Tổng Giám đốc rủ vợ lập giao dịch giả để chiếm đoạt tiền tỷ

Thứ Ba, 04/10/2016, 18:05
Ngày 4-10, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bị cáo Trần Thăng Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến thương hiệu BMS và vợ là Mai Thị Bích Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Rồng Đông Á thực hiện.

Ngày 4-10, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bị cáo Trần Thăng Long (41 tuổi, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến thương hiệu BMS (viết tắt là Công ty BMS) và vợ là Mai Thị Bích Liên (32 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Rồng Đông Á (viết tắt là Công ty Đông Á) thực hiện. 

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Long thành lập và làm Tổng Giám đốc Công ty BMS với ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ quảng cáo ngoài trời và tổ chức sự kiện. Sau vài năm hoạt động, công ty của Long nợ đọng tiền thuế và tiền phạt hơn 600 triệu đồng nên anh ta tự xóa bỏ tên công ty. 

Vợ chồng bị cáo Long- Liên.

Trước đó, Công ty BMS đã mua lại vị trí biển quảng cáo ngoài trời, tại Km7+850 ven đường Thăng Long - Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) từ Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái. Ngay sau khi xóa bỏ Công ty BMS, Long bàn và thống nhất với Liên thành lập Công ty Đông Á cũng kinh doanh một số ngành nghề như Công ty BMS. 

Cùng thời gian này, Long lấy tư cách đại diện của Công ty BMS bán lại vị trí quảng cáo ngoài trời cho Công ty cổ phần quảng cáo Toàn Cầu (viết tắt là Công ty Toàn Cầu) trong thời hạn hai năm với giá 70.000 USD và bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy phép quảng cáo cho đối tác. 

Nhưng lúc đó, do Công ty BMS vẫn còn thời hiệu hợp đồng quảng cáo tại vị trí Km 7+850 với một doanh nghiệp khác nên Công ty Toàn Cầu đã lùi thời gian sử dụng biển quảng cáo. 

Do có ý đồ chiếm đoạt tiền từ trước nên ngay sau khi Công ty Đông Á được thành lập, vợ chồng Long- Liên xác lập một giao dịch giả mạo về vị trí quảng cáo để bán cho bên thứ tư là Công ty cổ phần Golden Gain Việt Nam (viết tắt là Công ty Golden Gian) với giá hơn 1,7 tỷ đồng, trong thời gian hai năm.

Để công ty này không phát hiện ra hành vi gian dối của mình nên tại phần chữ ký đại diện Công ty BMS trong hợp đồng, Long lấy tên và giả chữ ký của em trai mình. Liên lấy tư cách đại diện Công ty Đông Á ký hợp đồng bán biển quảng cáo tại Km 7+850 cho Công ty Golden Gain. 

Sau một ngày xét xử vụ án này, do lời khai của vợ chồng bị cáo Long- Liên mâu thuẫn với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. 

Xác định điều này không thể làm rõ ngay được tại phiên xử nên HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung một số nội dung liên quan đến nội dung và chữ ký của hai bị cáo và những người liên quan trên một số hợp đồng quảng cáo. Trên cơ sở đó, HĐXX mới đủ căn cứ để  xử phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.