Điều tra thêm về vụ một công dân quận Liên Chiểu bị đe dọa qua điện thoại

Thứ Năm, 25/05/2006, 13:00

Tố giác những khuất tất đằng sau vụ thu hồi diện tích nông nghiệp của gia đình trong thực hiện dự án khu dân cư Hòa Minh 5, gia đình anh Nguyễn Thuận vẫn chưa một lần được các cấp thẩm quyền phúc đáp chính đáng mà là các tin nhắn với những lời lẽ đe dọa "cắt lưỡi, cứa cổ…"

Theo điều tra của chúng tôi, các chứng cứ liên quan cho thấy, việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp của nhân dân tại địa phương để phục vụ dự án xây dựng khu dân cư Hòa Minh 5 của UBND quận Liên Chiểu đã xuất hiện khá nhiều tình tiết, dấu hiệu sai phạm trong việc đền bù, giải tỏa. Dẫn chứng là sự không công bằng và có biểu hiện tiêu cực vụ lợi của một số cán bộ. Việc giải quyết các đơn thư khiếu kiện, tố cáo của công dân tại địa phương về vấn đề giải tỏa, đền bù thường xuyên bị một số cán bộ chức quyền của quận này đe dọa, cố tình lấp liếm.

Nhiều lần ôm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng về những khuất tất đằng sau vụ thu hồi diện tích nông nghiệp của gia đình trong thực hiện dự án khu dân cư Hòa Minh 5, gia đình anh Nguyễn Thuận vẫn chưa một lần được các cấp thẩm quyền phúc đáp chính đáng. Tiếp đến là việc trong khi đơn khiếu kiện của bà Châu Thị Bưởi (mẹ ruột của anh Thuận) chưa có ý kiến phản hồi của cấp thẩm quyền, lại bị xử phạt và cưỡng chế một cách vô lý thì ngày 21/4, gia đình bà Bưởi nhận được Công văn số 207/UBND- KTQĐ do ông Đàm Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND quận ký trả lời việc khiếu nại của gia đình bà đã "quá thời hạn". Cũng sau lần ôm đơn tố cáo này, anh Thuận đã nhận được tin nhắn từ số điện thoại di động 090.6.441.139 với những lời lẽ đe dọa "cắt lưỡi, cứa cổ…"?

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 18/5, anh Nguyễn Thuận cho biết: Trong đơn, anh tố cáo ông Đàm Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND quận (phụ trách lĩnh vực nhà đất) đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn cố tình làm trái các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc giải quyết, đền bù đất đai cho nhân dân tại địa phương và việc ông này đã có hành vi, dùng lời lẽ đe dọa khi anh không chịu "hợp tác" với ông.

Anh Thuận cho biết, những hộ dân đã được và bị ông Hưng dùng quyền lực áp đặt (trong  đơn tố cáo), đều thuộc địa bàn phường Hòa Minh. Trong đó có hộ ông Phạm Tàu, bị thu hồi 2 thửa đất có tổng diện tích 1.439m2 đất nông nghiệp (có nhà trên đất). Ông Tàu có nguyện vọng được cấp 1 lô đất tái định cư nên đã gửi đơn đến Ban giải tỏa đền bù và các cơ quan thẩm quyền TP Đà Nẵng, nhưng không được UBND quận này chấp nhận chỉ vì lý do "chưa đủ 2.000m2 đất nông nghiệp".

Tiếp đó là hộ bà Châu Thị Bưởi bị thu hồi 3.577,9m2 đất, gia đình có nguyện vọng chính đáng xin được hoán đổi lại 3 lô đất cũng không được chấp thuận. Đã thế, gia đình bà Bưởi còn bị UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1 triệu đồng và cưỡng chế thu hồi đất.

Theo tài liệu PV thu thập được cho thấy, sự bất minh này được thể hiện rõ ở chỗ: Trong khi đó, hộ ông Lê Hồng Quý chỉ bị thu hồi 261m2 đất nông nghiệp, không có nhà ở trên đất nhưng không hiểu vì lý do gì lại được UBND quận Liên Chiểu ưu ái cấp cho 1 lô đất (lô số 34 phân khu C7 đường 11,5 m - không ghi rõ diện tích? - PV); lô đất này đã được bà Mai Thị Thi - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Dương (đơn vị chủ đầu tư dự án khu dân cư phường Hòa Minh 5) ký đồng ý cho ông Quý nộp tiền đặt cọc đăng ký quyền sử dụng.

