Đoạn kết cuộc hành trình của "lão nông 12 năm tìm con"

Thứ Sáu, 27/06/2008, 15:40

Đến được huyện Lồ Tình, tỉnh Quảng Đông, gặp được Liễu, mệt mỏi trong ông như tan biến. Ông ôm chầm lấy con gái, nước mắt nhoè đi… Cuối tháng 5 vừa rồi, ông Hà đã đưa Liễu về đến quê nhà. Vợ chồng ông làm cơm mời anh em, bạn bè, xóm giềng đến chia vui.
>> (Phần III) Lão nông "12 năm tìm con" gặp được con gái lớn
>> (Phần II) Đóng "đại gia" vào lầu xanh tìm con gái
>> (Phần I) Người nông dân và hành trình 12 năm tìm con gái

Bữa cơm trưa hôm ấy chỉ cây nhà lá vườn nhưng niềm vui thì không sao kể xiết. Sau 12 năm đau khổ, ông Hà và bà Lán như khỏe ra và trẻ lại. Ông Hà kể, ông đi chiến trường B từ năm 1964, là quân số của Trung đoàn 246, Binh đoàn Sông Lô. Bị thương trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được chuyển ra Bắc. Ngày ấy có phong trào đón thương binh về làng.

Bà Đinh Thị Lán, người huyện Lập Thạch, là vợ ông sau này - lúc đó tham gia phong trào Đoàn Thanh niên, đã nhận đón 5 thương binh về gia đình chăm sóc, trong đó có ông Hà. Hai người nên duyên vợ chồng từ đó. Ông Hà tiếp tục công tác tại Quân khu Việt Bắc, đến năm 1976 thì phục viên về quê. Hai ông bà có cả thảy 7 người con, Hà Thị Kim Lựu và Hà Thị Tuyết Liễu là con thứ 2 và thứ 3 trong gia đình.

Đến nay, các con ông đều đã trưởng thành và vào Nam lập nghiệp. Sau khi đưa được Hà Thị Kim Lựu về Việt Nam, quá khứ buồn tủi làm cô có lúc tưởng như không vượt qua nổi. Thấy con buồn, ông Hà khuyên con vào Nam làm ăn cùng các anh chị em. 

Cuộc trò chuyện với ông Hà Như Hà bị gián đoạn bởi tiếng của những đứa trẻ nô đùa từ cổng chạy vào nhà. Ông Hà giới thiệu hai đứa cháu là con của Hà Thị Kim Lựu, đã được ông đổi tên Việt Nam là Hà Trung Dũng và Hà Quốc Thành, lấy theo họ của ông. Ghép hai vần đệm của các cháu lại sẽ là nơi các cháu ra đời.

Chính quyền xã đã tạo điều kiện cho ông làm lại khai sinh để các cháu được đi học. Cháu Dũng năm nay đã lên lớp 4, còn cháu Thành học lớp 2. Cả hai đều nói tiếng Việt rất sõi. Con cái làm ăn xa, có hai cháu trong nhà, vợ chồng ông Hà cũng bớt cô quạnh nhưng đêm ngày, ông bà vẫn trăn trở khi chưa tìm được Hà Thị Kim Liễu.

Sau khi Hà Thị Kim Lựu về Việt Nam, ông Hà tiếp tục dò thăm tin tức về Liễu nhưng đất rộng, người đông, tìm được người có địa chỉ rõ ràng đã khó khăn, đằng này ông chẳng có chút thông tin nào về cô con gái. Đến bức ảnh của Liễu cũng đã lâu quá rồi. Giờ gặp lại chắc gì đã nhận ra. Thế nhưng ông Hà vẫn không nản.

Sau mỗi vụ mùa, ông lại dành dụm tiền để lên đường đi tìm con. Nhưng thời gian hạn hẹp không cho phép ông ở lại lâu ngày. Ông chấp nhận về không, nhưng trong lòng vẫn hi vọng, rằng ông ở hiền nhất định sẽ gặp lành, rằng cuộc đời sẽ không phụ tình cha con thiêng liêng mà ông đã hứa trong lòng sẽ dành tất cả phần đời còn lại để tìm bằng được con gái.

Cuộc đời ông đã trải qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì giờ đây, những khó khăn vất vả trên chặng đường tìm con, nào có sá gì.

Trước khi về, ông tìm gặp những người Việt Nam thường xuyên buôn bán qua lại biên giới, nhờ họ nếu gặp người có hoàn cảnh như con gái ông thì cho họ địa chỉ liên lạc của ông và nhắn nhất định ông sẽ đón bằng được con về.

Quả là trời đất đã không phụ tấm lòng của ông. Đúng ngày 5-3 âm lịch năm 2008, vào ngày giỗ mẹ đẻ của ông Hà, gia đình bất ngờ nhận được thư của Hà Thị Tuyết Liễu. Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc của con gái, ông Hà mừng đến rơi nước mắt. Trong thư, Liễu viết đã nhận được lời nhắn của bố và cho địa chỉ để bố sang đón về. Thế là ông Hà lại thu xếp lên đường sang Trung Quốc.

