Chân dung "đại gia" cờ bạc số 1 Việt Nam qua những lá thư

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:33

"Kính gửi ông Đại tá Trần Văn Nho. Tôi xin phản ánh với ông vấn đề hiện đang bức xúc… để đánh lại bọn quan tham, để gìn giữ kỷ cương phép nước và để hình ảnh người Công an đẹp trong lòng dân...”. Chuyên án "đặc biệt" bóc gỡ hàng loạt vụ việc nổi cộm, liên quan đến hàng chục đối tượng với các dự án hàng nghìn tỷ đồng đã được bắt đầu từ một lá thư tố cáo.

Lịch sử điều tra án hình sự, kinh tế của Việt Nam qua các thời kỳ đã chứng kiến rất nhiều những vụ án cờ bạc lớn. Tuy nhiên, cờ bạc liên quan đến cá độ bóng đá, liên quan đến những bê bối về kinh tế, tham ô, tham nhũng và gây thất thoát đến hàng triệu USD thì có lẽ mới chỉ được biết đến kể từ sau vụ án Bùi Quang Hưng - Bùi Tiến Dũng - Nguyễn Việt Tiến.

Vụ án về những tiêu cực xảy ra tại Ban Quản lý các dự án 18 (PMU18 - Bộ GTVT) đã đi được 2/3 chặng đường. Nhiều bị can liên quan đã phải "xộ khám" trong đó có người giữ chức vụ cao như ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT; Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc PMU18… hàng chục đối tượng tên tuổi khác bị khởi tố bị can tại ngoại. Đằng sau vụ án lớn này, những câu chuyện không có trong hồ sơ, những gian truân vất vả mà cán bộ lãnh đạo, trinh sát, điều tra viên Cục CSĐT tội phạm hình sự (C14 - Bộ Công an) từng trải qua sẽ được chúng tôi chuyển tải đến bạn đọc trong loạt bài điều tra dài kỳ này.

Bí ẩn về "lá thư nặc danh" chưa từng công bố

Xin được bắt đầu toàn bộ những bí ẩn chưa hề biết của vụ án lớn và cực kỳ nghiêm trọng này bằng chính một chuyện đã được các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, CQĐT chú ý và khai thác triệt để hiệu quả: Một lá thư nặc danh tố cáo đường dây cờ bạc bằng hình thức cá độ bóng đá.

Hôm đó là ngày 24/8/2005, Đại tá Trần Văn Nho (nay là Thiếu tướng), Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an, vừa vào phòng làm việc của mình ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát tại số 40 Hàng Bài (Hà Nội) thì được văn thư chuyển đến cho một lá thư. Mải mê với việc chọn đọc hàng đống tài liệu, công văn giấy tờ quan trọng khác được gửi đến liên quan đến những vụ việc nóng hổi, ông gần như quên bẵng lá thư này. Mãi đến gần trưa, sực nhớ đến nó, ông mới nghĩ rằng biết đâu lại là một lá thư kêu oan của người dân thì sao, cần phải được xem xét sớm để có hướng xử lý.

Lấy lời khai "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng.

Nhìn qua, phong bì bao ngoài của bức thư có vẻ hơi nhàu nhĩ, được dán con tem 800 đồng, trên góc có đề một số điện thoại bàn và gửi đến đích danh ông từ một thùng thư ngay trên địa bàn Hà Nội. Nội dung bức thư là 3 trang giấy khổ A4 viết đặc kín những chữ, bằng một nét bút hơi nguệch ngoạc nhưng rõ ràng, chỉ có điều cách diễn đạt ngôn từ, biểu cảm vấn đề không được mạch lạc lắm.

Nó bắt đầu như sau: "Kính gửi ông Đại tá Trần Văn Nho. Tôi xin phản ánh với ông vấn đề hiện đang bức xúc… để đánh lại bọn quan tham, để gìn giữ kỷ cương phép nước và để hình ảnh người Công an đẹp trong lòng dân. Vậy mong ông cho điều tra, theo dõi và tiến hành thật khéo léo. Tôi khẳng định đây là một đường dây lớn, từ trên xuống dưới…".

Cái kiểu mào đầu có phần quanh co, rào đón của người viết thư đã khiến Thiếu tướng Trần Văn Nho và sau đó là Trung tướng Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm hình sự linh cảm tới một vấn đề hệ trọng sẽ được người viết thư đề cập tới phần sau nên các ông rất chú ý. Phần quan trọng nhất của bức thư cho biết: "Vấn đề là: ở ngõ 420 Hà Huy Tập, số nhà 3, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội (đi từ Hà Nội sang cách ga Yên Viên 300m bên tay phải - đầu ngõ có bà bán nước chè dưới gốc cây bàng) có anh Hưng là Công an làm ở 86 Lý Thường Kiệt. Sau 2 hay 3 năm đi nghĩa vụ Công an, gần đây anh Hưng giàu lên nhanh chóng không biết bằng cách nào".--PageBreak--

Theo như người viết thư thì trước đó, nhà anh Hưng rất nghèo, bố nghỉ mất sức nay làm thuê cho người này, mai sang làm mướn cho người nọ, mẹ bị suy tim độ 3 ốm đau liên tục và cũng đã về hưu, có một người anh trai thì hiện đang nghiện hút, một người em gái đang đi học. Còn nữa, nơi sinh sống của Hưng ban đầu chỉ là một căn nhà cấp 4, có một chiếc xe máy Trung Quốc thì cũng đã phải bán đi để lo việc riêng.