Cũng tương tự, hộ ông Bảy Thạnh bị thu hồi 2.500m2 đất, nhưng sau khi có thông báo về việc giải tỏa, thu hồi đất, ông Thạnh vẫn tiếp tục dựng lên 9 ngôi nhà trên diện tích đất bị thu hồi, nên không những ông được đền bù và hỗ trợ rất thỏa đáng mà còn được cấp hẳn 9 lô đất tái định cư tại khu dân cư phường Hòa Minh 5 và mỗi một lô đất bị thu hồi, ông Thạnh còn được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc

Từ những bức xúc của những hộ dân ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, trong các ngày 16 và 17/5, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Quận ủy và ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu. Cùng dự còn có cả ông Đàm Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND quận (người trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc đang bị nhân dân khiếu kiện đã nêu ở trên).

Việc khiếu kiện của gia đình bà Bưởi được lãnh đạo quận giải thích là "UBND quận chỉ trình lên TP, quyết định thế nào là do TP áp theo quy định chung". Còn trường hợp ông Bảy Thạnh, trả lời chất vấn của PV, ông Dương Thành Thị cho biết: "Có xây nhà trên đất đã quy hoạch hay không thì quận không nắm được"? Vì sao có sự thả nổi này? Phải chăng có hành vi vụ lợi của một số cán bộ quận Liên Chiểu trong việc áp đặt đền bù giải tỏa? Câu hỏi xin dành cho quận Liên Chiểu và các cơ quan thẩm quyền xem xét, làm rõ.

Riêng về quy trình GPMB, chúng tôi có thể khẳng định cách làm của UBND quận Liên Chiểu còn nhiều bất cập, thiếu sót. Trước hết là việc để cho đơn vị chủ đầu tư (Công ty TNHH Thái Bình Dương) cố tình ém nhẹm cả 7 quyết định thu hồi các thửa đất của gia đình bà Bưởi (6 quyết định thu hồi được ký ngày 21/10/2003 và 1 quyết định ngày 15/11/2004; cả 7 quyết định này đều có hiệu lực kể từ ngày ký) cho đến tận ngày 5/7/2005, khi anh Nguyễn Thuận gửi giấy yêu cầu thì mới được chủ đầu tư cung cấp cho biết những quyết định này "đã được ban hành cách đây mấy năm về trước".

Thế nhưng, giải trình với chúng tôi, lãnh đạo quận Liên Chiểu (những người giữ các chức vụ Trưởng, Phó ban GPMB của dự án) lại cho rằng: "Không hề hay biết"?  Việc đền bù đất áp giá tùy tiện, đất thu hồi không phải để phục vụ lợi ích công cộng hay vì mục đích an ninh quốc phòng, chưa thỏa thuận được với chủ đất nhưng đã vội vàng san lấp mặt bằng, cưỡng chế. Đấy là chưa kể vì sao UBND TP Đà Nẵng lại phải thu hồi đất sản xuất của dân để giao cho Công ty TNHH Thái Bình Dương mua đi bán lại kiếm lời? Đằng sau việc thu hồi, giao đất xây dựng khu dân cư Hòa Minh 5 ai là người được lợi?

Điều rất cần thiết được đặt ra hiện nay là những người dân dám tố cáo những bất cập, tiêu cực ở đây lại đang bị một thế lực ngầm khủng bố, trực tiếp đe dọa và đe dọa qua điện thoại, trường hợp của anh Nguyễn Thuận không phải là trường hợp đầu tiên.

Theo họ trước đó, ông Hưng cũng đã đến nhà riêng của anh Thuận và một công dân khác trên địa bàn, đe dọa "sẽ giết chết" nếu như những người này làm đơn tố cáo những hành vi tiêu cực của ông ta. Liệu những người tố cáo tiêu cực ở đây có được bảo vệ hay sẽ bị "cắt lưỡi, cứa cổ" như những lời hăm dọa? Đằng sau những lời đe dọa này, tính mạng và những nguyện vọng chính đáng của người dân có được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây quan tâm...? Những câu hỏi này xin khẩn thiết gửi các cơ quan thẩm quyền quận Liên Chiểu và TP Đà Nẵng kịp thời trả lời trước dư luận nhân dân

Tổ PVĐT
.
.
.