Đi ngược giáo lý, vi phạm pháp luật, Nguyễn Văn Lý "nhận" 8 năm tù giam

Thứ Bảy, 31/03/2007, 09:45
Trước phiên tòa xét xử công khai, Nguyễn Văn Lý không chịu ăn năn hối cải, mà còn thể hiện bản chất hung hăng, ngoan cố chống đối. Căn cứ vào các bằng chứng xác đáng, toà tuyên phạt Nguyễn Văn Lý 8 năm tù giam và 5 năm quản chế tại nơi ở.

Phần 2: Giáo thuyết và lật lọng

Trên từng trang viết nắn nót, chữ đẹp, thẳng hàng của mỗi "tâm thư", Nguyễn Văn Lý đã rất cẩn thận, ký tên, ghi ngày tháng và đánh ký hiệu, kể cả ở những chỗ tẩy xoá, sửa chữa ý tứ... hình như để thể hiện tính liên tục, đảm bảo giá trị gốc của văn bản, không ai có thể làm giả hoặc thêm bớt làm sai lệch nội dung.

Ban Giám thị trại giam cho phép Nguyễn Văn Lý gửi thư đi. Và không lâu sau đó, hầu như các "tâm thư" của Nguyễn Văn Lý đã được chuyển tải lên mạng thông tin toàn cầu, ai cũng có thể tiếp cận.

Đầu tiên là "Tâm thư kính đệ trình Hội đồng Giám mục Việt Nam,  ngày 17/4/2003", tiếp đến là "Tâm thư gửi Nghị viện Châu Âu và Hạ viện Quốc hội Mỹ, ngày 08/12/2003", rồi "Tâm thư gửi lưỡng viện Quốc  hội Mỹ, ngày 22/2/2004", "Tâm thư gửi Nghị viện châu Âu, ngày 22/2/2004” và "Tâm thư gửi (chung nhiều người) bà dân biểu Zoe Logren, dân biểu Christopher Smith, Thượng nghị sỹ Sam Brounback, Giám đốc cao cấp về dân chủ nhân quyền Elliott Alrams, Chủ tịch Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Michech Young và đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của chính phủ Mỹ John Hanford, ngày 4/3/2004"...

Trong phạm vi bài này không thể trích dẫn hết những nội dung mà Nguyễn Văn Lý đã viết. Chỉ xin nêu trích đoạn trong một số bức tâm thư mà ở đó đã chứa đựng những suy nghĩ "từ trái tim" mà Nguyễn Văn Lý muốn gửi gắm và muốn biểu đạt qua những trang viết của chính mình.

Trong "Tâm thư kính đệ trình Hội Đồng Giám mục Việt Nam" có đoạn: "Sau gần hai năm tĩnh tâm cầu nguyện, suy nghĩ hoàn toàn một mình với Chúa, đầu óc bé xíu của con lật qua lật lại thật kỹ về quan hệ của Giáo hội Công giáo toàn cầu với Chủ nghĩa xã hội quốc tế, của Giáo hội Công giáo Việt Nam với Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Nay con xin phép quấy rầy quí Đức cha, có lẽ lần cuối cùng hết tâm huyết của con, trước khi con được cô tịch an nghỉ trong Chúa như một đan sĩ ẩn tu. Con không bị tra tấn nhục hình, thẩm vấn, áp lực, yêu cầu, gợi ý gì hết. Nhà nước và con im lặng hoàn toàn cho đến khi con cảm thấy Chúa soi dẫn con viết tâm thư này.

Không có gì để sợ hãi hay bị mê hoặc bởi vui thú thế tục, không bận tâm đến vinh quang ô nhục trần gian và các vấn đề về bản thân quá nhỏ của con trước các vấn đề rất trọng đại: Chủ quyền độc lập của Tổ quốc, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, danh dự của Nhà nước Việt Nam và quyền lợi thiết thực của Giáo hội Công giáo Việt Nam... Con cô đọng thành tâm thư ngắn gọn nhưng hy vọng đầy đủ này như Lời chứng chung cục của con kính đệ trình quí Đức cha".