Vậy mà, từ đầu năm 2003, Hưng đã cho đập bỏ toàn bộ căn nhà cấp 4 của gia đình rồi xây lên trên nền đất này một căn nhà 4 tầng lộng lẫy, khang trang. Năm 2004 Hưng cưới vợ, mua cho mỗi người trong nhà một chiếc xe máy Nhật, Italia loại đắt tiền như Spacy, Vespa và mua thêm cho mình một chiếc xe ôtô con trị giá 600 triệu đồng. Chưa hết, Hưng còn mua luôn một căn nhà ở ngõ Tăng Xê gần đó xây một căn nhà 5 tầng với tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng để chuyển ra ở riêng. Hưng sắm tiện nghi trong nhà đầy đủ và còn đặt cọc 30.000 USD để mua tiếp một chiếc ôtô nữa.

Người viết thư khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đó là do Hưng "làm" đường dây cá độ trong nước và quốc tế, "nuôi" một chuyên gia tin học giỏi, mấy người làm công thay nhau gác trên tầng 4 để nhận điện thoại hay fax đánh cá độ rồi chuyển ra nước ngoài. Người đánh thấp nhất trong đường dây cũng phải 45 - 50 triệu đồng/trận, ngày Hưng thu lãi khoảng 2-3 tỷ đồng…

Đọc hết lá thư này, quả là các cán bộ lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Cục CSĐT tội phạm về TTXH rất bất ngờ trước độ nghiêm trọng trong thông tin mà người dân cung cấp. Lá thư không ký tên, không đề ngày tháng, địa chỉ nhưng người viết dám khẳng định lời tố cáo là thật 100% kèm theo đó là một số điện thoại để kiểm chứng.

Và sự ra đời của một chuyên án "đặc biệt"

Sau này, khi quá trình điều tra bóc gỡ hàng mảng lớn trong vụ án, với những đối tượng dính líu có tầm cỡ, người ta mới lường được hết sự nghiêm trọng và những phức tạp của vấn đề. Ban đầu, vài trinh sát biết chuyện chỉ nói vui với nhau rằng đây là chuyên án "đặc biệt". Nói vậy là bởi sự quyết liệt, quyết đoán đến tận cùng của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Cục CSĐT tội phạm về TTXH trong việc đấu tranh với cả những đối tượng có vị trí công tác cao, có mối quan hệ xã hội rộng và đặc biệt là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tiền bạc.

Sau khi đọc hết lá thư nặc danh nói trên, ngay trong ngày 24/8/2005, Thiếu tướng Trần Văn Nho đã viết một lá thư công vụ báo cáo sự việc lên Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Tại lá thư này, Thiếu tướng Trần Văn Nho cho rằng việc tố cáo trong lá thư nặc danh có thể là sự thật, tuy nhiên cần phải giao cho một số đồng chí thật sự tin tưởng bởi chỉ cần có một "tín hiệu" nhỏ là các đối tượng sẽ dừng hoạt động ngay lập tức. Trong thời điểm đó, theo đồng chí Nho, Văn phòng CQĐT Bộ Công an đã "không còn quân để làm việc này" vì lực lượng CSĐT ở đây đã chuyển và sáp nhập vào các đơn vị nghiệp vụ khác như C14, C15, C17…

Vụ việc được báo cáo lên Trung tướng Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an để xin ý kiến chỉ đạo. Trong bút phê của mình vào lá thư công vụ, Trung tướng Trần Văn Thảo cho ý kiến rằng: "Tôi đồng ý! Anh giao trực tiếp cho anh Quắc" (Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng C14 - NV). Đó là ngày 25/8/2005.

Khi đó, các đồng chí lãnh đạo cũng như cán bộ, chiến sĩ Cục C14 đang bận túi bụi với một số chuyên án lớn khác như chuyên án tiêu cực trọng tài, chuyên án cá độ bóng đá của các CLB trong nước, chuyên án buôn bán phụ nữ qua biên giới…

Khi hồ sơ được chuyển xuống C14 với vỏn vẹn một bức thư tố cáo nặc danh, kèm theo những lá thư công vụ có ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc đọc rất kỹ từng câu từng chữ trong bức thư tố cáo nặc danh rồi ông gọi riêng Thượng tá Phạm Ngọc Mai, Phó trưởng Phòng phòng chống TNXH, phụ trách Đội chống tội phạm cờ bạc của Cục, xuống phòng làm việc của mình ở tầng 2.

Tại đây, Thiếu tướng Quắc đã gạch bằng bút mực đỏ dưới những dòng quan trọng trong bức thư rồi bàn với Thượng tá Mai những phương án ban đầu để thực hiện việc trinh sát vụ việc, tìm hiểu tình hình. Ông đã bút phê vào tờ thư chuyển của Tổng cục Cảnh sát. Chân dung của một "trùm cá độ" đã hiện ra qua những lá thư như thế. Chuyên án "đặc biệt" bóc gỡ hàng loạt vụ việc nổi cộm, có sai phạm liên quan đến hàng chục đối tượng, liên quan đến các dự án hàng nghìn tỷ đồng đã được bắt đầu như thế. Những bí ẩn về đường dây cờ bạc, cá độ và sai phạm kinh tế vào hàng lớn nhất nhì Việt Nam bắt đầu được hé mở.

(Kỳ 2: Cuộc truy lùng chủ nhân chiếc điện thoại có hình… Bin Laden)

Mai Quỳnh Nguyễn
.
.
.