“Cẩu tặc” lộng hành, ngoại thành bất an (!)

Thứ Bảy, 08/07/2017, 10:21
Manh động, liều lĩnh, tấn công cả chủ nhà, “cẩu tặc” đã khiến địa bàn huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, khu vực giáp ranh với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương bất an. Sểnh ra là mất, mặc dù lực lượng Công an và dân phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm. Nhiều vụ đối tượng trộm chó bị người dân bắt giữ, có vụ xảy ra án mạng nhưng “cẩu tặc” vẫn hết sức manh động...


“Coi trời bằng vung”

Cuối tháng 6 vừa qua, người dân ở huyện Củ Chi đăng tải một clip quay cảnh bốn kẻ trộm ngang nhiên câu trộm chó và dùng chỉa điện đòi đâm chủ nhà. Đoạn clip nhanh chóng được hàng ngàn lượt xem, bình luận bày tỏ thái độ bức xúc trước sự manh động, liều lĩnh của nhóm “cẩu tặc”.

Chúng tôi đã tìm tới, ấp 1, xã Tân Thới Trung, để tìm hiểu vụ việc. Nét mặt và giọng nói của ông H. (ấp 1, xã Tân Thới Trung) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hôm đó tôi qua trông coi cửa hàng giúp người em trai. Gần sáng tôi nghe tiếng động, chạy ra thấy nhóm người gồm 4 đứa đi trên hai xe máy đang bắn điện làm ngất xỉu ba con chó trong nhà. Tôi hô hoán lên, chạy ra định giằng lại một con thì tên trộm dùng cây chĩa dài 2m định đâm thẳng vào người tôi”.

Mặc dù chú chó mà bọn trộm chưa kịp lấy đi còn sống sót nhưng hiện vết thương quá nặng, chỗ bị đâm điện lở loét, ăn sâu vào da thịt. Ôm chú chó vào lòng, ông H. bùi ngùi nói: “Không biết nó có sống nổi không, mấy bữa nay chỉ ăn được một ít cháo loãng”.

Cảnh “cẩu tặc” đòi chích điện người dân khi bị phát hiện.

Theo ông H. tình hình trộm chó dọc QL22 diễn ra rất phức tạp. Vì là vùng quê nên hầu như nhà nào cũng nuôi chó, ít một, hai, nhiều năm, bảy con nhằm bảo vệ tài sản. Có điều, thay vì nuôi chó canh nhà, giờ thì nhà nào cũng phải canh… chó. Hồi đầu năm nay, nhà ông H. cũng đã bị “cẩu tặc” ghé thăm, chúng đánh thuốc làm chết hai con. Bọn trộm dùng kìm bẻ hàng rào lưới thép B40, ngang nhiên nhảy vào bắt chó cho vào bao, rồi ung dung chở đi.

Anh Nguyễn Văn Long (36 tuổi, ngụ ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội) kể: “Nhà tôi vừa bị mất hai con, do người thân đi làm công ty quên đóng cửa, chó chạy ra đường bị câu mất. Bọn trộm chó hành động rất nhanh chóng. Nhiều vụ người dân ở ấp Bàu Sim chứng kiến chúng câu chó nhưng chỉ đứng bên đường tri hô lên để cho chúng sợ mà thả lại chó. Người dân ít khi dám đuổi bắt vì bọn chúng luôn thủ sẵn ớt bột, dao kiếm, roi điện, tấn công, truy cản người truy đuổi. Hầu như, ngày nào cũng nghe tin nhà dân bị mất trộm”.

Thủ đoạn của bọn trộm chó ngày càng tinh vi hơn, có khi chúng giả làm người đi đường, mua hàng hỏi thăm qua quýt, thấy nhà ai sơ hở bọn chúng liền ra tay. Để đề phòng bất trắc, nhiều gia đình đã phải xích chó trong nhà, đêm mới thả ra. Một số nhà bỏ tiền xây hàng rào, lắp camera an ninh hay thậm chí như ông H. luôn thủ sẵn gạch đá, gậy gộc bên cửa để khi trộm lẻn vào thì dùng ném, xua đuổi, nhưng vẫn không thể bảo vệ được lũ chó… coi nhà.

