Giận quá mất khôn, hậu quả khôn lường

Chủ Nhật, 08/10/2017, 06:45
Chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình hay những va chạm nhỏ trong cuộc sống, nhưng những người trong cuộc lại không thể tự kìm chế bản thân, nóng nảy gây ra hậu quả đau lòng. Liên tiếp các vụ án mạng xảy ra dẫn đến việc người mất mạng, kẻ vào tù thời gian gần đây tại TP TP Hồ Chí Minh chỉ vì những mâu thuẫn vặt…

Cuối buổi lao động tại một công trình xây dựng trên phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, nhóm công nhân “hạp ý” nhau gom được mớ sắt vụn bán hơn 100 ngàn bèn bày tiệc nhậu. Sau khi nhậu hơn 3 lít rượu, Nguyễn Văn Tính (33 tuổi, quê Hậu Giang) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Lợi (26 tuổi) leo lên tầng 1 công trình ngủ.

Có chút men, nhóm công nhân còn lại chưa muốn “rã đám” mà muốn gầy thêm độ khác bằng cách chơi bài nên gọi với lên rủ Tính. Tính định xuống chơi thì bị Lợi cằn nhằn, 2 vợ chồng cãi nhau dữ dội. Thấy chuyện không đâu, Trần Văn Mỹ (44 tuổi, ngụ Gò Vấp) leo lên lầu 1 can ngăn bị Tính dùng búa đánh tử vong.

Sáng 4-10, anh Hà Ngọc Long (44 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) điều khiển xe chở bạn lưu thông trên đường Nguyễn Kiệm để đến công trình làm việc. Đến trước Bệnh viện 175, xe anh Long va chạm với xe của Lê Nguyễn Nhật Minh (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Vụ va quẹt nhẹ, 2 xe không hư hỏng, 3 người chẳng bị thương tích nhưng hai bên lại không bỏ qua mà quay ra cãi vã. Mọi người can ngăn, Minh hậm hực bỏ đi vài trăm mét thì dừng xe lượm cục đá chờ xe anh Long chạy đến dùng đá đánh vào đầu anh Long. Anh Long bị thương nặng ngã xuống đường và tử vong trong bệnh viện.

Hai vụ án mạng, 2 cái chết chỉ vì mâu thuẫn mà nguyên nhân không rõ ràng hoặc nhỏ nhặt khiến nhiều người bất ngờ. Cả 2 đối tượng Tính và Minh khi ngồi trong nhà tạm giam đều hối hận vì hành động của mình gây ra. Tính cho rằng vì trong lúc xỉn, không làm chủ được bản thân, nổi máu ghen nên gây án và không nghĩ hành động của mình lại gây ra cái chết cho anh Mỹ. Về phần Minh, khi gây án trong tình trạng tỉnh táo nhưng cho rằng mình bị kích động và dẫn đến hành động bộc phát, thiếu kìm chế.

Đại tá Trà Văn Lào, Trưởng Công an quận Gò Vấp cho hay, có những mâu thuẫn nhỏ đáng lẽ được hai bên giải quyết ổn thỏa bằng tình cảm thì các đối tượng lại chọn phương án giải quyết bằng bạo lực. Như vụ án do Nguyễn Nhật Thanh Vũ  (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) gây ra gần đây chỉ xuất phát từ mâu thuẫn “chơi không đẹp” trong lúc tính tiền ăn nhậu mà một mạng người bị tước đoạt.

Tối 23-9, Vũ nhậu cùng Đỗ Minh Trí, Phạm Xuân Cường, Phan Quốc Hùng thì Cường nhận được điện thoại của Nguyễn Ngọc Phương (32 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) mời đi nhậu “tăng hai” tại một quán karaoke trên đường Lê Văn Thọ, phường 9, Gò Vấp. Cường rủ cả hội đi cùng.

Tan chầu karaoke, giữa Hùng (nhóm Vũ) và Nguyễn Anh (49 tuổi, nhóm Phương) xảy ra mâu thuẫn do Phương mời “tăng hai” nhưng lại bắt nhóm Vũ trả tiền. Hai bên hậm hực nhau từ chỗ tính tiền ra đến bãi giữ xe. Tại đây, Phương gọi điện kêu thêm người đến.

Thấy vậy, Vũ thắc mắc: “Anh em quen biết sao mày kêu người tới đánh tụi tao!”. Phương nghe vậy, thách thức: “Tao thích thì tao kêu vậy thôi!”. Thế là Vũ chạy về nhà lấy con dao bấm quay lại tìm Phương, ra tay khiến Phương tử vong trong bệnh viện.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, án mạng do nguyên nhân xã hội chiếm phần lớn trong các vụ án, trong đó một số nguyên nhân gây án khó có thể lường trước được như va quẹt xe, gây gổ trong lúc làm việc và gây án trong lúc thiếu kiểm soát, nóng nảy. Như những vụ án gần đây, các đối tượng gây án mang tính tự phát, không chuẩn bị sẵn hung khí, trong cơn nóng giận thiếu kiềm chế đã sử dụng những vật dụng có sẵn mà đối tượng phát hiện được làm hung khí gây án.

Khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, lúc bị bắt, đối tượng mới nhận biết được hành vi tội lỗi của mình cũng như hậu quả nghiêm trọng do mình gây ra. Ngoài ra, một số mâu thuẫn xã hội nhỏ nhặt nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng có liên quan đến một số đối tượng là thanh, thiếu niên, “ăn chưa no lo chưa tới”, nhận thức pháp luật chưa đến đâu. Bản tính côn đồ thích thể hiện nên khi đụng chuyện thường có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đa phần các đối tượng nhỏ tuổi này đều không nhận thức được hành vi và hậu quả do mình gây ra.

Vụ án giết người chỉ vì câu chửi đổng mà 2 anh em ruột gây ra ở quận 6 như một minh chứng cho thái độ thiếu kiềm chế. Khoảng 3h ngày 13-9, Nguyễn Văn Trí (tự Tâm, 20 tuổi, ngụ quận 6) đến tiệm game bắn cá trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6 chơi thì gặp Nguyễn Bá Cường (28 tuổi). Trong lúc chơi game thua, Trí buột miệng chửi “chó”.

Ngồi kế bên, Cường tưởng Trí chửi mình nên đánh Trí. Trí về nhà kể cho em trai là Nguyễn Trường Giang (17 tuổi) nghe. Bực tức, Giang lấy một cây mã tấu tự chế, một tuýp sắt rồi cùng Trí đi tìm Cường trả thù. Thấy Cường, 2 anh em Trí xông vào dùng hung khí gây án khiến Cường tử vong trong bệnh viện.

“Khó có một công thức chung để ngăn ngừa những vụ án mạng do nguyên nhân mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày nhưng nếu như người trong cuộc nhận thức được luật pháp, tự điều chỉnh được hành vi của mình, kiềm chế được bản thân hoặc biết nghĩ đến hậu quả trước khi hành động,… chắc chắn con người ta sẽ không có kiểu hành xử “giận quá mất khôn” đúng như ông bà ta từng đúc kết.

Đừng tỏ ra hung hăng để “xử” một ai đó mới là kẻ “bề trên” mà trong các vụ mâu thuẫn cần bình tĩnh, lắng nghe, cùng tìm ra cách giải quyết tốt nhất”, một chuyên gia tâm lý chia sẻ.

M.Đức
.
.
.