"Chuyên án không tên" và "vua" ma tuý Trịnh Nguyên Thuỷ (Phần II)

Thứ Ba, 22/11/2005, 06:50

7h30’ phút  thứ năm ngày 10/11/2005, Trịnh Nguyên Thủy và một số bị can khác được di lý từ Phú Thọ về Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra giai đoạn 2 của vụ án. Với vỏ bọc của một đại gia lương thiện, Thuỷ từng nằm ngoài tầm ngắm của cơ quan điều tra nhưng chính đồng bọn của Thuỷ đã "tố" hắn.

Hầu hết các cán bộ điều tra của Công an Phú Thọ đã tham gia chuyên án này đứng ở sân nhìn đoàn xe đi với nhiều tâm trạng khác nhau. Người thì thấy nhẹ nhõm vì đến giờ phút này, hắn hoàn toàn khỏe mạnh mặc dù hơn 2 tháng qua, hắn đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Với một nhân vật như Thủy, có giời mà biết tai họa sẽ đổ xuống đầu anh em điều tra thế nào nếu như hắn “đi”?  Cũng có người nuối tiếc vì anh em muốn được tiếp tục đấu mưu đấu trí với các đối tượng để chiến công được trọn vẹn.

Duy có một người mang chút bâng khuâng, đó là Trung tá Nguyễn Đình Lập, bởi anh là người đã trực tiếp đấu tranh với những đối tượng “rắn” nhất của vụ án này như: Giàng A Chu, Lê Văn Tình, Vũ Hồng Điệp, Nghiêm Đình Bồng, Đặng Văn Ấu, Trịnh Nguyên Thủy. Và có điều kỳ lạ là hầu hết các đối tượng này đều rất kính nể Lập cũng như các cán bộ điều tra khác. Thậm chí có người vài ba ngày không được gặp cán bộ Lập đã thấy... nhớ?

Riêng Trịnh Nguyên Thủy thì tin tưởng vào Trung tá Lập tuyệt đối, vì thế anh ta nhờ cậy Lập thực hiện một ước muốn cuối cùng của cuộc đời... Đó là một nguyện vọng hết sức lương thiện và đầy chất tiểu thuyết nên Trung tá Lập, khi tâm sự với chúng tôi đã nói là anh sẽ thực hiện. (Hóa ra nghề điều tra cũng đòi hỏi người cán bộ phải có “duyên” xét hỏi).

Với Trung tá Nguyễn Đình Lập và các anh em trong tổ công tác đặc biệt, cho đến giờ vẫn còn đôi chút ngạc nhiên về Trịnh Nguyên Thủy, bởi vì không ai ngờ một đại gia như Thủy lại là một gã buôn ma túy chuyên nghiệp và tạo cho mình được một vỏ bọc lương thiện đến như vậy. Và thực sự trong giai đoạn đầu của chuyên án, Thủy không nằm trong tầm ngắm.

Phiên tòa xét xử các bị cáo giai đoạn 1 của vụ án.

Nếu như việc bắt Giàng A Chu được coi là điểm đột phá  giai đoạn 1 của vụ án thì việc bắt  Đặng Văn Ấu được coi là điểm đột phá của giai đoạn 2.

Trên cơ sở kết quả điều tra của giai đoạn 1, Cơ quan Điều tra của Công an Phú Thọ xác định được một nhân vật là Lê Văn Tình, sinh năm 1966 ở  thị trấn Mộc Châu bị bắt ngày 31/8/2004 là mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy từ Mộc Châu về xuôi. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với chiến thuật xét hỏi, Lê Văn Tình đã khai nhận trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2003, hắn đã mua ma túy của Pùa Láo Tông, Tráng A Lự và nhiều đối tượng khác ở bên Lào với số lượng khoảng 565 bánh hêrôin. Số ma túy này, Tình bán cho Vũ Hồng Điệp, Phạm Khắc Hùng, Nguyễn Văn Tâm ở thị trấn Mộc Châu; Nguyễn Văn Thành ở Hà Nội; Nguyễn Thị Hồng ở Nam Định... Tình đã kiếm được một số tiền lãi  khoảng 100.000 USD và 100 triệu đồng VN.

Trong số các nhân vật này, Cơ quan Điều tra đặc biệt chú ý đến Vũ Hồng Điệp bởi tên này biết rất nhiều thông tin về các đường dây khác. Và khi tập trung xét hỏi Điệp, hắn đã phải khai ra tên một nhân vật lạ hoắc với những tình tiết ly kỳ như phim hành động của Mỹ, đó là Đặng Văn Ấu, người dân tộc Dao ở Mộc Châu nhưng đã về Hà Nội làm ăn.

