"Chuyên án không tên" và "vua" ma tuý Trịnh Nguyên Thuỷ (Phần I)

Thứ Hai, 21/11/2005, 11:45

Điều tra các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, bao giờ cũng được coi là công việc "xương xẩu"  nhất của Cảnh sát điều tra. Bởi lẽ, trong quá trình điều tra, họ luôn phải đấu mưu, đấu trí với những tên tội phạm quỷ quyệt, thủ đoạn, lỳ lợm và nhiều khi chúng lại được nấp dưới những vỏ bọc hào nhoáng, thậm chí "đáng yêu".

Chính vì vậy, nếu không có sự chỉ đạo chính xác, cương quyết của các cấp lãnh đạo, không có ý thức trách nhiệm cao của từng cán bộ điều tra, trinh sát thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ. Những câu chuyện dưới đây sẽ minh chứng cho điều đó.

Phần I. Sự khởi đầu của “Chuyên án không tên”

Tôi muốn mở đầu phóng sự này bằng lời nói của Đại tá Triệu Văn Đạt - Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của chuyên án này, nhưng  ngoài sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của lãnh đạo Tổng cục CSND và các đơn vị nghiệp vụ thì quan trọng nhất đó là sự phối hợp, hỗ trợ hết sức có trách nhiệm của công an các tỉnh Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Hà Tây, Hòa Bình, Hải Phòng, và đặc biệt là tôi muốn gửi lời cảm ơn cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nếu không có sự hỗ trợ này, thì anh em chúng tôi dù có cố gắng đến mấy, cũng khó có thể hoàn thành được tốt nhiệm vụ.

Lúc đó, thú thật là tôi cũng nghĩ rằng Giám đốc nói “ngoại giao”, nhưng đến khi gặp gỡ với những cán bộ đã trực tiếp  điều tra, bắt giữ các đối tượng và nghe anh em kể lại quá trình phá án thì mới thấy sự thật lòng của Đại tá Đạt. Vậy chuyên án này bắt đầu từ đâu? Và tại sao lại gọi là “Chuyên án không tên”?

Thật ra chuyên án này có bí số hẳn hoi nhưng do Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17) đặt, còn với Công an Phú Thọ, khi được giao nhiệm vụ điều tra vụ án này thì có lẽ do “vội” hay vì lý do gì đó  mà cứ dùng  tên bí số của C17 đặt. Vì  không có tên riêng cho nên anh em cứ gọi là “Chuyên án không tên”.

Sau này, trong lịch sử Công an Việt Nam sẽ có những dòng xứng đáng ghi về chiến công triệt phá một đường dây buôn bán, vận chuyển tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn nhất từ xưa tới nay của Công an tỉnh Phú Thọ.

Chỉ riêng giai đoạn 1 của của vụ án, đã đưa 22 bị cáo ra xét xử và số này đã nhận là mang vào Việt Nam 1.479,27 bánh hêrôin, 18,8kg thuốc phiện và 300 viên hồng phiến. Giai đoạn 2 của vụ án với những nhân vật cộm cán như Trịnh Nguyên Thủy, Nghiêm Đình Bồng, Đặng Văn Ấu... thì đang được các Cơ quan điều tra của Tổng cục CSND làm rõ.

Với Công an tỉnh Phú Thọ, chuyên án này bắt đầu từ 22 giờ 55 phút ngày 15/11/2003. Hôm đó, theo yêu cầu của C17, Phòng PC17 của Công an tỉnh Phú Thọ cùng với CSGT kiểm tra một xe du lịch mang biển số 29L.0803 tại địa phận xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lái chiếc xe này là Trần Văn Long, có hộ khẩu tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Người thuê xe là Kim Văn Phương, cũng cùng xã với Long. Khám chiếc cặp có khóa số của Phương,  thấy có hai gói bột trắng và một gói “chất keo màu đen”. Với con mắt nghề nghiệp thì chẳng cần giám định, anh em công an cũng biết đó là hêrôin và thuốc phiện. Đem cân lên thì số hêrôin là một gói có 53,7gr, một gói nhỏ là 0,81gr; còn  gói "keo” kia là 1.292,24gr...

