Giao dịch nhà đất trên giấy, tiền tỷ 'bốc hơi'

Thứ Bảy, 23/05/2015, 17:42
Ở TP HCM có những người sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng để mua, cầm cố nhà, đất nhưng chẳng hề biết nguồn gốc bất động sản như thế nào và “mặt mũi” nó ra sao. Sự chủ quan, mất cảnh giác đã tạo điều kiện cho kẻ gian có đất sống. Khi phát hiện ra, đối tượng lừa đảo có thể bị trừng trị theo pháp luật nhưng nạn nhân khó lòng lấy lại tài sản đã bị chiếm đoạt…

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa có kết luận điều tra vụ án Phạm Văn Trung (43 tuổi, ngụ quận 1) “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Nạn nhân là ông M., ngụ quận 5.

Theo kết luận, khoảng cuối tháng 6/2012, vợ chồng Trung hỏi vay ông M. 2 tỷ đồng để mở thêm quán ăn. Thấy quán bán hủ tiếu của Trung rất nổi tiếng ở quận 1 nên ông M. đồng ý. Hơn hai tháng sau, vợ chồng Trung nói cần thêm tiền, ông M. cho vay tiếp 100.000 USD.

Đến đầu tháng 12/2012, vợ chồng Trung lại bảo đang đầu tư mở một quán hủ tíu Nam Vang ở Hồng Kông nên hỏi vay thêm 13 tỷ đồng nữa. Vì số tiền quá lớn, để đảm bảo khoản vay, ông M. yêu cầu vợ chồng Trung thế chấp tài sản. Sau khi thỏa thuận, hai bên đi đến thống nhất, ông M. cho vay thêm 13 tỷ đồng, cộng dồn với hai lần trước là 15 tỷ đồng và 100.000 USD. Thời gian vay là 6 tháng, lãi suất 3%/tháng. Đổi lại, vợ chồng Trung thế chấp cho ông M. 5 giấy chủ quyền nhà, đất gồm 2 căn nhà ở quận 1 và 3 bất động sản (nhà và đất) có giá trị lớn ở quận 2 và quận 12.

Sau khi đưa tiền xong, ông M. yêu cầu vợ chồng Trung tiến hành làm hợp đồng vay và thế chấp tài sản tại phòng công chứng nhưng vợ chồng Trung cứ khất lần. Ông M. làm dữ thì vợ chồng Trung thú nhận là mình đã lừa ông M. để vay tiền nhằm trả nợ cho người khác chứ chẳng có mở quán xá ở Hồng Kông gì cả.

Làm giả giấy tờ nhà, đất rồi đem chuyển nhượng là chiêu lừa phổ biến hiện nay.

Đặc biệt hơn, trong 5 bộ hồ sơ nhà đất mà vợ chồng Trung thế chấp cho ông M. chỉ có 2 căn nhà ở quận 1 (nằm trong một con hẻm, diện tích mỗi căn chỉ trên dưới 10m²) là thật, 3 bộ hồ sơ còn lại là giả do Trung nhờ người khác làm. Ông M. rất tức giận và đau khổ nhưng ông cũng tự trách mình, giá mà ông đi tìm hiểu nguồn gốc nhà đất thì đâu đến nỗi…

Cũng đau không kém ông M. là ông N.S. (ngụ phường 17, quận Tân Bình) bị vợ chồng Võ Lê Tuấn Anh và Bùi Ngọc Nhân Ái (cùng ngụ phường 8, quận Phú Nhuận) lừa. Ông S. cho vợ chồng Tuấn Anh vay 5 lần tiền tổng cộng 23,6 tỷ đồng để kinh doanh mua bán điện thoại di động và máy tính bảng. Tuy nhiên khi ông S. đòi lại số tiền vay thì hai vợ chồng này cứ cù cưa.

Thấy vậy, ông S. buộc vợ chồng Tuấn Anh - Nhân Ái đến Văn phòng Thừa phát lại để lập một vi bằng với nội dung: Vợ chồng Tuấn Anh - Nhân Ái sẽ chuyển nhượng 2 căn nhà số 128E, Nguyễn Đình Chính (phường 8, Phú Nhuận) với trị giá khoảng 20 tỷ đồng và căn nhà số 71A, Nguyễn Trọng Tuyển (phường 15, Phú Nhuận) trị giá khoảng 9 tỷ đồng cho ông S.

