Cứ chuyển tiền là có… “hàng”

Chủ Nhật, 09/11/2008, 14:25
Khi biết tôi có nhã ý muốn sở hữu vài món đồ để phòng thân lúc bất trắc, N. liền đưa ra những thông tin có với vẻ hết sức bảo đảm về các mặt hàng mình có và những điều kiện giữa khi tiến hành giao nhận hàng: "Ở đây mặt hàng gì tôi cũng có từ dùi cui điện, roi điện, bình xịt hơi cay… cho đến cả súng bắn điện. Anh cứ chuyển tiền qua tài khoản, chúng tôi sẽ chuyển hàng ngay cho các anh".

Thời gian gần đây, số vụ các đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ như: bình xịt hơi cay, dùi cui điện, roi điện, súng bắn điện v.v.. để gây án, chống lại lực lượng chức năng đang có chiều hướng gia tăng. Có sự gia tăng này là bởi hiện trên thị trường đã và đang xuất hiện một số các cá nhân, tổ chức ngang nhiên rao bán công khai các loại công cụ hỗ trợ trên mạng, qua điện thoại mặc cho điều đó là vi phạm pháp luật. Đi kèm là những lời "bảo hành" chắc nịch: "Cứ chuyển tiền qua, "hàng"- sẽ về ngay...!".

Sử dụng công cụ hỗ trợ để gây án

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại địa phận xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ đã xảy ra một vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng. Nạn nhân là đồng chí Phùng Xuân Quyết - Trưởng Công an xã Hữu Văn.

Trước đó, theo nguồn tin nhận được từ quần chúng về một vụ ẩu đả giữa nhóm thanh niên của xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) với xã Hữu Văn, đồng chí Quyết đã cùng lực lượng Công an xã nhanh chóng xuống hiện trường để giải quyết vụ việc.

Khi thấy lực lượng Công an xuất hiện, các đối tượng đang ẩu đả không những không dừng lại mà còn ngang nhiên thách thức, chống đối các lực lượng làm nhiệm vụ. Một trong những thanh niên đang có mặt tại đây bất ngờ dùng roi điện xông đến và gí vào mặt đồng chí Quyết, khiến đồng chí bị choáng rồi ngã vật xuống đất liền sau đó.

Qua điều tra truy xét, ngày 19/9, Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phùng Xuân Tĩnh, 27 tuổi, trú tại thôn Quang Trung, xã Hữu Văn - đối tượng trực tiếp dùng roi điện gây sát thương cho đồng chí Quyết về hành vi chống người thi hành công vụ. Theo lời khai của Tĩnh, y đã mua chiếc roi điện trên ở khu vực bến xe Hà Đông.

Không chỉ dùng các công cụ hỗ trợ cho việc chống lại người thi hành công vụ, một số đối tượng đã sử dụng những công cụ này như là một sự "trợ giúp" đắc lực cho hoạt động phạm pháp, cướp giật tài sản của mình. Rạng sáng 6/10, tại khu vực ngã tư Lê Thanh Nghị - Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) đã xảy ra một vụ cướp tài sản táo tợn.

Trước đó, khi sử dụng chiếc xe máy Jupiter BKS 29U7-1340 đi đến đoạn đường trên, anh Bùi Nguyễn Quang Dũng đã bị 2 đối tượng lạ mặt từ hai bên đường lao ra chặn xe của anh. Một trong 2 đối tượng đã sử dụng dùi cui xông vào đánh anh. Thấy vậy, anh Dũng liền bỏ chạy.

Sau khi xác định chính xác nhóm đối tượng gây án trên, cơ quan điều tra đã ra quyết định bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Long, 15 tuổi, trú tại Trương Định (Hai Bà Trưng), Đinh Công Quảng, 15 tuổi, trú tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Bùi Tiến Lâm, 22 tuổi, trú tại phường Tương Mai (Hoàng Mai). Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, sau khi cướp được chiếc xe của anh Dũng, đã nhờ đối tượng tên Hoàng quê ở Hưng Yên, bán hộ chiếc xe trên với giá 3 triệu đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc phạm pháp hình sự mà các đối tượng sử dụng các công cụ hỗ trợ để gây án đã bị lực lượng Công an Hà Nội triệt phá trong thời gian qua. 

Mua "hàng" không khó

Qua hàng loạt vụ án với các đối tượng chuyên dùng công cụ hỗ trợ để gây án, câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra: Tại sao những đối tượng phạm tội lại có được những món hàng này và nguồn hàng ở đâu, trong khi  cơ quan chức năng vẫn đang có sự quản lý chặt chẽ? Thông qua công cụ hỗ trợ tìm kiếm Google trên mạng Internet, chúng tôi đã không khó để móc ngoặc ngay được với những "đầu nậu" chuyên cung cấp những mặt hàng này.

