Vỡ hụi ở vùng quê miền Tây:

“Chủ nợ” của người này nhưng lại là “con nợ” người khác (!)

Thứ Tư, 05/12/2018, 07:55
Tại các vùng quê Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra các vụ vỡ hụi. Nhiều vụ vỡ hụi lên đến hàng chục tỷ đồng, gây chấn động. Nhiều người vì ham lời, vay mượn chơi hụi chờ “hốt cú chót” thì chủ hụi vỡ nợ, dẫn đến trắng tay.


Từ đầu năm 2018 đến nay, tại Trà Vinh, có khoảng 1.500 người bị giật hụi, với số tiền trên 60 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến sự việc do chủ hụi mất cân đối trong sử dụng tài chính. Có những trường hợp giật hụi dây chuyền, người chơi đã hốt hụi không đóng hụi chết. Chủ hụi buộc phải bỏ tiền choàng hụi giữ uy tín, đến một thời điểm không đủ khả năng nữa đã lập ra các dây hụi “ma”, “hụi khống”. Chủ hụi huy động tiền, rồi sau đó tuyên bố “vỡ hụi” hoặc ôm tiền bỏ trốn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp “tan nhà, nát cửa” vì bị giật hụi, bể hụi với số tiền hàng tỷ đồng.

Từ năm 2006, Võ Thị Ngọc Yến (ngụ huyện Càng Long) tổ chức các dây hụi ngày, hụi tháng thu hút hụi viên tham gia. Sau thời gian, Yến có uy tín và tổ chức các dây hụi lớn. Từ đầu năm 2017 đến khi bị bắt giữ vào giữa tháng 9-2018 vừa qua, Yến đã tổ chức khoảng 100 dây hụi.

Thời điểm vỡ hụi, còn 69 dây hụi chưa kết thúc. Cơ quan điều tra xác minh làm rõ, Yến kê tên khống 33 phần hụi và đã hốt 32 phần, chiếm đoạt 950 triệu đồng. Yến tự ý lấy tên hụi viên hốt 124 phần hụi, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng… rồi tuyên bố vỡ hụi.

Công an Trà Vinh khởi tố bị can đối với bà Võ Thị Ngọc Yến (X).

Qua các vụ vỡ hụi cho thấy, người chơi hụi thường có mối quan hệ thân quen, bạn bè, láng giềng nên rất tin tưởng vào chủ hụi. Họ không thường xuyên đi khui hụi nên không nắm rõ hoặc không liên hệ với những người cùng tham gia, đến khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi hoặc bỏ trốn thì đã quá muộn.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp vừa khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại huyện Lấp Vò. Hơn 20 người dân trình báo đến cơ quan chức năng, số tiền vỡ hụi và vay mượn “đáo hạn ngân hàng” của chủ hụi lên đến hàng chục tỷ đồng. Bà Chế Hồng Khởi (50 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò) kể, bà mua dây hụi với 28 phần (mỗi phần, 20 triệu đồng), với số tiền hơn 400 triệu đồng do bà N.T.T.N (47 tuổi) và chồng là N.V.N (55 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò) làm chủ. Nếu thuận lợi, đến mãn dây hụi, bà Khởi bỏ túi gần 100 triệu đồng.

“Chủ hụi lấy tiền tôi mua hụi, giao cho 2 người khác, rồi sau đó tuyên bố vỡ hụi”, bà Khởi nói. Theo người phụ nữ này, để có số tiền hơn 400 triệu đồng mua hụi đã gom tiền tích góp, vay thêm ngân hàng 250 triệu đồng. Chủ hụi tuyên bố vỡ nợ. Bà Khởi chưa biết có thể lấy lại được số tiền trên hay không, nhưng mỗi tháng phải xoay tiền đóng lãi ngân hàng.

Vợ chồng anh Chế Hữu Bình (ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) tham gia chơi hụi với bà N.T.T.N, khoảng gần 3 năm nay. Tháng 7-2017 vừa qua, bà N.T.T.N tuyên bố vỡ hụi. Vợ chồng anh Bình cho biết, tham gia 6 dây hụi. Có 2 phần hụi 20 triệu, 3 phần hụi 10 triệu và một phần hụi 5 triệu. “Dây hụi nào cũng chỉ còn vài lần nữa là đến hốt chót, nào ngờ bả tuyên bố vỡ hụi”, vợ anh Bình.

Còn vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Tú (35 tuổi) kể, gia đình cầm cố hơn 2ha đất cho ngân hàng, vay hơn một tỷ đồng để mua bò giống. Nghe bạn bè rủ rê, hai vợ chồng tham gia chơi hụi thì lâm vào cảnh trắng tay. Các hụi viên cho biết, vợ chồng bà N.T.T.N làm chủ hụi nhiều năm nay, giao tiền đúng hẹn nên rất uy tín, thu hút nhiều người tham gia.

Chẳng ai ngờ, bà N.T.T.N tuyên bố vỡ nợ, khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Người ít cũng vài trăm triệu đồng, còn nhiều lên đến tiền tỷ. Chị Ngô Thị Mỹ Em bức xúc, chị tham gia một phần hụi 10 triệu đồng do bà N.T.T.N tổ chức. Nhưng khi vỡ hụi, chị tìm hiểu thì phát hiện tên mình có trong danh sách dây hụi 20 triệu đồng.

Các hụi viên nghi ngờ, chủ hụi lấy tên họ đưa vào các danh sách khống, nhằm mục đích hốt hụi và chiếm đoạt tài sản. Không chỉ bị giật tiền hụi, nhiều người cho vợ chồng bà N.T.T.N vay tiền “đáo hạn ngân hàng” và đứng trước nguy cơ mất số tiền lớn.

Thượng tá Trần Văn Đấu, Phó chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, việc góp hụi là tự nguyện của một nhóm người, nhằm tích lũy tạo thu nhập cho gia đình. Số tiền tích lũy thu được tương đối cao, người dân ham lợi tham gia góp hụi nhiều.

Trong khi đó, nhiều người không am hiểu về mặt pháp luật, thiếu cảnh giác, tin tưởng vào chủ hụi. Chủ hụi lợi dụng điều tra, tự ý hốt hụi của hụi viên, đưa tên khống vào để hốt hụi, rồi bán hụi khống cho người khác chiếm đoạt tài sản. Hiện nay đã có quy định cụ thể về hụi (tại Nghị định 144 của Chính phủ), nhưng những người tham gia chơi hụi thường không biết hoặc không quan tâm. Chỉ đến khi vỡ hụi, họ mới trình báo đến cơ quan Công an.

Những tranh chấp xảy ra về hụi thường thiếu căn cứ pháp lý. Chủ hụi và các hụi viên thỏa thuận bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Có những trường hợp, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả cho hụi viên và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì vậy, cơ quan tố tụng rất khó chứng minh, vì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xem đó là tranh chấp dân sự.

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân chơi hụi phải chọn chủ hụi uy tín và có tài sản đảm bảo, không đánh giá qua sự hào nhoáng, khuếch trương thanh thế bên ngoài. Hụi viên phải biết rõ những người cùng tham gia, tránh trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong thì bỏ trốn không đóng hụi chết.

Việc chơi hụi phải lập sổ sách rõ ràng, chính xác và chi tiết về diễn biến dây hụi. Ngoài số liệu liên quan đến tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi, các hụi viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp.

Đây sẽ là những chứng cứ quan trọng, cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi.

Văn Vĩnh – Nguyễn Kha
.
.
.