Cắt trộm dây điện sinh hoạt là "huỷ hoại tài sản"?

Thứ Hai, 09/04/2007, 14:32
Theo Nghị quyết số 04/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, các vụ án cắt trộm dây điện sinh hoạt được xét xử theo tội hủy hoại tài sản mà không phải tội trộm cắp tài sản.

Năm 2006, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra gần 500 vụ cắt dây điện gia dụng, nơi xảy ra nhiều nhất là các huyện: Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất… thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2007, tình hình này có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn xảy ra hơn 100 vụ.

Thời gian qua, lực lượng Công an các địa phương ở Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm đối tượng, hầu hết là thanh niên, thiếu niên từ nhiều tỉnh, thành phố khác đến. Phần lớn, bọn chúng tụ tập thành nhóm từ 2-6 tên và chuẩn bị sẵn các dụng cụ: kìm cách điện, các thanh sắt dài 30-40cm… để cắt trộm dây điện sinh hoạt của nhân dân ở các khu vực vắng người từ 23h đến 3-4h sáng.

Vụ gần đây nhất, ngày 2/4 Cơ quan CSĐT CATP Biên Hòa khởi tố bắt tạm giam Phạm Văn Phú (24 tuổi), hộ khẩu thường trú xóm 2, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, về hành vi trộm cắp tài sản. Tên Phú bị bắt quả tang khi đang cắt trộm 14m dây tiếp địa chống sét.

Trước đó, ngày 27/2, CATP Biên Hòa cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tên Vũ Ngọc Phú, Vũ Trường Xuân và Nguyễn Hà Duy Linh, cùng 19 tuổi và cư ngụ ở phường Hố Nai (TP Biên Hòa) về hành vi trộm cắp tài sản. Cả 3 tên khai nhận, thời gian qua gây ra 12 vụ cắt dây điện sinh hoạt với gần 400m dây điện đôi trị giá gần 10 triệu đồng.

Công an huyện Trảng Bom khi bắt giữ Trần Văn Hoàng (23 tuổi), ngụ ấp 2 cùng Trần Thanh Sơn (18 tuổi) và Nguyễn Hữu Oai (17 tuổi), ngụ ấp 1 (đều thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã làm rõ nhiều vụ cắt trộm dây điện sinh hoạt của nhân dân. Trong đó tên Hoàng (con rể) và tên Sơn (con ruột) cắt 100m dây điện của gia đình ông Trần Đức Lễ (44 tuổi) ở ấp 1, xã Mã Đà, đem đi bán được 800.000 đồng.

Công an huyện Xuân Lộc thụ lý vụ Nguyễn Quốc Vũ (19 tuổi) và Lồng Tiến Hưng (17 tuổi) cùng trú ở ấp Đông Minh, xã Lang Minh (Xuân Lộc); Nguyễn Văn Cường (19 tuổi), thường trú ở thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), tạm trú xã Đồi 61, huyện Trảng Bom và Phạm Minh Hoàng (16 tuổi), ngụ ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, các đối tượng trên đã cắt 1.980m dây điện của nhiều hộ dân ở xã Lang Minh và xã Xuân Tây.

Một số tên trộm chuyên cắt dây điện sinh hoạt của nhân dân bị bắt.

Theo Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ngày 29/11/1986, các vụ án này được xét xử theo tội hủy hoại tài sản mà không phải tội trộm cắp tài sản và tòa án các cấp ở tỉnh Đồng Nai vẫn áp dụng khi đưa các vụ án như thế ra xét xử.

Có thể nói, Nghị quyết số 04 không còn phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra. Bởi vì khi phát hiện, bắt giữ đối tượng gây án và đối tượng tiêu thụ, thì cơ quan điều tra phải tiến hành khởi tố thành hai vụ án riêng: vụ hủy hoại tài sản và vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Mặt khác, tất cả các vụ cắt dây điện sinh hoạt của nhân dân, mục đích phạm tội của các đối tượng là kinh tế (lười lao động nhưng muốn có tiền tiêu xài), không có vụ nào mang tính chất hủy hoại tài sản cả.

Thiết nghĩ đã đến lúc, cần phải sửa đổi Nghị quyết số 04 để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới

Công Trường
.
.
.