Qua cuộc trao đổi điện thoại, "đầu nậu" tên N. này tỏ rõ là một tay anh chị có thâm niên trong lĩnh vực cung cấp "hàng" cho dân tiêu dùng ở Hà Nội. Theo lời N., các công cụ hỗ trợ cung cấp đang lưu hành "chui" tại Hà Nội đều là do "công ty" của anh ta mà ra.

Khi biết tôi có nhã ý muốn sở hữu vài món đồ để phòng thân lúc bất trắc, N. liền đưa ra những thông tin có với vẻ hết sức bảo đảm về các mặt hàng mình có và những điều kiện giữa hai bên khi tiến hành giao nhận hàng: "Ở đây mặt hàng gì tôi cũng có từ dùi cui điện, roi điện, bình xịt hơi cay… cho đến cả súng bắn điện. Anh cứ chuyển tiền qua tài khoản của tôi theo mã sau 5175386…. chúng tôi sẽ chuyển hàng ngay cho các anh".

Sau khi chào hàng một lượt, "đầu nậu" N. đã không quên thông báo giá cả của từng loại mặt hàng: 4,5 triệu đồng cho một khẩu súng điện, 900 ngàn đồng cho một dùi cui điện và 450 ngàn đồng cho một bình xịt hơi cay. "Đầu nậu" N. này còn mạnh miệng: "Nếu khách hàng tìm ở đâu có giá rẻ hơn tôi sẵn sàng thưởng cho 10 cây vàng (!)".

Trong suốt câu chuyện, N. luôn tỏ ra là một tay buôn dày dạn kinh nghiệm. Khi tôi yêu cầu cần gặp mặt và xem hàng trước cũng như để tiện trao tiền, N. đã không ngần ngại đưa ra yêu cầu: "Nếu cần lấy hàng loại gì cứ việc lên danh sách với số lượng bao nhiêu, chúng tôi nhận được tiền là có người giao hàng đến tận tay các anh luôn".

Thấy tôi có vẻ lưỡng lự với kiểu mua không được gặp mặt, N. liền an ủi: "Ông thông cảm vì đây là hàng cấm nên hai bên không gặp nhau được. Bất cứ khách hàng nào từ trước đến giờ cũng đều thông qua cách giao dịch như này cả".

Thật sự bất ngờ với những gì mà N. đưa ra, bởi việc mua bán công cụ hỗ trợ - mặt hàng đã được pháp luật nghiêm cấm kinh doanh lại diễn ra hết sức đơn giản mà không phải qua bất cứ một thủ tục phức tạp nào cả.

Qua cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Hoài Nam, Đội phó Đội Quản lý hành chính tổng hợp và trật tự xã hội (PC 13), Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi được biết, vấn đề sử dụng và bảo quản vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng đã được Chính phủ quy định rõ trong Nghị định 47 ra năm 1996.

Và đặc biệt tại Quyết định số 404 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ngày 15/7/1995 đã nêu rõ: Đối tượng được trang bị sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phải là những lực lượng chức năng như: quân nhân, Công an, dân quân tự vệ...

Mọi cơ quan tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phải kê khai công cụ cụ thể với cơ quan Công an. Nếu sử dụng phải có giấy phép sử dụng của cơ quan Công an cấp. Cho nên việc rao bán công cụ hỗ trợ của một số đối tượng hiện nay là vi phạm pháp luật.

Theo Trung tá Nam, trong thời gian gần đây ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ nhóm mua bán, vận chuyển các loại vũ khí cấm trên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chính những đối tượng này đã gián tiếp làm cho số vụ việc phạm pháp, chống người thi hành công vụ có sử dụng công cụ hỗ trợ gia tăng như hiện nay.

Việc trao đổi mua bán thường thông qua con đường "ngầm" - không trực tiếp lộ mặt. Về xuất xứ nguồn "hàng", Trung tá Nam cho biết, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trôi nổi trên thị trường hiện nay thường được nhập lậu từ bên ngoài vào Việt Nam thông qua các cách thức khác nhau. 

Việc thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện những đối tượng chuyên cung cấp và rao bán cũng như sử dụng trái phép các loại công cụ hỗ trợ như hiện nay đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý thật mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm. Nếu không ngăn chặn kịp thời hẳn đây sẽ tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn của xã hội

Quốc Hưng - Trần Huy
.
.
.