Vụ việc xem ra cũng đơn giản bởi vì đối tượng bị bắt quả tang, số lượng hàng không lớn... Địa bàn bắt giữ lại thuộc Phú Thọ cho nên C17 giao cho Công an Phú Thọ khởi tố đối với Kim Văn Phương. Nhưng khi trao đổi với Giám đốc Triệu Văn Đạt, lãnh đạo C17 cho biết là  đơn vị đang có một chuyên án lập từ tháng 5/2003 và mặc dù đã tập trung rất nhiều lực lượng, thời gian nhưng chưa thấy “tia sáng” nào? Vì thế, lãnh đạo C17 rất hy vọng Công an Phú Thọ “ra tay”, mở rộng điều tra...

Các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra Công an Phú Thọ có thành tích xuất sắc trong chuyên án.

Là một cán bộ công an từng có nhiều năm làm điều tra nên Giám đốc Triệu Văn Đạt thấy ngay những khó khăn của việc điều tra mở rộng vụ án. Thứ nhất, đây là loại án truy xét, việc truy lùng các đối tượng trong đường dây phụ thuộc vào lời khai của các đối tượng bị bắt, nhưng lại phải có tài liệu, chứng cứ phù hợp với những lời khai đó. Mà để có những lời khai “tử tế” của những tên có “thâm niên” buôn ma túy, thì rõ ràng là không đơn giản.

Thứ hai, đối tượng bị bắt chỉ có một Kim Văn Phương - và như vậy cũng có nghĩa là chỉ có một lời khai. Và cuối cùng là có một số đối tượng nghi trong đường dây này thì đã vĩnh viễn không nói được nữa, bởi chúng đã phải ra dựa cột.

Biết sẽ là phải “đáy bể mò kim” nhưng Giám đốc Triệu Văn Đạt vẫn quyết tâm giao cho chỉ huy Phòng PC17 lập kế hoạch mở rộng điều tra. Thượng tá Vũ Đình Quang, Trưởng phòng quyết định báo cáo Giám đốc lập một tổ điều tra dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Đình Lập. Thiếu tá Lập từng là bộ đội của Sư đoàn 325 tham gia Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 cho nên cái chất lính trong con người anh vẫn còn hăng lắm khi phải đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm. Một số "tên tuổi lớn” của đơn vị như Trần Trung Toản, Phạm Đình Thi, Đỗ Chí Dũng, Bùi Ngọc Nam, Bùi Thanh Hải, Bùi Duy Long... được điều vào tổ công tác đặc biệt này.

Việc đầu tiên của tổ là về C17 nghiên cứu hồ sơ các đối tượng có khả năng liên quan đến đường dây này, đồng thời tập trung xét hỏi Kim Văn Phương...

Hai ngày sau khi bắt tên Kim Văn Phương hắn đã khai ra là mua ma túy của Giàng A Hua ở thị trấn Mộc Châu  (Sơn La). Ngay lập tức, Thiếu tá Lập chỉ huy tổ công tác đi Mộc Châu. Thấy bảy anh em (mà ai cũng to con) lèn vào chiếc xe Uoát, Giám đốc Triệu Văn Đạt ra lệnh điều thêm chiếc xe Land Cruise chỉ phục vụ cho Ban giám đốc khi đi vùng sâu vùng xa, chở anh em đi. Nhưng rồi Phòng Hậu cần Công an tỉnh cũng đã xếp cho anh em đi bằng một chiếc 12 chỗ.

Lên đến Mộc Châu, các anh được sự giúp đỡ hết sức tận tình của Ban chỉ huy Công an huyện. Cũng phải nói thêm là có lẽ Công an huyện Mộc Châu là đơn vị phải đón khách nhiều nhất... toàn quốc, bởi một lẽ đơn giản là, bao năm vùng thảo nguyên châu Mộc này trở thành điểm nóng về buôn bán vận chuyển ma túy. Hầu như không mấy ngày là không có công an của các tỉnh, thành phố đến đề nghị phối hợp truy bắt đối tượng hoặc đề nghị giúp đỡ xác minh...

Đến nơi, tên Hua không có nhà và cũng không ai biết hắn đi đâu. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Trong mấy ngày cùng với các trinh sát của Phòng 2, C17 đi xuống các làng bản, các anh được nhân dân cho biết là Giàng A Chu, ở bản Pa Khen, anh trai Hua, mới là “con cá lớn”. Có nguồn tin nói là Chu vừa đi “giao hàng” ở Hà Nội về. Nhưng bắt Giàng A Chu quả là khó khăn và nguy hiểm. Vào tận nhà hắn thì dễ, nhưng bắt được hắn đã khó mà đưa được ra lại còn khó gấp bội, vì sẽ vấp phải sự phản ứng của người thuộc dòng họ trong bản và của các đối tượng cùng hội với hắn. Cho nên, để đảm bảo an toàn thì cần phải “điều" hắn ra xa bản mà bắt.--PageBreak--