Tuy nhiên do thời điểm này, hai căn nhà nói trên đã thế chấp ở Ngân hàng Vietcombank nên hai bên thỏa thuận, ông S. sẽ bỏ tiền ra để giải chấp căn nhà 128E Nguyễn Đình Chính và vợ chồng Tuấn Anh - Nhân Ái sẽ giải chấp căn nhà 71A Nguyễn Trọng Tuyển, sau đó hai bên tiến hành đến phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng.

Đúng cam kết, ông S. bỏ ra gần 9 tỷ đồng để giải chấp nhưng vợ chồng Tuấn Anh - Nhân Ái thì không thực hiện lời hứa mà bỏ trốn khỏi nơi cư ngụ. Nếu sáng suốt hơn, ông S. chờ vợ chồng Tuấn Anh giải chấp căn nhà 128E, Nguyễn Đình Chính trước rồi hoàn tất việc sang nhượng cho mình thì đã không phải mất thêm 9 tỷ đồng!

Trong lúc đi công việc trên đường Lạc Long Quân (quận 11), vợ chồng ông Bùi Ngọc Lâm và bà Trần Thị Giang đánh rơi “sổ hồng” căn nhà số 241A, Nguyễn Trãi, quận 1. Nguyễn Kim Hoàng (56 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP HCM) nhặt được “sổ hồng” này và nảy sinh ý định sẽ lừa người khác để kiếm tiền. Y phối hợp cùng Lê Thị Hồng Hạnh (46 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM), đóng giả thành vợ chồng ông Lâm - bà Giang rồi đi tìm con mồi.

Sau khi xem qua “sổ hồng” và giấy CMND, sổ hộ khẩu (được làm giả) đúng chủ sở hữu, anh Nguyễn Tuấn (ngụ quận 10) đồng ý thế chấp “sổ hồng” để cho vay 5 tỷ đồng với lãi suất 4%/tháng. Khi đến hạn trả nợ, không thấy người vay nói năng gì, anh Tuấn điện thoại thì “ngoài vùng phục vụ”. Nghi có chuyện chẳng lành, anh Tuấn tìm đến nhà 241A, Nguyễn Trãi thì phát hiện vợ chồng ông Lâm - bà Giang không phải là người đã vay tiền mình. Sự việc vỡ lẽ, anh Tuấn làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Trung tá Nguyễn Hải Triều, Điều tra viên Đội 8 (PC45, Công an TP HCM), người thụ lý nhiều vụ án lừa đảo theo các kiểu nói trên, khuyến cáo: hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ nhà đất là rất phổ biến. Vì vậy, nếu chỉ giao dịch mua bán, thế chấp qua giấy tờ thì rủi ro rất cao.

Người mua cần đến UBND cấp phường, xã, thị trấn; thậm chí tổ dân phố nơi bất động sản tọa lạc để tìm hiểu cặn kẽ về lai lịch người chủ, nguồn gốc khu đất thì mới có thể tránh bị lừa. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng bất động sản chỉ cần công chứng hợp đồng chuyển nhượng mà không phải thông qua UBND cấp phường, xã như trước đây.

Đơn giản hóa thủ tục này tuy có giảm bớt phiền hà cho dân nhưng cũng dễ bị kẻ xấu lợi dụng để chiếm đoạt tài sản làm giả giấy tờ rồi ra công chứng một cách trót lọt. Do đó, cách tốt nhất là người mua phải nhận tài sản ngay sau khi công chứng chuyển nhượng để hạn chế tối đa rủi ro.

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ra thông báo truy tìm ông Đào Mạnh Dũng để làm rõ theo đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, lợi dụng quen biết, ông Dũng thỏa thuận bán căn nhà tọa lạc tại địa chỉ 791/17A, Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) cho ông Nguyễn Thanh Nghiêm (ngụ quận 6) với giá 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do căn nhà này đang thế chấp ngân hàng vay 2 tỷ đồng nên hai bên thỏa thuận, ông Nghiêm trả trước cho ông Dũng 1,8 tỷ đồng; còn lại 2 tỷ đồng, ông Nghiêm đứng ra trả ngân hàng thay cho ông Dũng. Khi nào trả xong ngân hàng thì 2 bên tiến hành làm thủ tục sang tên. Sau khi nhận số tiền 1,8 tỷ đồng, ông Dũng đã ra ngân hàng giải chấp căn nhà rồi mang bán cho người khác…
Mã Hải
.
.
.