Hàng đồng nát: Điểm hẹn của tội phạm phá huỷ công trình ANQG

Thứ Năm, 22/06/2006, 13:35

Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) đang đẩy nhanh tiến độ thi công thì 13 đối tượng đến cưa trộm một số thanh thép mố cọc trụ cầu.  Số thép này được bán cho đồng nát với giá 3.500đ/kg. Cục Phóng xạ của Viện Công nghệ xạ hiếm bị chôm chỉa, khi cơ quan này dọn kho. Nơi đến của nó cũng là điểm thu mua đồng nát.

Mỗi ngày có khoảng 50 tấn phế liệu (người ta quen gọi là đồng nát) tập kết về làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Số lượng này cho thấy "sức thải" của thành phố rất lớn, dù đây chỉ là con số rất nhỏ bởi loại rác này đã được chọn lọc.

Trao đổi với ông Hoàng Trọng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, được biết nghề này hàng năm đóng 20% vào tổng thu nhập của xã. Tôi hỏi ông Đức, xã có quy định gì đối với các hộ thu mua đồng nát thì ông bảo đây là một nghề có từ lâu của làng. Từ trước đến nay, chưa thấy có quy định nào đối với việc đi mua phế liệu nên người dân cứ thu mua tự do.

Riêng với mặt hàng lông vũ thì hồi có dịch cúm H5N1 nên xã yêu cầu không thu gom nhằm tránh phát tán, lây lan dịch bệnh. Đối với các mặt hàng khác, 200 hộ kinh doanh cá thể vẫn đóng thuế theo quy định, mức thuế từ 75.000đ - 110.000đ/tháng. Ngoài nộp thuế và đảm bảo các yếu tố về môi trường, người dân thu mua đồng nát cứ hoạt động tự do vì không có điều gì ràng buộc nữa.

Khi tôi hỏi xã có tuyên truyền giáo dục trong dân chúng tránh mua đồ trộm cắp thì ông Đức lắc đầu. Ông cho biết mấy năm gần đây không thấy Công an về tìm tang vật. Hơn nữa, người dân của xã bây giờ chủ yếu gom lại của những người đi rong nên cũng không biết nguồn gốc của các loại đồng nát.

Trao đổi với chúng tôi, một điều tra viên Phòng ANĐT, Công an tỉnh Hà Tây bảo anh vô cùng đau xót khi đi sâu điều tra vụ án 12 cháu học sinh tuổi mới 12 - 14 xâm hại an ninh quốc gia. Đau xót hơn khi đối diện với anh, chúng đều trả lời mục đích của việc làm dại dột này là muốn có tiền ăn kem, tiêu vặt. Việc chúng liên tục gây ra các vụ cắt dây cáp điện ở cánh đồng xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đã làm mất liên lạc trong nhiều ngày liền.

Khi cơ quan Công an tìm ra thủ phạm thì hàng trăm mét dây cáp điện đã bị đốt vỏ lấy đồng. Đồng "thành phẩm" được chúng bán cho đồng nát. Người mua đồng nát là ai chúng cũng không biết vì họ đi rong, gặp ai chúng bán cho người đấy. Muốn tìm lại tang vật lại càng khó hơn khi dây cáp đã bị các cậu học trò này đốt cho biến dạng.

Để hạn chế tình trạng trên, các địa phương cần quản lý chặt các điểm thu mua phế liệu. Các ngành Đường sắt, ngành Điện, Bưu chính in các tờ rơi về các chi tiết như ốc đường tàu, phanh hãm, thanh giằng, dây điện... tuyên truyền cho người thu mua sắt vụn để tránh mua đồ ăn cắp... Công an địa phương thường xuyên kiểm tra giám sát các điểm thu mua phế liệu

Cao Hồng
.
.
.