“Ban đêm nghe tiếng xe máy, chó sủa ngoài đường là chồng tui vội bật dậy nghe ngóng. Nuôi chó giữ nhà mà ăn không ngon, ngủ không yên với chúng, suốt ngày nơm nớp lo chúng bị  bắt trộm”, chị Trần Thị Thạch (ngụ ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội) nói.

Tấn công người truy đuổi

Tình hình ANTT dọc QL22, đoạn đi qua huyện Củ Chi khá phức tạp. Đây là địa bàn giáp ranh với thị xã Thuận An (Bình Dương) và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Tội phạm thường qua địa bàn khác “làm ăn”, nhằm né tránh sự theo dõi của cơ quan Công an. Trộm chó lộng hành dọc QL 22 với mức độ thường xuyên hơn so với các thôn ấp trong xã, vì nếu bị phát hiện, truy đuổi chúng dễ bề tẩu thoát.

Một dân phòng xã Tân Thới Trung cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an xã tuần tra trên nhiều tuyến đường, phòng chống bọn trộm chó. Nghe tin người dân báo có trộm là Công an và dân phòng lập tức lên đường, bố trí phương án “chặn đầu khóa đuôi” để bắt”.

Tuy nhiên, việc truy bắt không đơn giản bởi có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng cho người thi hành công vụ cũng như người đi đường. Dù có tăng cường tuần tra nhưng số vụ bắt giữ bọn trộm chó vẫn còn hạn chế. Anh Tùng, dân phòng xã Tân Thông Hội cho hay, nhiều vụ “dí” theo “cẩu tặc” nhưng khi áp sát thì bị chúng dùng ná thun bắn vào mặt, khi thì chúng rải ớt bột, dùng súng chích điện bắn.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Bí thư huyện ủy Củ Chi cho biết, thời gian qua qua huyện đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu đội Cảnh sát hình sự, Công an tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vụ trộm chó xảy ra trên địa bàn. Tội phạm “lưu động” ở các vùng lân cận xuất hiện cũng cần theo dõi chặt chẽ, phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan chức năng tỉnh khác để kiên quyết xử lý.

Ngoài ra, các vấn đề sinh dân khác gây bức xúc, người dân cần gửi đơn lên huyện ủy để tiếp nhận thông tin, sớm triển khai biện pháp giải quyết hợp lý, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Theo Luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Sài Gòn Bến Nghé, trộm chó là vấn nạn, luôn gây nhức nhối, bức xúc cho người dân. Việc xử lý hình sự đối tượng trộm chưa đủ sức răn đe, vì hầu hết tài sản trộm dưới mức 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều vụ đối tượng trộm 3-4 con chó cùng lúc thì định giá tài sản vẫn trên 2 triệu và bị xử lý hình sự.

Mới đây quận 12, TP Hồ Chí Minh có thí điểm mô hình cấm buôn bán, sử dụng thịt chó trong khu dân cư, đây là mô hình hay, mới lạ cần nhân rộng. Do nhu cầu thị trường lớn, văn hóa ẩm thực người Việt vẫn ưa thích ăn thịt chó nên cần thiết phải “quy hoạch”, hỗ trợ người nuôi chó thịt, cấm sử dụng chó nuôi ở khu dân cư.

Ngoài ra việc tuyên truyền, vận động người dân không được thu mua chó không rõ nguồn gốc cũng góp phần hạn chế nạn trộm chó. Đồng thời cũng phải gia tăng hình phạt với loại tội phạm này mới mong giảm được nạn “cẩu tặc”.

Bùi Thanh
.
.
.