Hải Phòng: Án nhẹ, trộm cáp điện thoại gia tăng

Thứ Sáu, 30/03/2007, 19:41

Một số kẻ bị bắt quả tang trộm cáp điện thoại chưa bị truy tố theo tội danh xâm phạm, phá hủy tài sản an ninh quốc gia vì quan điểm của các ngành Tòa án, Kiểm sát Hải Phòng chỉ coi đó là tài sản của doanh nghiệp. Do đó, các mức hình phạt quá nhẹ…

Thời gian gần đây, người dân Hải Phòng không ít phen phát cáu vì thông tin liên lạc qua hệ thống viễn thông thường xuyên bị mất. Lúc đầu cứ đổ cho đường truyền không tốt, tổng đài có sự cố, nhưng về sau mới biết được rằng đó là do cáp điện thoại đã bị kẻ gian cắt trộm.

Có tuần, chỉ một vị trí tủ cáp tại đại lộ Tôn Đức Thắng, khu vực xã An Đồng (An Dương) đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cắt cáp khiến cả khu phố cứ ngơ ngác hỏi nhau. Cáp điện thoại bị cắt trộm không phải là hiện tượng mới, nhưng từ năm 2006 đến nay lại trở nên nhiều đến mức đáng phải coi đây là hiện tượng báo động khẩn cấp.

Theo Bưu điện Hải Phòng, trong năm 2006 đã xảy ra 602 vụ gây mất liên lạc 57.000 máy điện thoại và gây thiệt hại tài sản 2 tỷ đồng. Trong đó, huyện An Dương dẫn đầu danh sách đen với 155 vụ, quận Lê Chân 120 vụ, quận Ngô Quyền 102 vụ… Nhưng diễn biến ngày càng xấu hơn vì chỉ từ đầu năm đến nay, chưa đầy 3 tháng mà số vụ xảy ra hơn cả năm 2006 với tổng số 644 vụ làm mất liên lạc gần 13.000 máy điện thoại và thiệt hại bởi chi phí khắc phục sự cố đến tiền tỷ.

Việc cắt trộm cáp điện thoại xảy ra gần như hầu hết ở các địa bàn thành phố. Nhưng nhiều và phổ biến nhất tại các huyện An Dương, Thủy Nguyên, An Lão và quận Lê Chân.

Theo phản ánh của Công ty Điện thoại (Bưu điện Hải Phòng), tài sản bị mất cắp là cáp điện thoại từ 30, 50, 100 đôi dây thuê bao. Thậm chí, loại cáp trục cỡ lớn 1.000 - 2.000 đôi, đường kính to bằng cổ chân, có lớp bảo vệ rất cứng lại được ngầm hóa dưới lòng đất đi qua những cánh đồng trống, tưởng rất khó xơi nhưng cũng không thoát được sự phá hoại của kẻ gian. Đáng ngạc nhiên hơn, loại dây dẫn bé xíu đi từ hộp cáp đến nhà thuê bao tưởng chẳng giá trị gì nhưng đám đạo tặc vẫn không bỏ qua.

Kẻ nào cắt cáp?

Cần nói thêm rằng, không chỉ có cáp điện thoại mới bị mất cắp mà dây dẫn điện từ đầu công tơ đến nhà dân cũng là mục tiêu bọn trộm cắp nhằm đến. Chỉ có điều, cáp điện lực sau khi mất thì người dân phải bỏ tiền ra mua dây khác nếu muốn sớm được khắc phục và kẻ cắp có thể bán ra thị trường rất dễ. Do đó, ngành Điện không thống kê về sự thiệt hại này. Nhưng với cáp điện thoại, chúng chỉ có thể lấy lõi kim loại đồng bán cho các cơ sở, cá nhân kinh doanh phế liệu.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Công ty Điện thoại, đối tượng cắt trộm cáp điện thoại có rất nhiều thành phần, trong đó có cả trẻ chưa thành niên. Nhưng nhiều nhất vẫn là các đối tượng nghiện ngập ma túy, tiền án, tiền sự về trộm cắp.

Bọn chúng thường hoạt động vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng, khi hầu hết mọi gia đình đều đang ngủ say nên rất khó phát hiện. Song cũng có trường hợp ngay giữa phố phường và vào giờ cao điểm, rất đông người qua lại, việc mất cắp vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy khâu tuần tra, cảnh giới, quan sát bảo vệ các mục tiêu là hạn chế, lơ là.

Đâu là biện pháp bảo vệ an toàn

Theo tổng hợp của chúng tôi, tình trạng mất cáp điện thoại đến nay đã lan rộng trên phạm vi cả nước chứ không chỉ riêng địa bàn Hải Phòng. Về phía đại diện sở hữu tài sản Nhà nước, từ nhiều năm qua, Bưu điện Hải Phòng đã chủ động phối hợp với ngành Công an cùng các địa phương triển khai các bước thực hiện Pháp lệnh Bưu chính viễn thông. Trong đó, quy chế phối hợp bảo vệ các mục tiêu là hạ tầng thông tin liên lạc được xác định thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia.

Hầu như trong tất cả các chương trình hành động từ phong trào quần chúng BVANTQ đều đề cập đến việc tăng cường bảo vệ những mục tiêu này, có tuần tra, cảnh gác. Ngoài ra, Công ty Điện thoại, Bưu điện Hải Phòng đã đầu tư các giải pháp kỹ thuật như ngầm hóa, inox hóa các bó cáp và cả việc lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động khi xảy ra sự cố đoản mạch tại tất cả các đài viễn thông cấp huyện. Song, cứ theo những gì đã diễn ra thì có thể nói ngay rằng những biện pháp đó chưa đủ để ngăn chặn loại tội phạm đang ở mức phổ biến: Cắt trộm cáp điện thoại.

Đáng tiếc là một số trường hợp đối tượng đã bị bắt quả tang vẫn chưa thể truy tố theo tội danh xâm phạm, phá hủy tài sản an ninh quốc gia vì quan điểm của các ngành Tòa án, Kiểm sát chỉ coi đó là tài sản của doanh nghiệp. Do đó, các mức hình phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe, giáo dục.

Tại cuộc họp liên ngành mới vừa tổ chức tuần qua, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Đại tá Trần Bá Thiều đã tỏ ra rất gay gắt vì chưa chặn đứng được loại tội phạm này, yêu cầu các đơn vị Công an, đặc biệt là các địa bàn để xảy ra nhiều vụ việc liên quan cần tăng cường biện pháp quản lý nghiệp vụ, quản lý đối tượng. Theo sự chỉ đạo này, các vụ việc chưa được khám phá sẽ không thể "chìm xuồng", sẽ áp dụng biện pháp điều tra "ngược" để triệt tiêu tận gốc tình trạng nêu trên.

Theo chúng tôi, ngoài những giải pháp trên, không chỉ riêng Bưu điện, Công an mới có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu được xác định là tài sản quốc gia trong đó có hạ tầng thông tin liên lạc, cần phát huy vai trò quản lý của chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Trong đó có việc đề ra quy chế quản lý các đối tượng tình nghi, các hộ kinh doanh phế liệu để kiểm soát và chặn đứng khả năng tiêu thụ loại tài sản đặc thù

Lê Minh Triết
.
.
.