Biết hắn không có nhà, nên Thiếu tá Phạm Đình Thi và các trinh sát của Phòng 2, C17 quyết định đón bắt hắn ở một nơi cách bản 3 cây số. Mấy anh em chờ từ 7 giờ cho đến khi trời gần sập tối mà vẫn không thấy hắn xuất hiện. Mấy anh em quyết định mạo hiểm là vào nhà hắn. Trên đường tới bản, khi ngang qua một quán thịt chó, phát hiện thấy xe máy của hắn bên ngoài quán, lập tức, các anh quyết định bắt ngay. Trong vai những khách tới ăn, các anh vào quán và phát hiện ra Chu đang ngồi uống rượu với mấy người khác. Không để cho hắn kịp nhìn kỹ mấy ông khách lạ, Thiếu tá Thi lao vào quật hắn xuống và hai đồng chí trinh sát của C17 kịp thời nhảy vào giúp anh. Nhưng hắn quá khỏe nên không thể nào còng tay hắn được và trước nguy cơ hắn vùng chạy được, Thi quyết định dùng súng bắn đạn hơi cay để vô hiệu hóa sự chống cự của hắn. Khi đã khóa được tay hắn thì họ hàng của tên Chu kéo đến đông nghịt. Các anh phải yêu cầu chủ quán đóng cửa khóa trái lại, đóng kín hết các cửa sổ và rút lên gác cố thủ chờ viện binh tới. Nhận được tin báo khẩn cấp, đồng chí Tạ Ngọc Ân, Phó Công an huyện vét hết quân cùng với Thiếu tá Lập đến giải vây. Đồng chí Ân trực tiếp đứng ra giải thích cho bà con và chỉ huy anh em bảo vệ đưa tên Chu ra xe.

Không thể đưa tên Chu vào tạm giữ vì vào thời điểm đó, công tác kiểm sát giam giữ được Viện Kiểm sát các cấp thực hiện rất nghiêm và những quy định trong việc bắt giam giữ cũng rất nhiêu khê, lắm thủ tục. Trong trường hợp bắt khẩn cấp tên Chu thì khi chưa có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát, không được đưa hắn vào nhà tạm giữ. Mà để có được phê chuẩn, lại phải mang hồ sơ, tài liệu chạy từ Sơn La về Phú Thọ... Trong khi đó, anh em điều tra hiểu hơn ai hết là khi đã bắt một tên trùm sỏ trong đường dây thì có nghĩa là đã động đến các đối tượng khác và phải chạy đua với thời gian... (rất may là bây giờ thì cũng đã có thay đổi quy trình tố tụng, với các đối tượng nguy hiểm khi bắt khẩn cấp, trong khi chờ Viện Kiểm sát phê chuẩn cũng có thể “gửi” vào nhà tạm giữ).

Bởi vậy các anh đưa tên Chu vào khách sạn Công đoàn và thuê một phòng ở chung (để còn canh gác). Nhận được tin bắt được tên Chu, Giám đốc Triệu Văn Đạt chỉ đạo phải tập trung xét hỏi ngay, không để cho hắn hoàn hồn... Quả nhiên, đến nửa đêm thì tên Chu khai ra là đã bán hêrôin cho tên Lê Ngọc Toản ở Văn Mỗ, thị xã Hà Đông (Hà Tây). Không phút chậm trễ, Giám đốc Triệu Văn Đạt báo cáo lãnh đạo C17 cho mời đại diện Viện Kiểm sát tới và quyết định bắt ngay tên Toản. Lời khai của tên Chu cũng tương đối phù hợp với các tin trinh sát mà Cục C17 có được về tên Toản. Thượng tá Vũ Đình Quang chỉ huy một tổ đi bắt tên Toản ở Hà Đông. Được sự phối hợp của Công an tỉnh Hà Tây, đến 4 giờ sáng, các anh đã bao vây nhà tên Toản và 5 giờ sáng, khi hắn vừa ra ở cửa thì anh em ập vào... Tập trung khai thác tên Toản, Công an Phú Thọ lần cả một đường dây gồm 21 tên.

Giàng A Chu trước vành móng ngựa.

Có thể nói, việc bắt tên Chu là thể hiện rõ ràng nhất cho sự nhạy bén, dám tấn công tội phạm của anh em trong tổ công tác và tinh thần cương quyết của Ban giám đốc. Từ tên Chu, các điều tra viên đã tìm ra điểm đột phá quan trọng nhất cho cả Chuyên án sau này.