Theo như lời khai của Điệp và một số đối tượng khác thì Đặng Văn Ấu có dáng người cao, gầy, mũi hơi khoằm và rất mưu mô. Không chỉ buôn bán hêrôin mà Ấu còn sản xuất hêrôin. Vũ Hồng Điệp cho biết Ấu là chủ một gara ôtô và có một chiếc xe container loại 30 feet và được lắp đặt nhiều thiết bị như một... căn hộ. Trong container này, Ấu đặt một máy sản xuất hêrôin mua từ Mỹ với giá... 1 triệu USD (?!).

Cách sản xuất của hắn là lái xe đến một cung đường miền núi nào đó rồi rẽ sang đường lánh nạn và nổ máy phát điện để “chế biến” hêrôin, đóng lại thành bánh, in nhãn mác nghiêm chỉnh rồi đem đi bán. Đề phòng khi bị công an bắt, Ấu cho đặt trong container một bình ga 30kg và dưới gầm xe cũng có một bình như thế. Hai bình ga này được nối dây điện với nhau và gắn sẵn kíp nổ điện được điều khiển từ xa... Nếu có động, thì chỉ một cú nhấn nút nhẹ nhàng trên một thiết bị điều khiển từ xa... là tất cả được thiêu hủy hết (?!).

Nhưng chưa hết, các đối tượng còn khai rằng Ấu đã được bọn tội phạm từ Trung Quốc sang huấn luyện cách làm mìn và trong nhà hắn, tại những “khu vực nhạy cảm” đều được “bảo vệ”  bằng mìn.

Thượng tá Vũ Đình Quang kể lại rằng, lúc anh vào phòng hỏi cung, thấy Trung tá Nguyễn Đình Lập toát mồ hôi, anh tưởng trời nóng. Nhưng hóa ra là anh Lập toát mồ hôi vì nghe những lời khai về Ấu.

Khi được báo cáo về hành vi của Ấu, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban chỉ đạo điều tra vụ án, yêu cầu Công an Phú Thọ và C17 phải tập trung điều tra khẩn trương làm rõ về việc này. Nếu chứng minh được Ấu có sản xuất hêrôin tại Việt Nam thì đây là căn cứ quan trọng để đánh giá thực trạng tội phạm ma túy ở nước ta, từ đó có những biện  pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. (Về sau, khi bắt được Ấu thì mới biết gã Điệp là một kẻ ba hoa, mắc “hội chứng phim Mỹ”).

Xác minh về Ấu thì được biết hắn đang bị Cục An ninh điều tra của Tổng cục An ninh bắt khởi tố về tội "che giấu tội phạm nhưng cho tại ngoại chờ xét xử". Công an Hà Nội cũng đã có đôi lần khám khẩn cấp nhà Ấu nhưng không phát hiện được ma túy... chính vì thế mà hắn cảnh giác vô cùng.

Nhưng những lời khai của Điệp và một số đối tượng khác chưa đủ chứng minh hành vi phạm tội của Đặng Văn Ấu, thế là đúng ngày mồng 1 tết Dương lịch, Thiếu tá Phạm Đình Thi lại lên đường đi Sơn La để tìm thêm tài liệu về hắn. Một điều tra viên khác được cử đi Hải Phòng hỏi tên Nguyễn Xuân Thành, đang chờ ngày ra pháp trường vì tội buôn bán ma túy. Trong thời gian này, các trinh sát của C17 và Công an Phú Thọ không một phút rời mắt khỏi tên Ấu. Lên Sơn La, qua xác minh thì Phạm Đình Thi được biết chắc chắn là Nguyễn Xuân Thành đã mua ma túy của Ấu và anh quay về Hải Phòng vào ngày 4/1. Tên Thành vốn lì lợm  nhưng rồi trước sự thuyết phục khéo léo của Thi, hắn đã khai ra những lần mua bán ma túy với Ấu. Và thế là ngày 6/1/2005,  Đặng Văn Ấu bị bắt.

