Chỉ có 7 bị can bị truy tố trong vụ “Quán Tre”

Thứ Sáu, 29/08/2008, 11:53
Sáng 28/8, tại trụ sở Cơ quan CSĐT Bộ Công an tại TP HCM, Vụ 1B, Viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định truy tố 7 bị can trong vụ chia chác đất "chuyên dùng" tại khu vực Đài phát sóng Quán Tre, quận 12, TP HCM cho 77 hộ dân làm nhà ở gây thiệt hại lớn cho Nhà nước ra trước TAND TP HCM để xét xử.
>> Vụ "Quán Tre": Viện KSND tối cao đề xuất miễn trách nhiệm hình sự 8 bị can

Trong số 7 bị can được VKS tống đạt cáo trạng thì Hồ Trọng Hiếu, Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Hồ Văn Hiếu, Trần Văn Lực và Nguyễn Ngọc Lịch bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; riêng Nông Quốc Tuấn bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo nội dung cáo trạng của Viện KSND tối cao thì, từ năm 1992 đến 1997, trong khi không có thẩm quyền giao đất cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở nhưng Hồ Trọng Hiếu - Giám đốc; Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn đều là Phó Giám đốc Đài phát sóng, phát thanh Quán Tre (PSPTQT) đã xét duyệt và quyết định cấp đất chuyên dùng trái với quy định của pháp luật cho 77 hộ dân làm nhà ở trong khu vực Đài PSPTQT. Dẫn đến hậu quả 14.440m2 đất "chuyên dùng" của Nhà nước thoát khỏi sự quản lý của Đài PSPTQT.

Ngoài ra, Giám đốc Hồ Trọng Hiếu còn có hành vi hợp pháp hóa việc chia đất trái phép, có động cơ vụ lợi như: Tự chia cho mình nhiều đất, cấp đất cho 15 người không phải là cán bộ công nhân viên của Đài PSPTQT, cấp đất cho cả con trai mình là Hồ Trọng Ng. khi mới 15 tuổi và chưa vào làm việc cho Đài PSPTQT.

Hai Phó Giám đốc Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn cũng được hưởng diện tích đất lớn, riêng bị can Thăng còn chia đất cho con gái là Cao Thu T. khi cô bé này mới 15 tuổi…

Hành vi của ba bị can trên đã phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong đó Hồ Trọng Hiếu là người cầm đầu, ra chủ trương và thực hành tích cực phải chịu trách nhiệm với vai trò chính, Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn là đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực.

Đối với Hồ Văn Hiếu, nguyên Phó phòng Tài chính quận 12, Trưởng Ban thẩm định bồi thường thiệt hại; Trần Văn Lực - nguyên Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc quận 12; Nguyễn Ngọc Lịch, Phó Chủ nhiệm điều hành Ban quản lý đường Xuyên Á.

Cả ba bị can này đều là các thành viên Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận 12 đã vi phạm các điều 6, 10, 13 của Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ trong việc đề xuất áp giá đền bù cho 12 hộ dân từ đất "chuyên dùng" sang giá "đất ở" gây thiệt hại cho Nhà nước 5.534.275.500 đồng và đề xuất đền bù về tài sản cao hơn quy định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 883 triệu đồng.

Hành vi của Hồ Văn Hiếu, Trần Văn Lực và Nguyễn Ngọc Lịch đã bị Viện KSND tối cao truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng Nông Quốc Tuấn là người thuê cây xăng của Đài PSPT Quán Tre đã có hành vi lập khống hồ sơ thiết kế và kết quả thẩm định giả để đưa vào hồ sơ đền bù giải tỏa, nhằm nâng khống giá trị đền bù chiếm đoạt của Nhà nước 415.460.514đ. Hành vi của Nông Quốc Tuấn đã bị Viện KSND tối cao truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cũng theo nội dung cáo trạng của Viện KSND tối cao thì các ông Hoàng Bạn, Huỳnh Phú Sang, Đỗ Phi Hùng, Vũ Hùng Việt đã có sai phạm trong việc đề xuất và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Tư, Hồ Trọng Hiếu và bà Phùng Thị Nguyệt Ánh là sai quy định.

Tuy nhiên, xét chưa đến mức xử lý về hình sự nên Viện KSND tối cao đã đề nghị chuyển cơ quan chủ quản xử lý nghiêm về mặt hành chính.

Cũng trong vụ án này, ngày 3/4/2006, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Hoài Trung nguyên Chủ tịch UBND quận 12, TP HCM, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngày 4/8 vừa qua, Viện KSND tối cao đã ra Quyết định đình chỉ vụ án miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Hoài Trung với các lý do: Các sai phạm trong việc áp giá và ký đề xuất đền bù của bị can Lê Hoài Trung là do cấp dưới tham mưu đề xuất sai. Mặt khác xuất phát từ động cơ muốn thúc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trong dự án đường xuyên Á tại TP HCM, bảo đảm tiến độ dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong quá trình công tác tại địa phương, ông Lê Hoài Trung có nhiều đóng góp, sau khi phát hiện sai phạm đã có trách nhiệm trong việc thu hồi số tiền bị thất thoát. Vì vậy xét không cần thiết phải truy tố.

Quyết định cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp của ông Lê Hoài Trung theo đúng quy định của pháp luật

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.