"Cơn lốc" cầm đồ, "bốc họ" và những hệ lụy thường trực

Thứ Sáu, 24/06/2011, 15:00
Chưa bao giờ dịch vụ cầm đồ, "bốc họ" - một dạng thức cho vay nặng lãi lại nở rộ như hiện nay. Chỉ cần dạo qua một lượt các tuyến phố trong khu vực nội thành Hà Nội dễ dàng bắt vô số điểm, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tín chấp. Việc bùng nổ dịch vụ này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn.

 Muôn hình vạn trạng…"chợ" cầm đồ

9h30' ngày 22/6. Trời nắng như đổ lửa. Có mặt tại tuyến phố Đặng Dung, quận Ba Đình (Hà Nội), tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp người ra vào các tiệm cầm đồ ở đây. Nhẩm tính, với chiều dài khoảng 500m, tuyến phố này có độ trên dưới 10 tiệm kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Lượng phương tiện, người có nhu cầu đặt, lấy tài sản lui tới khu "chợ" cầm đồ mỗi lúc một đông.

Tôi ghé vào tiệm cầm đồ A.B có số điện thoại cửa hiệu: 04.38436xxx. Gian quầy có diện tích chưa đầy 20m2 lúc này đã có 3-4 khách đứng lố nhố chờ đến lượt để cô nhân viên tuổi trạc ngoài 30 nơi đây "kiểm hàng" - định giá tài sản mà khách muốn cầm. Từ điện thoại di động, dây - lắc vàng… cho đến xe máy, tất cả đều được định giá một cách nhanh chóng.

Đến lượt mình, tôi đặt vấn đề: "Cho anh 2,5 triệu đồng chiếc dây này". Cầm chiếc dây chuyền vàng trên tay, cô nhân viên liếc nhanh, đồng thời đặt chiếc dây lên bàn cân điện tử. "Vâng ạ! Anh tên gì?", "H…". Chưa đầy 2 phút, số tiền cùng một chiếc giấy khế ước được cô nhân viên đưa lại cho tôi. Đi kèm là lời dặn: "6 ngàn đồng/ngày".

Tại tuyến đường Láng, nằm xen kẽ với các điểm, quầy kinh doanh sách báo là vô số các tiệm cầm đồ… Hàng ngày, lượng khách lui tới các tiệm cầm đồ này để cầm cố tài sản (xe máy, điện thoại, vàng, máy tính… thậm chí còn cả nhà đất) lên tới hàng trăm lượt.

Thống kê của Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho thấy, trên địa bàn của phường hiện có 64 cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cầm cố tài sản. Theo Tuấn, chủ một cửa hiệu cầm đồ tại khu vực gần phố Chùa Láng tiết lộ, lượng khách đến cầm cố tài sản gia tăng chóng mặt về số lượng khi các giải bóng đá C1, ngoại hạng Anh, Serie A, Serie B, world cup… diễn ra. Nguyên nhân cũng bởi, đây là thời điểm mà dân chơi "đổ" nhiều tiền vào các trận đấu bóng, cá cược nhất, thế nên việc cầm cố tài sản để lấy tiền thanh toán các khoản nợ là điều khó tránh khỏi.

Nhan nhản cửa hiệu cầm đồ trên đường Láng.

Cảnh báo những cạm bẫy đi kèm

Bên cạnh loại hình dịch vụ cầm đồ - kinh doanh có điều kiện, hiện trên thị trường "đen" đang tồn tại một dạng cho vay, thế chấp khác đó chính là "bốc họ". Không cửa hiệu, không giấy phép đăng ký kinh doanh, các đối tượng, nhóm người đứng ra tổ chức "bốc họ" thường là những dân anh chị có vốn - tiền để cho người có nhu cầu vay mà không cần phải thế chấp, đặt cược bất cứ tài sản, giấy tờ nào tương ứng cả.

Theo Tuấn, 30 tuổi, nhà ở Kim Mã, quận Ba Đình - một dân trong "nghề" cho hay, chỉ cần qua mối lái, sau khi nắm được người có nhu cầu "bốc họ" là ai, làm gì, ở đâu, hoặc qua mối lái là chủ họ sẽ cho người có nhu cầu này "bốc họ" với số tiền tương ứng.

Thông thường mỗi lần "bốc họ" đều được thực hiện giao dịch trực tiếp bằng miệng thay vì việc ký kết văn bản, khế ước như dịch vụ cầm đồ, tín chấp. Số tiền trong mỗi "bát họ" mà người có nhu cầu muốn "bốc" không có hạn định. Tuy nhiên, theo Tuấn, mỗi "bát họ" - số tiền tối thiểu đi kèm luôn ở ngưỡng 10 triệu. Tùy vào từng mối quan hệ, số tiền "phế" - (khoản tiền bị "chủ họ" khấu hao) sẽ được trừ trực tiếp vào số tiền mà người vay cầm từ tay các "chủ họ".

Tuấn cũng như một số dân thuộc diện "chủ họ" như: M. "máy", D. "béo" (quận Ba Đình), T. "ổn" (ở quận Tây Hồ)… khoản tiền "phế" đính kèm thường là 2 phần, tức người vay tiền chỉ được cầm 8 phần, còn 2 phần thuộc về "chủ họ". Và đây cũng là cách mà "chủ họ" cuỗm trọn khoản tiền lãi kếch sù từ các con nợ. Dù đã bị cắt "phết" 20% khoản tiền vay ngay từ đầu rồi, song đến khi "đóng họ" - trả tiền, người vay vẫn phải đóng đủ số tiền mà mình muốn vay ban đầu, tức đủ 10 triệu đồng.

Các đối tượng trong một vụ xiết nợ

Thực tế đã cho thấy, thời gian qua, đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra có liên quan đến dịch vụ "bốc họ", vay nợ dạng này. Chưa hết, khi thâm nhập "thế giới bốc họ", PV Báo CAND còn nhận thấy, phía sau các "chủ họ" luôn là dịch vụ đòi nợ thuê, sẵn sàng "xả dao", nhả "kẹo đồng" (sử dụng vũ khí nóng - PV) khi con nợ tỏ ý bất hợp tác, không "đóng họ" đúng kỳ hạn.

Điển hình như vụ hai đối tượng Lê Trọng Nghĩa, 30 tuổi, ở quận Cầu Giấy và Lương Quang Thạc, 31 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng đã dùng súng bắn chết anh Nguyễn Minh D. tại khu vực trước cổng Trung tâm thương mại Parkson Hà Nội (quận Đống Đa). Nguyên nhân từ việc D. có vay "nóng" các đối tượng 30 triệu nhưng mới trả được 5 triệu.

Việc "cơn lốc" cầm đồ, "bốc họ" đang có chiều hướng bùng nổ như hiện nay, thiết nghĩ bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, những người có liên quan cần nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm với loại dịch vụ này.

Theo Điều 163, Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay lãi nặng:

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trần Huy
.
.
.