Đừng vội tin những lời hù dọa qua điện thoại

Thứ Hai, 09/09/2019, 08:51
Qua cuộc điện thoại với "cán bộ Bình" về việc mình tham gia đường dây ma túy và có tiền gửi ngân hàng, ông H. rất ngạc nhiên bởi gia đình ông không có một khoản tiền lớn. Thấy ông H. thanh minh, đối tượng "Bình" nói, nếu muốn chứng minh là mình vô tội thì phải hợp tác với Công an...


Ngày 7-9, được biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được đơn của ông H., cán bộ hưu trí, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, trình báo về việc, 8h ngày 7-8, ông M.V.H. nhận được một cuộc điện thoại từ một người tự xưng tên là Trần Hữu Bình, cấp bậc Trung tá, Đội trưởng Đội chống tội phạm kinh tế, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội.

“Bình” cho ông H. biết, 1 trong 3 đối tượng liên quan đến đường dây mua bán ma túy vừa bị bắt đã khai bố con ông H. tham gia đường dây này, hiện đang có 3,4 tỷ đồng gửi tại một ngân hàng ở quận Thanh Xuân...

Người dân hãy nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Ảnh minh họa.

Nghe thông tin trên, ông H. rất ngạc nhiên bởi gia đình ông không có một khoản tiền lớn như vậy gửi ở ngân hàng. Thấy ông H. thanh minh, đối tượng "Bình" nói, nếu muốn chứng minh là mình vô tội thì phải hợp tác với Công an để điều tra làm rõ, đồng thời phải giữ bí mật không được nói cho ai biết.

Cách "hợp tác" mà "Bình" khuyên ông H. làm là: Nếu gia đình có tiền gửi ở đâu thì rút về và gửi vào tài khoản do "Bình" yêu cầu. Công an chỉ tạm giữ số tiền mà ông H. gửi vào trong vòng 24 giờ để xác minh, sau đó sẽ trả lại.

Với tâm lý hoang mang, lo sợ liên lụy, nên ông H. đã "vô tư" làm theo để chứng minh mình vô can, nhưng ông không thể ngờ đây chính là cái bẫy mà chúng giăng ra để nhử ông vào.

Nghe theo lời “Bình”, ông H. đã rút hơn 1,4 tỷ đồng là số tiền chắt chiu tích cóp của gia đình đem gửi vào tài khoản mà "Bình" yêu cầu. Trên đường gửi tiền vào tài khoản do đối tượng dẫn dụ khi về nhà, ông mới xâu chuỗi logic sự việc và biết mình đã bị lừa. Ông vội vàng quay trở lại ngân hàng để nhờ kiểm tra thì số tiền đã bị rút ra ngay sau đó.

Giống ông H., cũng thông qua một cuộc điện thoại từ một người không quen biết, chị T., trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bỗng dưng "bay mất" số tiền 600 triệu đồng.

Theo đơn trình báo của chị T cho biết, ngày 31-7, chị nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy cố định của gia đình. Thông tin từ cuộc gọi này cho biết, gia đình chị có một gói bưu phẩm chưa nhận, rồi yêu cầu chị bấm phím số 9 để nhận.

Sau khi làm theo hướng dẫn, đầu dây bên kia đọc thông tin cá nhân của chị T. và nói chị đã mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang nợ thẻ số tiền gần 37 triệu đồng.

Đây là thông tin không chính xác, bởi chị T. không sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và cũng không mở thẻ tín dụng tại ngân hàng mà đầu dây bên kia nhắc đến. Đáng lẽ ra chị T. nên dập máy, nhưng chị lại để đối tượng dẫn dắt nối máy cho gặp một người tự xưng là Thiếu úy Lê Tiến Đạt để trình báo việc chị bị lợi dụng thông tin cá nhân.

"Đạt" đã xin số điện thoại di động của chị T. và gọi lại cho chị, yêu cầu chị báo án bằng hình thức ghi âm; sau đó ít phút, "Đạt" báo cho chị T. biết chị có tên trong danh sách liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ để mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng. "Đạt" dọa, chưa biết đúng sai thế nào, trước 17h ngày 31-7, chị sẽ bị Công an di lý về TP Hồ Chí Minh để điều tra.

Lúc này, chị T. rất lo sợ, nhờ "Đạt" xem xét minh oan giúp. Biết đã đánh trúng tâm lý, đối tượng "Đạt" nói sẽ chuyển máy cho chị T. nói chuyện với cấp trên của "Đạt". Ngay sau khi nối máy, người được gọi là "cấp trên" đã dọa nạt chị T., nói rằng tại sao cơ quan Công an đã 2 lần gửi giấy triệu tập mà chị không lên? Có phải muốn lẩn tránh trách nhiệm không?...

Rồi đối tượng "cấp trên" gửi cho chị một đường link để tải về cài đặt và hướng dẫn chị rút toàn bộ số tiền 600 triệu đồng từ tài khoản của chị tại ngân hàng V để gửi lại vào tài khoản của chính chị tại ngân hàng T. Khi tiền đã gửi, chúng lại yêu cầu chị chuyển thử tiền từ ngân hàng T. về lại ngân hàng V..

Nghĩ là tiền được chuyển đi chuyển lại vào tài khoản của bản thân sẽ không bị lừa, nhưng thực tế, mọi hoạt động chuyển tiền của chị T. đã bị lộ mã OTP, vì trước đó chúng đã yêu cầu chị cài đặt một phần mềm do thám máy điện thoại của chị. Đến ngày 1-8, khi kiểm tra lại tài khoản, chị mới biết toàn bộ 600 triệu đồng đã bị rút chuyển sang một tài khoản lạ.

Cả hai vụ việc nêu trên đang được cơ quan Công an điều tra. Tuy nhiên, một lần nữa cũng cảnh báo người dân, nếu nhận được những thông tin vu khống thì hãy bình tĩnh, không làm theo hướng dẫn của đối tượng. Thay vào đó, hãy bằng cách nhanh nhất thông báo tới cơ quan Công an hoặc những người có hiểu biết pháp luật để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Cơ quan Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, mà nếu có việc, sẽ có giấy mời hoặc triệu tập lên làm việc tại trụ sở của Cơ quan công an. Công an cũng không bao giờ yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, và cũng không có chuyện "báo án" qua điện thoại. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tránh "sập bẫy" lừa đảo.

Đào Minh Khoa
.
.
.