Đó là lời mở đầu cho tâm thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam và cũng là mở đầu cho những bức tâm thư viết tiếp sau đó.

Trong các tâm thư, Nguyễn Văn Lý lý giải từng vấn đề khá rõ ràng, nếu có điều kiện tôi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc các tâm thư này cũng như những gì Nguyễn Văn Lý "đối thoại" với ngài Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ.

Nhân đây, tôi chỉ xin đọc giùm và tóm lược những vấn đề cơ bản mà Nguyễn Văn Lý đã viết trong tâm thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam để bạn đọc đỡ mất công sưu tầm.

Về vấn đề "dân chủ, nhân quyền" tại Việt Nam, Nguyễn Văn Lý cho rằng: "Chủ quyền Tổ quốc là trên hết, là nhân quyền của cả nước, cao hơn nhân quyền của bất cứ tổ chức nào. Tổ quốc càng an ninh, toàn dân càng tự do.

Mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh là mẫu số chung cho toàn dân. Mô hình xã hội chủ nghĩa ấy của Việt Nam do chính lương tri và trí tuệ của toàn dân cùng hiệp lực làm, chứ không ai khác.

Không thể kẻ xây, người chống hoặc ảo tưởng mong chờ sự xáo trộn rất nguy hại như kinh nghiệm đau lòng của bao nhiêu nước... Do đó, trừ ra các đảng viên hư hỏng hoặc bảo thủ làm thất bại, ngoài ra không có một thế lực nào đủ sức cạnh tranh được với mô hình XHCN kiểu mới này của Việt Nam.

Mô hình đặc sắc này chắc chắn là thành công nếu toàn dân hiểu rõ, vững tin và đại đoàn kết cùng coi đây là sự nghiệp của mỗi người dân Việt. Trong mô hình XHCN mới kiểu Việt Nam này, chắc chắn tự do tôn giáo có đủ và các nhân quyền căn bản nhất được bảo đảm công bằng tốt hơn bất cứ mô hình xã hội nào khác, vì nó được tạo nên cho hạnh phúc con người toàn diện, không phải của riêng Đảng.

Các tôn giáo có quyền bổ sung thêm cho nó toàn diện hơn nữa. Vì Tổ quốc này thật sự là của toàn dân. Mỗi người Việt Nam phải là người không tìm gì cho riêng mình ngoài hạnh phúc của toàn dân, toàn nhân loại". Đúng vậy, nghe thật hay.

Sang vấn đề "tự do tôn giáo" ở Việt Nam, nét bút của Nguyễn Văn Lý cũng như cùng reo lên với cảm xúc của ông ta khi nhắc lại và nhấn mạnh câu văn ghi trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 7 (Khoá IX), rằng: "Tôn giáo đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...".

Ông Lý như muốn thông báo thêm cho Hội đồng Giám mục biết Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo vừa mới ban hành có nhiều qui định thông thoáng, có lẽ ông ta nghĩ là các giám mục chưa được đọc pháp lệnh này, khi viết rằng: "Riêng Công giáo, từ nay các giáo phận có thể tuyển chọn chủng sinh từ các giáo phận khác nhiều thanh niên ưu tú có ơn gọi làm linh mục. Tức là vấn đề nóng bỏng nhất của Công giáo đã có hướng giải quyết dứt khoát êm đẹp.

Các vấn đề nhỏ khác, sẽ hài hoà với hướng đi lên tất yếu của toàn dân". Đọc những dòng này, chắc có người nghĩ ông Lý là một báo cáo viên đang soạn thảo đề cương giới thiệu nghị quyết (!?).

Về thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, ông Lý đã tự tổng kết, so sánh khá logic trong đoạn viết: "Ngày nay Việt Nam đã đạt 4 thành tựu rất cơ bản cùng một lúc mà rất nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Philippines... chưa thể đạt được: Độc lập thống nhất; công bằng cho 54 dân tộc ít người có cơ hội cùng thăng tiến huynh đệ; không lệ thuộc nô dịch nước ngoài; an ninh ổn định thuộc loại vững nhất thế giới hiện nay.