Ròng rã hàng tháng trời, Đặng Văn Ấu cứ im như thóc. Cái gì Cơ quan Công an có đủ chứng cứ thì hắn nhận, còn thì “lắc” hết. Nhưng rồi cuối cùng, Ấu cũng khai là đã cùng Lê Văn Dũng ở huyện Mộc Châu, Trịnh Nguyên Thủy ở 3A, Láng Hạ, Hà Nội và một người khác tên là Bồng sản xuất ma túy. Để đánh giá được lời khai của Ấu đúng hay sai thật khó, bởi vì hắn cũng không biết gã Bồng này ở đâu. Lê Văn Dũng thì đã bị thi hành án tử hình 3 ngày trước khi Ấu khai. Còn Trịnh Nguyên Thủy thì đang là một “đại gia” với Khu Du lịch sinh thái và nhà hàng Sơn Thủy có tiếng ở Hà Nội. Hơn nữa các trinh sát biết Thủy là kẻ có tiền án về tội buôn bán chất ma túy cho nên hắn rất biết cách che giấu, vì vậy Ban chỉ đạo chuyên án yêu cầu “không được động” đến Thủy khi chứng cứ còn non.

Vậy là phải đi tìm gã Bồng kia.--PageBreak--

Một tổ công tác của Công an Phú Thọ và C17 đi Bắc Ninh và trong 3 ngày đã tìm ra được hết những người có tên là Bồng trong tỉnh. Trong mấy chục người tên là Bồng này thì chỉ có một Nghiêm Đình Bồng, ở thị trấn Chờ Huyện, Yên Phong là có biểu hiện “oi khói” hơn cả.  Nghiêm Đình Bồng có thời gian đi tù vì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong tù, Bồng kết nghĩa anh em với một đối tượng buôn bán ma túy tên là Nguyễn Đức Đằng... Nhưng làm thế nào để cho tên Ấu nhận diện Bồng? Ảnh trong tàng thư căn cước thì có nhưng quá cũ, còn ảnh mới thì không tìm đâu ra. Các trinh sát mất nhiều ngày mới có được tấm ảnh của hắn và khi đưa cho một số đối tượng xem thì chúng nhận ra Bồng.

...Sáng sớm ngày 26/6/2005, khi Bồng mở cửa quét sân thì các điều tra viên ập vào. Điều bất ngờ là trong nhà Bồng, Công an thu được 199kg các loại rượu ngoại với rất nhiều nhãn hiệu. Hóa ra trong nhiều năm qua, Bồng không chỉ buôn bán ma túy mà còn sản xuất rượu ngoại giả. Theo các thông tin trinh sát thì đa phần rượu ngoại đang bày bán ở các tỉnh phía Bắc là xuất xứ từ... Bắc Ninh, mà lò rượu của Nghiêm Đình Bồng là một ví dụ điển hình. Bồng nhập hương liệu rượu từ Trung Quốc và chế biến, đóng chai tại nhà. Rượu giả của Bồng được dán tem nhập khẩu rồi đem đi bán khắp nơi và một trong những nơi tiêu thụ nhiều nhất là tại nhà hàng Sơn Thủy. Có thể khẳng định rằng hầu hết rượu mà thực khách uống tại nhà hàng Sơn Thủy trong những năm qua là rượu của Bồng. Quả thật, nếu Cơ quan Công an không phát hiện ra nơi làm rượu giả quy mô lớn như thế này của Nghiêm Đình Bồng thì không ít người vẫn nghĩ rượu đang bán ngoài các cửa hàng kia là rượu thật.

Nhân đây, cũng phải nói lại một thông tin là từ cách đây 5 năm, Ủy ban Liên ngành quốc gia Kiểm soát rượu Cognac của Pháp đã thông báo cho Văn phòng Interpol Việt Nam rằng, nước Pháp chưa bao giờ cho phép một quốc gia nào được phép đóng chai các loại rượu mạnh của họ như Hennessy, Remy Martin... Khoảng 98% các loại rượu mạnh mang nhãn hiệu của Pháp, Scotland bán trên thị trường Việt Nam là rượu giả. Và có một thực tế mà những người đi nước ngoài đều biết là các loại rượu Tây bán ở chính quốc đắt hơn nhiều so với rượu bán ở Việt Nam.

Nhưng cũng phải mất 3 ngày sau thì Bồng mới khai ra Trịnh Nguyên Thủy cũng như việc chúng đã sản xuất ma túy bằng phương pháp thủ công và cũng mới chỉ ở giai đoạn “thí nghiệm”.

* * *

Từ lời khai của Nghiêm Đình Bồng,  C17 và Công  an Phú Thọ tập trung xác minh về Trịnh Nguyên Thủy và thu được khá nhiều tài liệu bất ngờ về hắn.

