Hải Phòng: Nóng bỏng nạn côn đồ "nhí"

Chủ Nhật, 15/07/2007, 12:00

Theo các ngành pháp luật Hải Phòng, chưa bao giờ trẻ em vị thành niên phạm tội nghiêm trọng như hiện nay. Số vụ vi phạm pháp luật nhiều đã đành, nhưng phần lớn các vụ phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên đều mang tính chất, mức độ nghiêm trọng và hầu như "bọn trẻ" luôn thích sống bằng bạo lực.

Thống kê của TAND TP Hải Phòng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm các cơ quan pháp luật thụ lý, đưa ra xét xử 39 vụ phạm pháp hình sự có yếu tố trẻ chưa thành niên phạm tội, đã có tới 57 bị cáo tuổi vị thành niên. Đó là chưa kể phạm tội ở mức độ nhẹ hơn mà các cấp quận, huyện, thị xã xét xử thì con số trẻ chưa thành niên phạm tội còn cao hơn nhiều.

 Đáng chú ý, các bị cáo tuổi vị thành niên phạm các tội cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ 3/4 số vụ cũng như số bị cáo bị xử lý trước pháp luật. Tất cả các vụ án cướp, cướp giật... trẻ em đều sử dụng hung khí nóng để đe dọa rồi cướp tài sản, kể cả phải giết người để cướp tài sản chúng đều thực hiện một cách bất chấp tất cả.

Đơn cử, vụ án xảy ra vào ngày 2/3, em Nguyễn Anh Tuấn, 16 tuổi (phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng) cùng các bạn học sinh lớp 10 đến siêu thị Big C chơi và đã va chạm với nhóm Trần Huy Hoàng, 15 tuổi (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải). Hai nhóm học sinh dù chỉ va chạm nhỏ, nhưng không bên nào chịu bên nào, nhóm của Hoàng dùng tuýp sắt đánh Nguyễn Anh Tuấn bị thương nặng và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Cơ quan Công an đã truy bắt Hoàng cùng đồng bọn đều ở lứa tuổi chưa thành niên. Tất nhiên, kẻ phạm trọng tội sẽ bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật, nhưng nhìn vào những hành vi sử dụng bạo lực của 2 nhóm trẻ thật đáng ghê sợ.

Trong một vụ án khác xảy ra vào đêm 26/6, Công an quận Hồng Bàng đã triệt phá ổ nhóm do Vũ Thị Nhài, 39 tuổi, cầm đầu 5 đối tượng chưa thành niên lúc nào cũng sẵn sàng sử dụng hung khí đe dọa khách đến thư giãn tại quán mình khi trộm cắp tài sản của khách không thành. Trong số 5 đối tượng vị thành niên có 3 em gái chưa đủ 16 tuổi và vẫn là học sinh PTTH.

Còn vô số những vụ án khác, các nhóm học sinh đã lôi kéo, tụ tập nhau thuê nhà trọ, sống tập thể ăn chơi trác táng. Khi không còn tiền tiêu xài, chúng sẵn sàng tự mua sắm hung khí để đi cướp, cướp giật, kiếm tiền để duy trì cuộc sống không gia đình.

Trong buổi làm việc với TAND quận Lê Chân, chúng tôi còn được biết thêm, trong số 15 vụ án dùng xe máy cướp tài sản trên đường xảy ra từ đầu năm đến nay thì cả 15 vụ đều có yếu tố trẻ chưa thành niên tham gia phạm tội. Và chính những đối tượng chưa thành niên được sử dụng như công cụ chính "thực thi" hành vi phạm tội quyết liệt đến cùng. Rõ ràng, khi làm phép so sánh thì những vụ án trên so với nhiều năm trước đây yếu tố phạm tội tuổi vị thành niên hiện nay ngày càng gia tăng và trẻ em đã phạm tội là nghiêm trọng...

Ngăn chặn bằng cách nào?

Trao đổi với các ngành pháp luật thành phố Hải Phòng càng thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trẻ em phạm tội nhiều như hiện nay đều xuất phát từ 2 lý do chính.

Thứ nhất, chế độ quản lý, giáo dục đối với trẻ em từ gia đình đến xã hội chưa hề có quy chuẩn chung. Ví như, ở lứa tuổi còn là học sinh THCS hay THPT gia đình hầu như phó mặc cho nhà trường quản lý là chính, ít có gia đình theo dõi sát việc phát triển tâm, sinh lý của con cái ở độ tuổi thích tìm cảm giác mạnh. Khi trẻ em bị lôi cuốn vào những hoạt động không bình thường, chúng dễ bị sa ngã.

Thứ 2, đối với trẻ em vị thành niên trong gia đình đặc biệt khó khăn hầu như các em không được chăm sóc một cách chu đáo. Ngay từ khi chúng đi học, được tiếp xúc với xã hội từng nảy sinh nhiều nhu cầu, nhưng gia đình không đáp ứng nổi nên dễ sa vào lối sống thực dụng, bọn trẻ sẵn sàng làm theo ý mình và học tập lớp đàn anh bụi ngoài xã hội để tự tồn tại. Cứ nhìn vào một loạt vụ hoạt động lắc ở Hải Phòng không vụ nào không xuất hiện đối tượng là trẻ vị thành niên.

Từ 2 nguyên nhân chính ở trên, để ngăn chặn và có thể hạn chế tuổi vị thành niên phạm tội, không thể muộn hơn, các ngành chức năng Hải Phòng cần xây dựng chương trình quản lý, giáo dục trẻ em cho từng lứa tuổi cụ thể. Được biết, Hải Phòng đã có 60 mô hình phòng ngừa trẻ em phạm pháp, song nhiều nơi hoạt động chỉ mang tính hình thức. Về thực chất, việc bảo vệ trẻ em không để kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp còn rất thiếu trách nhiệm của các tổ chức xã hội.

Vấn đề này đã được các cử tri từ nhiều khu dân cư có ý kiến đề cập và khẩn thiết đề nghị trong kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân thành phố khoá 13 nên dành thời gian nhất định để thảo luận giải pháp ngăn chặn trẻ em phạm tội. Trước tình trạng trên, kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần này đã chính thức đưa nội dung quản lý giáo dục trẻ em vào thảo luận và đưa ra những quyết định về cộng đồng trách nhiệm  chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nếu không sớm hành động, trẻ em tuổi vị thành niên ở Hải Phòng sẽ có nguy cơ sa sút về đạo đức...

Mạnh Hừng
.
.
.