Bà Lán cũng động viên chồng đi đón con sớm, một mình bà ở nhà sẽ lo liệu việc đồng áng. Nhận tin con là bà khỏe hẳn ra, không còn ốm đau dặt dẹo như trước. Ông Hà lại gọi người bán lợn, bán thóc. Rồi ông lên xã, lên huyện xin xác nhận giấy tờ.

Có lẽ từ ngày con gái mất tích, ông Hà trở thành người đến trụ sở xã, huyện nhiều nhất. Ông không làm phiền các cán bộ xã, cán bộ huyện mà ông chỉ làm tròn trách nhiệm công dân.

Lần nào trước khi đi tìm con, ông đều lên báo cáo chính quyền và xin xác nhận để ông đi đường. Đến lúc về ông lại trình báo một lần nữa. Chính vì vậy, mỗi khi ông Hà xuất hiện ở trụ sở là cán bộ địa phương biết ngay ông đến để làm gì. Họ cảm phục cái tính kiên trì của ông. Khó có người nào quyết tâm cao như ông. Ngay cả những người có điều kiện thuận lợi hơn ông Hà, chưa chắc đã dũng cảm một mình nơi đất khách đi tìm con như ông.

Sợ sang muộn, Liễu sẽ gặp những điều bất trắc như Lựu đã trải qua, ông Hà thu xếp đi sớm, không để Liễu phải chờ đợi lâu. Theo như địa chỉ ghi trong thư thì Liễu đang ở huyện Lồ Tình, tỉnh Quảng Đông, nơi mà Liễu và Lựu cùng bị bán ở đó.

Đường đi tới Quảng Đông xa hơn nhiều so với lần đón Hà Thị Kim Lựu. Hai ngày ngồi trên ôtô, số tiền 10 triệu ông mang theo đã hết một nửa. Lo sợ nếu không gặp được con thì số tiền còn lại cũng chỉ đủ mua vé xe về Việt Nam, ông Hà chấp nhận nhịn đói 2 ngày liền.

Khi ông đến được huyện Lồ Tình, tỉnh Quảng Đông, gặp được Liễu, mệt mỏi trong ông như tan biến. Ông ôm chầm lấy con gái, nước mắt nhoè đi. May mắn hơn chị gái, Hà Thị Tuyết Liễu được gả bán cho một thanh niên họ Lý, hơn cô 15 tuổi. Thấy Liễu còn quá trẻ, gia đình nhà chồng cũng đối đãi với cô tử tế. Nhưng nhà chồng cần con trai nên đến nay, chưa đầy 30 tuổi Liễu đã 5 lần sinh nở.

Đông con, vợ chồng Liễu phải vào rừng khai hoang, lập trang trại trồng rau. Có cơ hội đi lại, Liễu đã gặp những người Việt Nam tốt bụng mang theo lời nhắn của cha cô. Nhưng nỗi sợ bị những kẻ buôn người lừa gạt vẫn luôn ám ảnh, chỉ còn cách biên thư để bố cô sang tận nơi đón về, như thế mới thực sự an toàn.

Cuối tháng 5 vừa rồi, ông Hà Như Hà đã đưa con gái Hà Thị Tuyết Liễu về đến quê nhà. Vợ chồng ông làm cơm mời anh em, bạn bè, xóm giềng đến chia vui. Từ ngày các con mất tích, chưa bao giờ gia đình ông lại vui như vậy. Mọi người đến mừng cho nhà ông đoàn tụ. Ai cũng cảm phục ý chí quyết tâm của ông Hà.

Hồ sơ vụ mất tích của hai cô gái Hà Thị Kim Lựu và Hà Thị Tuyết Liễu đã tạm khép lại đối với gia đình ông Hà Như Hà. Nhưng chắc chắn thời gian tới sẽ được những người có trách nhiệm lật lại để truy tìm những kẻ đã lừa gạt hai cô gái. Khi chúng tôi tìm đến, rất tiếc Hà Thị Kim Lựu đã vào miền Nam, còn Hà Thị Tuyết Liễu, chỉ vài ngày nữa sẽ trở về Trung Quốc. Dù sao thì Liễu cũng có một gia đình yên ấm hơn chị gái, cô phải trở lại để chăm sóc các con.

Liễu bảo thỉnh thoảng nơi cô ở lại có người Việt Nam bị lừa bán sang đó làm vợ. Đa phần họ bị ép buộc lấy những người đàn ông lớn tuổi. Hạnh phúc không có, những người phụ nữ Việt Nam phải ngày đêm quần quật làm đồng và chịu sự giám sát chặt chẽ của gia đình nhà chồng. Muốn gặp những người Việt ở cùng thôn để nói chuyện cũng khó khăn, chứ chưa nói gì đến việc được tự do đi lại.

Một nỗi sợ khác của những cô gái Việt là trong số những người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở vùng biên, còn rất nhiều những kẻ bất lương. Chúng thường gạ gẫm đưa các cô về nhà rồi giữa đường lại lừa bán các cô một lần nữa. Vì vậy, rất nhiều người muốn về quê nhưng không tìm được người tin cẩn dẫn về nên đành ngậm ngùi ở lại xứ người.

Cũng như ông Hà, Liễu chỉ có một mong muốn gửi đến các cơ quan pháp luật Việt Nam, cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa và tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, để không còn gia đình nào rơi vào nỗi đau chia ly

Hương Vũ
.
.
.