Đó là 4 điều rất khó mà Nhà nước Việt Nam đã và sẽ còn làm rất giỏi... Đảng Cộng sản Việt Nam đang nỗ lực hết sức để Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân thực sự, không phải là khẩu hiệu mị dân. Nếu chỉ đánh giá bản chất sâu xa một xã hội qua kinh tế giàu có thì rất hời hợt.

Việc dân Mỹ - Anh và quốc hội Mỹ - Anh không ngăn cản được nhà nước Mỹ - Anh đánh chiếm Iraq là một điển hình cụ thể. Do đó, các tôn giáo tại Việt Nam cần góp sức để Việt Nam ổn định và phát triển, không nên mơ hồ đợi chờ các xáo trộn rất nguy hại".

Đúng là một nhà hoạt động chính trị chứ không phải là tu sỹ Công giáo. Nghe nhà tu phân tích tình hình thời sự trong nước và quốc tế thật thú vị. Cuối cùng, Nguyễn Văn Lý dù rất khiêm tốn vẫn muốn tỏ lời khuyên với các đấng bề trên: "Kính xin quí Đức Cha nên có một bức Thư mục vụ mới, Nhà nước Việt Nam sẽ rất an tâm trân trọng.

Cụ thể là đề cao lý tưởng XHCN mới đặc sắc của Việt Nam; kêu gọi Giáo hội Công giáo Việt Nam an tâm tích cực sống phúc âm giữa lòng dân tộc, hoà quyện với truyền thống văn hoá dân tộc, lý tưởng cao đẹp XHCN mới mẻ đặc sắc; kêu gọi các giáo hữu miền Nam rũ bỏ mặc cảm liên quan đến chế độ Sài Gòn cũ, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; kêu gọi Việt kiều tích cực chung xây đất nước; kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế và Toà thánh Vatican hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế thị trường quốc tế với nhiều ưu đãi...".--PageBreak--

Nguyễn Văn Lý cho rằng, nếu Hội đồng Giám mục ra được Thư mục vụ mới sẽ còn có tác dụng gián tiếp là "giúp chấm dứt bao giằng co 6 -7 đường lối khác nhau trong Giáo hội Công giáo Việt Nam 28 năm qua; giúp Toà thánh Vatican sớm lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; góp phần đưa Việt kiều vào mục đích chung tích cực hơn cho Tổ quốc;

Góp phần để Quốc hội Mỹ huỷ bỏ các dự luật về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam, bởi không một Quốc hội nào lại ngang nhiên ra cho dân mình về nước khác kiểu đó, ẩn chứa động cơ không tốt mà lẽ ra nếu có điều gì hai nhà nước cùng quan tâm thì đối thoại ngoại giao là hữu hiệu hơn nhiều".

Thế đấy, Nguyễn Văn Lý viết những dòng "tâm huyết" trên đây có thể nói là vẫn còn tươi nguyên, chưa ráo mực. Ấy vậy mà, hôm qua, bị cáo Nguyễn Văn Lý đã phải ra trước vành móng ngựa để hầu toà. Nguyễn Văn Lý không chỉ là kẻ vi phạm pháp luật mà còn làm "chứng dối".

Phần 3: Hành động mù quáng và hình phạt nghiêm khắc

Mặc dù được Nhà nước khoan hồng, nhưng Nguyễn Văn Lý vẫn không ăn năn hối cải, mà ngược lại, tiếp tục công khai hoạt động chống phá chính quyền quyết liệt hơn; biến nơi ở của mình thành nơi làm ra và tàng trữ, lưu hành, phát tán nhiều tài liệu, hoạt động chống phá Nhà nước.

Từ khi được đặc xá tha tù và chấp hành hình phạt quản chế đến nay, Lý đã 14 lần vi phạm án phạt bổ sung, ra khỏi địa phương không xin phép cơ quan có thẩm quyền, trong đó có 3 lần ra ngoại tỉnh. Hằng tháng, Lý cũng không đến trình diện tại trụ sở chính quyền địa phương như pháp luật quy định; và khi chính quyền thông báo, nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu đến trình diện thì Lý vẫn không chấp hành.

