Chồng bị tạm giam, vợ vẫn tìm cách có thai để “né” luật pháp

Chủ Nhật, 02/07/2017, 09:05
Đây là vụ án nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Đối tượng phạm tội là người có trình độ nghiệp vụ kế toán, đã lợi dụng lòng tin, sự quản lý lỏng lẻo về kinh tế của Công ty TNHH Kee Eun Việt Nam (Công ty Kee Eun); sử dụng một cách có hệ thống và tinh vi các giấy tờ có chữ ký của Kim để lập khống các hợp đồng nhằm chiếm đoạt của công ty.

Khi bị cơ quan điều tra phát hiện vi phạm, đối tượng Vũ Đại Lâm (45 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đại Hưng, nay là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu D&S Việt Nam) phản cung, khai báo gian dối; Trần Thị Minh Huệ đã liên tục có thai, ngay cả khi chồng đang bị tạm giam nhằm trốn tránh cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn... Nhưng hành vi gian dối của hai đối tượng đã bị lật tẩy.

Trần Thị Minh Huệ.

Giám định tuổi mực, phát hiện tội phạm

Gần 3 năm kiên trì đấu tranh, ngày 1-7, sự vất vả của Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (PC 46) Công an tỉnh Phú Thọ và các cán bộ Đội 5 đã làm rõ hành vi phạm tội của vợ chồng Huệ, Lâm.

Gần 3 năm trước, ông Kim Han Yong (ông Kim), Tổng Giám đốc Công ty Kee Eun có đơn gửi đến Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ, tố cáo Huệ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng.

Vào thời điểm đó, Công ty Kee Eun và ông Kim, không đưa ra được các căn cứ và tài liệu chứng minh và không xác định được cụ thể từng món tiền bị mất. Nạn nhân chỉ dựa vào việc cân đối hoạt động tài chính của công ty trên tài khoản tại ngân hàng và sổ tay cá nhân để xác định bị thiếu hụt tiền sau khi chị Huệ tự ý nghỉ việc...

Quá trình xác minh, Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lâm và Huệ nhưng sau đó đã phải điều tra bổ sung.

Để chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huệ và Lâm, Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt và các đồng đội phải tốn rất nhiều công sức. Hợp đồng lao động giả số 017/08/KE-HĐLĐ ngày 1-9-2015 do Huệ lập ra để chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng của Công ty Kee Eun là một ví dụ.

Anh nhớ lại: Thời điểm tháng 12-2011 (trước khi Huệ tự ý nghỉ việc tại Công ty Kee Eun), đối tượng đã làm thủ tục chuyển 1,6 tỷ đồng từ tài khoản vay của công ty này sang tài khoản cá nhân của Huệ tại Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV, chi nhánh Phú Thọ với nội dung “thanh toán lương”...

Sau khi nhận được đơn của ông Kim, Phòng PC 46 tiến hành triệu tập, Huệ phủ nhận hoàn toàn hành vi phạm tội. Chị ta khẳng định rằng đó là hợp đồng trên là có thật. Ngược lại, người có đơn tố cáo là ông Kim lại phủ nhận hoàn toàn sự việc trên.

Cái khó của điều tra viên khi xác minh vụ án này là con dấu của Công ty Kee Eun trên các hợp đồng là con dấu thật. Ông Kim đã đưa ra dẫn chứng về sự giả tạo đó là đối tượng Huệ đã sử dụng biểu mẫu hợp đồng lao động với người nước ngoài tại Việt Nam và các bản giấy (chưa có nội dung) đã có sẵn chữ ký khống của ông Kim để lập bộ hợp đồng trên...  nhưng Huệ vẫn không tâm phục, khẩu phục.

Chị ta leo lẻo chối tội và trước sau đều không hợp tác. Cái khó của Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ là phải chứng minh rằng chữ ký của Huệ có trước hay sau thời điểm con dấu được đóng.

Vào thời điểm đó, một số yêu cầu của Cơ quan điều tra Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ chưa thể thực hiện được. Vì thế, các trinh sát phải lặn lội đi tìm các đơn vị có khả năng...

Với kết quả giám định tuổi mực trên tài liệu là hợp đồng lao động số 017, xác định chữ viết và chữ ký mang tên Trần Thị Minh Huệ trong hợp đồng lao động số 017 giữa Công ty Kee Eun với Huệ không được viết và ký vào tháng 9-2005. Chữ viết và chữ ký này được ký vào tháng 1-2009, hành vi phạm tội của đối tượng mới được làm rõ.

Bố chồng đưa đơn trình báo con dâu có thai khi con trai đang bị tạm giam

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ còn làm rõ, ngoài hành vi trên, Huệ còn câu kết với chồng là Lâm, lập hợp đồng vay tiền giả số 02, chiếm đoạt 5,6 tỷ đồng của Công ty Kee Eun.

Được biết, từ năm 2005 đến 2011, ông Kim đã nhiều lần xuất cảnh ra khỏi Việt Nam. Để không gián đoạn các hoạt động của Công ty, ông Kim thường ký khống vào các chứng từ, ủy nhiệm chi, các giấy trắng (chưa có nội dung) giao cho các nhân viên, bộ phận kế toán, văn phòng để họ sử dụng trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, các giao dịch chuyển khoản, thanh toán với khách hàng; thu chi tiền mặt. Đây chính là lỗ hổng để Huệ và chồng câu kết thực hiện hành vi phạm tội...

Cùng thời gian này, Công ty TNHH Thương mại Đại Hưng do Lâm làm giám đốc kinh doanh thua lỗ nên anh ta bàn với Huệ (lúc đó là kế toán Công ty Kee Eun) lập khống chứng từ chuyển tiền của Công ty Kee Eun sang Công ty Đại Hưng tháo gỡ những khó khăn trước mắt và sẽ trả lại khi sản xuất ổn định, làm ăn có lãi và đã được Huệ đồng ý. Sau đó, Huệ đã chuyển tiền từ Công ty Kee Eun về Công ty Đại Hưng với nội dung thanh toán tiền ăn ca và dịch vụ vận chuyển.

Số tiền Huệ chuyển về, Lâm đã sử dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Đại Hưng. Nhưng do sản xuất, kinh doanh ngày càng thua lỗ nên không có khả năng chi trả lại tiền cho Cong ty Kee Eun.

Chính vì thế, Lâm đã bàn với Huệ bỏ việc tại Công ty Kee Eun và lập hợp đồng giả về việc cho ông Kim vay tiền để chiếm đoạt số tiền trên. Hợp đồng này cùng toàn bộ các chứng cứ, tài liệu kèm theo theo Huệ đã đưa cho Lâm ký vào tháng 12-2011.

Về phần Huệ, để hợp thức hóa số tiền trên, đối tưọng đã sử dụng các ủy nhiệm chi của Công ty Kee Eun (chưa có nội dung) đã được ông Kim ký khống để đến ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Kee Eun sang Công ty Đại Hưng.

Các giao dịch này, Huệ không hạch toán, theo dõi trên hệ thống sổ sách của Công ty nên ông Kim không phát hiện được...

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Phòng PC 46 xác định Huệ và Lâm đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Xuân Mai
.
.
.