Trịnh Nguyên Thủy nguyên quán ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, tuy nhiên gia đình từ đời ông nội Thủy đã bỏ quê đi lập nghiệp ở Nghĩa Lộ từ năm 1946. Thủy sinh năm 1957 và là con cả trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà mẹ của Thủy làm nghề buôn cá khô ở chợ Nghĩa Lộ  và cũng đã biết đổi thuốc phiện lấy cá khô. Trịnh Nguyên Thủy làm quen với buôn bán thuốc phiện từ rất sớm khi được mẹ giao cho đi đưa hàng.

Cách đây 30 năm, Nghĩa Lộ cũng như một số tỉnh miền núi khác đã coi cây thuốc phiện là một loại cây “đặc sản A”. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chính tôi cũng đã nhiều lần mê mẩn trước vẻ đẹp rực rỡ “nên thơ” của những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn trên cao nguyên đá Đồng Văn, và nhiều nơi thuộc vùng núi phía Bắc. Tôi chẳng thể nào quên được trong cái lần cuốc bộ đi lên Lũng Cú vào năm 1983, khi đi ngang qua những nương thuốc phiện, tôi cứ bẻ lấy quả già mà người dân đã khía lấy hết nhựa, bửa ra, lấy hạt ăn. Hạt thuốc phiện giống như hạt cải, ăn bùi đáo để. Còn lên Lũng Cú, các cô giáo đã  “chiêu đãi” tôi một đĩa kẹo nấu bằng hạt thuốc phiện...

Trịnh Nguyên Thủy lấy vợ khi còn rất trẻ và có con sớm khi mới hơn 20 tuổi. Thời còn đi học, Thủy cũng tham gia xách “cơm đen” đi giao cho các mối lẻ. Năm 1988, hắn đã bị Công an Hoàng Liên Sơn ngày trước bắt về tội buôn bán thuốc phiện. Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn kết án Thủy 4 năm tù giam. Ra tù, Thủy đi buôn đá đỏ, mở hiệu vàng và... buôn ma túy. Không còn nghi ngờ gì nữa, với khoản tiền lãi khổng lồ từ buôn bán ma túy mà Trịnh Nguyên Thủy đã trở thành đại gia khi đầu tư xây dựng Khu du lịch nhà hàng Sơn Thủy.

Về cái khu du lịch này, chắc chắn sau này, Cơ quan Điều tra của Tổng cục Cảnh sát sẽ làm rõ được những sự đầu tư mờ ám và chứng minh được đó có phải là nơi tẩy rửa tiền của Trịnh Nguyên Thủy và ai nữa hay không. Nhưng cũng chẳng cần chờ Công an điều tra, chỉ nhìn vào quy mô của khu vực này cũng như những sự bất bình thường trong các hoạt động của nó thì cũng đủ biết Trịnh Nguyên Thủy ghê gớm đến mức nào.

Khi Cơ quan Điều tra đã có đủ tài liệu về Trịnh Nguyên Thủy thì hắn biến mất tăm mất tích. Trốn ra nước ngoài bằng con đường “chính ngạch" thì rõ ràng là khó bởi trước đó, Cơ quan Điều tra đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa... Và lúc này, có tin hắn đã sang Trung Quốc? Nhưng với những thông tin mà cán bộ điều tra có được thì Trịnh Nguyên Thủy chuẩn bị rất tích cực trong việc đối phó với Cơ quan Công an từ khi Đặng Văn Ấu bị bắt. Đó là việc hắn nhường quyền điều hành Công ty TNHH Sơn Thủy cho vợ, rồi hắn tung tin là đang ở Trung Quốc và có những “bác A, bác B" nào đó đỡ đầu...? Nhưng cuối cùng, hóa ra là Thủy biến đi ở với cô vợ hai, vốn xuất thân từ nghề... gội đầu và đang theo học tại chức Đại học Kinh tế quốc dân. Tối ngày 6/8, Thủy cùng cô vợ này đang chuyển nhà từ Trung Kính sang nhà mới ở khu Trung Hòa thì bị bắt.

Việc Trịnh Nguyên Thủy bị bắt đã cơ bản gây ra một sự chấn động, bởi vì hắn có quan hệ với rất nhiều người, trong đó có không ít cán bộ.

(Còn nữa)

Phần I: Sự khởi đầu của chuyên án không tên

.
.
.