Nghiêm trọng hơn, Nguyễn Văn Lý đã tiếp tục móc nối, câu kết với các thế lực phản động trong và ngoài nước chống đối Nhà nước, đi ngược lại lợi ích nhân dân và dân tộc ta, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 8/4/2006, Nguyễn Văn Lý thành lập nhóm 8406 (còn gọi là khối 8406) và đã cùng đồng bọn biên tập, soạn thảo nhiều tài liệu xuyên tạc vu cáo nói xấu Nhà nước Việt Nam, ra các số "bán nguyệt san - tự do ngôn luận" đều với nội dung xuyên tạc, chống đối Nhà nước; kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2007.

Nguyễn Văn Lý đã chỉ đạo thành lập cái gọi là "đảng thăng tiến Việt Nam" gồm Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Công Nhân, Lê Thị Lệ Hằng, do Nguyễn Phong cầm đầu.

Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi, Nguyễn Văn Lý đã lôi kéo Nguyễn Phong cùng một số đối tượng như Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng… câu kết với đảng "Vì dân" của các tổ chức phản động ở nước ngoài, thành lập cái gọi là" Liên đảng Lạc Hồng".

Chúng dự định tổ chức công khai hoá cái gọi là "Liên đảng Lạc Hồng" vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi năm 2007, bằng các hình thức tán phát tài liệu, cương lĩnh, điều lệ trên Internet và công bố trên đài phát thanh phản động ở hải ngoại.

Nhưng, âm mưu của bọn chúng chưa thực hiện được thì bị cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Quá trình điều tra, cơ quan Công an thu được tại nơi ở của Nguyễn Văn Lý 6 máy tính, 6 máy in, 7 máy điện thoại di động, 2 máy cố định kết nối Internet, trong đó có 136 sim điện thoại di động và hơn 200 kg giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập, công bố các tổ chức phản động chống đối Đảng và Nhà nước ta.

Đối với các bị cáo còn lại trong vụ án này là Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng đều đồng phạm với Nguyễn Văn Lý với vai trò tích cực giúp sức và thực hành trong việc làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Phong là người trực tiếp thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Lý trong việc tham gia và đứng đầu việc thành lập các tổ chức phản động; cùng Lý thu thập, biên soạn và trực tiếp tán phát các tài liệu này tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), và trên mạng Internet.

Các bị cáo Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng vừa là người tham gia tổ chức phản động do Nguyễn Văn Lý lập ra, vừa đắc lực giúp Lý cập nhật thông tin trên mạng Internet, in ấn và tán phát các tài liệu có nội dung chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa xét xử công khai, Nguyễn Văn Lý không chịu ăn năn hối cải, mà còn thể hiện bản chất hung hăng, ngoan cố chống đối, mặc dù đã được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở và cảnh cáo nhiều lần, nhưng vẫn liên tục vi phạm nội quy phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa đã 4 lần buộc bị cáo phải ra khỏi phòng xử án. Các bị cáo còn lại gồm Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng mặc dù biện bạch loanh quanh, nhưng trước những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đều phải cúi đầu nhận tội.

Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng là giáo dân tỏ thái độ bất bình và bức xúc trước những hành vi phạm tội và thách thức pháp luật, mạo danh và lừa gạt của Nguyễn Văn Lý.

Tòa xét xử công khai, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hành vi tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam của Nguyễn Văn Lý theo Điểm a, Điểm c, Khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam: Nguyễn Văn Lý 8 năm tù giam và 5 năm quản chế tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù.

Các bị cáo còn lại đều bị xử phạt theo Điểm c, Khoản 1, Điều 88: Nguyễn Phong 6 năm tù giam và 3 năm quản chế tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù; Nguyễn Bình Thành 5 năm tù giam và 2 năm quản chế tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù; Hoàng Thị Anh Đào 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 năm; Lê Thị Lệ Hằng 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm 6 tháng.

Dư luận cho rằng, phiên tòa đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được những người dự và theo dõi qua hệ thống loa truyền thanh đồng tình ủng hộ

Hùng Lĩnh - Phạm Miên - TTXVN
.
.
.