọn ''trùm'' ma tuý Dư Kim Dũng, thu giữ khoảng 70.000 viên ma tuý tổng hợp cùng nhiều tang vật. Đây được xem là vụ án thu được số lượng ma túy tổng hợp lớn nhất trên địa bàn cả nước, tính tới thời điểm này. Điều đặc biệt, các trinh sát phá án đã thu trong người Dũng 2 súng "bút" và đây cũng là lần đầu tiên lực lượng Công an ta phát hiện loại vũ khí "siêu nhỏ" này tại thành phố Cảng.

Mở rộng án, ngày 29/3/2008, Phòng CSĐT tội phạm ma túy - Công an TP Hải Phòng còn bắt giữ một ổ nhóm đặc biệt nguy hiểm khác gồm Phạm Cao Sơn, 44 tuổi, ở số 5/58 đường Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Minh Trí, 53 tuổi, ở số 8/363 đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng, thu trong người các đối tượng này 6 khẩu súng "bút" và rất nhiều đạn cùng loại. Cho tới cuối năm 2008, súng "bút" xuất hiện càng nhiều ở Hải Phòng mà nguồn cung hầu hết từ các tỉnh biên giới.

Võ Tiến Đạt và một số súng do hắn sản xuất.

Ngày 26/3/2009, một nhóm chuyên "đâm thuê chém mướn" gồm 3 đối tượng do Quản Văn Nam cầm đầu đã dùng khẩu súng "bút" có xuất xứ nước ngoài bắn đạn 1 viên, chế thành súng bắn đạn hoa cải sau đó lên Lạng Sơn thực hiện "hợp đồng" bắn cảnh cáo gây thương tích ông Tô Đức Thuận, 47 tuổi, Phó Giám đốc một Công ty Lương thực ở Lạng Sơn.

Mới đây nhất, 16h45' ngày 2/5/2010, ông Phạm Đề Kháng, 61 tuổi, ở số nhà 15/213, đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng, một người hết sức hiền lành, chất phác bỗng nhiên cũng bị Nguyễn Tiến Công (tức Công "giáp"), 31 tuổi, ĐKNKTT số 8/326 đường Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh cùng quận Lê Chân đột nhập vào nhà, giết hại bằng loại vũ khí "siêu nhỏ" trên.

Súng "bút" - phải triệt từ gốc

Vài năm trước, súng "bút" thường được vận chuyển lén qua biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, bọn tội phạm đã và đang tổ chức gia công, sản xuất hàng loạt thứ vũ khí giết người này. Trên thị trường "đen", chỉ cần trên dưới 1 triệu đồng là những "sát thủ máu lạnh" cũng đã sắm được 1 khẩu. Chính vì vậy, công tác đấu tranh chống sản xuất, mua bán tàng trữ, sử dụng loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mới chỉ 4 tháng đầu năm 2010, riêng lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc Công an thành phố trong khi tuần tra vũ trang, đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ, tàng trữ 8 khẩu súng "bút".

Một vài vụ điển hình: ngày 13/3, tại đại lộ Tôn Đức Thắng, thuộc quận Lê Chân, lực lượng Công an bắt quả tang Võ Tiến Đạt, 24 tuổi, ở số 4/11 đường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, tàng trữ 6 khẩu súng "bút" cùng 3 viên đạn.

Mở rộng điều tra, Công an quận này còn làm rõ, do thấy loại súng này có cấu tạo đơn giản, dễ sản xuất, Võ Tiết Đạt đã mượn của bạn là Phạm Quang Tú, 33 tuổi, ở số 6B/52/112 đường Ngô Quyền, quận Ngô Quyền 1 khẩu rồi thuê thợ cơ khí bậc cao sản xuất. Để đánh lừa, không cho thợ biết ý đồ đen tối của mình, hắn tháo rời các bộ phận của súng và thuê ông Đặng Hữu Minh, ở số 8/31/74 đường Đình Đông, quận Lê Chân tiện phần đầu, thân, đuôi súng cùng qui-lát và kim hoả. Ông Minh đã nhanh chóng hoàn thành 10 bộ sản phẩm và thanh toán mỗi bộ 250.000đ.

Sau đó, Đạt mang thân súng đến xưởng cơ khí của ông Nguyễn Văn Tuân, 59 tuổi, ở số 84/51 đường Dư Hàng cùng quận thuê phay đường rãnh, giá 20.000đ/chiếc. Những chi tiết còn lại như lò xo, vít 3 ly, mỏ cài, Đạt thu gom ở chợ Sắt (Hải Phòng). Sau khi chế tạo thành công 10 khẩu, hắn đã trả lại Phạm Quang Tú khẩu súng mẫu (tên này mới tự tử cuối năm 2009 do nguyên nhân xã hội).

Tại cơ quan điều tra, Võ Tiến Đạt khai, mục đích y sản xuất loại vũ khí giết người trên là để bán kiếm lời, nếu ai cần thì cho "mượn". Trước khi bị bắt ít phút, Đạt đã mua 10 viên đạn giá 3.000đ/viên và đưa cho đồng bọn là Nguyễn Ánh Dương, 33 tuổi, ở số 114/104 đại lộ Tôn Đức Thắng, Hải Phòng 4 khẩu. Hiện, Dương đã trốn khỏi nơi cư trú, cơ quan điều tra còn thu được 1 giấy thông hành xuất, nhập cảnh của một công dân khác đã bị Nguyễn Ánh Dương thay ảnh của mình vào.

Có thể thấy, diễn biến phức tạp về loại vũ khí nóng nói trên minh chứng rõ, một loại tội phạm với hành vi, thủ đoạn mới đã xuất hiện tiềm ẩn những yếu tố vô cùng nguy hiểm cho TTATXH, cần có ngay những giải pháp mạnh để ngăn chặn. Đây được xem là những căn cứ pháp lý hết sức quan trọng để các cơ quan bảo vệ pháp luật trên cả nước nói chúng, Hải Phòng nói riêng mạnh tay trấn áp xử lý tận gốc loại tội phạm nói trên. Mọi người dân và các cơ sở chế tạo cơ khí cần nâng cao cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại súng "bút". Các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Nhà nước sớm bổ sung điều luật và có chế tài xử lý cụ thể đối với loại vũ khí giết người này.

Căn cứ Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ, 3 ngành Nội chính Trung ương gồm Bộ Công an, Tòa hình sự TAND Tối cao, Vụ 1A Viện KSND Tối cao với sự tham dự của 3 ngành Nội chính TP Hải Phòng đã họp ngày 2/10/2008, thống nhất kết luận: loại súng dạng "bút" nói trên thuộc loại "vũ khí quân dụng khác được sử dụng cho mục đích quốc phòng - an ninh". Mọi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt loại súng dạng bút, cũng sẽ bị pháp luật xử lý như đối với các loại vũ khí quân dụng.

Quốc Phòng
.
.
.