Chỉ trong giai đoạn 1 của “Chuyên án không tên”, Công an Phú Thọ đã bắt 53 tên mà không để xảy ra thương vong. Đó là một thành tích rất xuất sắc, thể hiện sự mưu trí, thiện chiến của từng cán bộ điều tra và sự phối hợp rất trách nhiệm của các đơn vị khác.

Có nhiều việc xảy ra mà đến bây giờ, có những lúc anh em vẫn tự hỏi là không hiểu lúc đó lấy đâu ra sức lực, lấy đâu ra sự minh mẫn... Một trường hợp điển hình là lái xe Nguyễn Quang Minh. Minh là một lái xe kỳ lạ, bởi vì trên đời này, anh mê mỗi một loại xe là... Uoát! Khi chúng tôi hỏi rằng vì sao anh “yêu” cái “thằng” Uoát, trong khi nhiều người gọi nó là “Uuất” thì anh cười và khẳng định: Không có xe nào bám đường, leo đèo, lội suối, vượt lầy giỏi hơn xe Uoát, kể cả xe Land Cruise. Trong lần đi bắt đối tượng Nguyễn Thị Hồng ở Nam Định, chỉ trong vòng 20 giờ đồng hồ, Minh đã phải lái xe vừa đi vừa về... 4 lần trên quãng đường Việt Trì - Nam Định. Chiều dài của 4 lần khoảng gần... 700km! Theo tôi, đó là một kỳ tích, bởi vì anh phải lái xe chạy xuyên qua những vùng dân cư đông đúc mà lại là xe... Uoát.

Hơn một năm trời, anh em trong tổ công tác của Thiếu tá Lập hầu như không biết ngày nghỉ. Không phải đi bắt, đi xác minh thì lao vào xét hỏi... Mà càng đi lắm càng bị vợ con cằn nhằn.

Có câu chuyện thật rằng một hôm, Thiếu tá Trần Trung Toản, Đội phó Đội điều tra thẩm định án là thành viên của tổ công tác đến gặp Trưởng phòng Vũ Đình Quang và Thiếu tá Lập xin được ra khỏi tổ. Và theo như Thiếu tá Lập kể lại cho chúng tôi thì lý do Toản trình bày lúc đó rất chi là “văn chương”. Rằng được tham gia chuyên án này là vinh dự; rằng chuyên án như “hoa thơm”  Toản đã “ngửi" lâu rồi, nay nên để cho mỗi anh em “ngửi” một tí, như thế mới đảm bảo “không sợ thiếu mà chỉ sợ không... công bằng”... Nhưng khi Toản nói thật là 4 tháng rồi, không đưa cho vợ được đồng nào vì bao nhiêu lương đều cho vào công tác hết... thì Thượng tá Quang và Thiếu tá Lập cũng không biết an ủi, động viên thế nào nữa. Thôi thì cũng chỉ biết bảo nhau “cố cho xong”. Thế mà khi thấy những đối tượng trong giai đoạn 2 của vụ án như Trịnh Nguyên Thủy, Nghiêm Đình Bổng, Đặng Văn Ấu... được di lý đi nơi khác và nhiệm vụ của các anh đã hoàn tất thì các anh lại có cảm giác... hơi buồn.

Cũng theo Thiếu tá Lập thì với anh điều tra tội phạm ma túy, cái khó nhất hiện nay không thể khắc phục được là hầu hết anh em đều biết tí chút  ngoại ngữ nhưng không biết... “nội ngữ”. Ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp... thì anh nào cũng có tí bằng B, bằng A... Nhưng “nội ngữ” là tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Mường... thì mấy ai biết đâu. Trong khi đó, đa phần các đối tượng buôn bán ma túy ở vùng cao là người dân tộc, trao đổi với nhau là dùng “nội ngữ”, cho nên khi đi bắt các đối tượng này, nếu không có “phiên dịch” thì phiền hà lắm...

Từ thực tế này, nên chăng có chính sách khuyến khích, vận động anh em điều tra, an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc học “nội ngữ” và coi  “có giá trị” bằng (hoặc hơn)  những thứ tiếng Tây nào đó thì càng tốt.

Giai đoạn 1 của vụ án đã kết thúc, còn để làm giai đoạn 2 với những nhân vật như Trịnh Nguyên Thủy, thì lại còn lắm chuyện như "huyền thoại"

(còn nữa)

.
.
.