Cảnh báo nạn trộm cắp, lừa đảo ở bệnh viện

Chủ Nhật, 02/08/2015, 07:45
Giả làm bác sỹ, nhân viên bệnh viện hay người nhà của bệnh nhân là những chiêu thức mà đối tượng hình sự sử dụng để tràn trộn vào bệnh viện để trộm cắp tài sản, gây mất an ninh trật tự tại một số bệnh viện ở Hà Nội trong thời gian gần đây.

Đóng giả bác sỹ “chôm” tài sản

Trung tuần tháng 5.2015, lực lượng công an đã bắt giữ Nguyễn Văn Hà trú tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi trộm cắp tài sản tại bệnh viện K (đường Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hà được xác định đã mặc áo bluse trắng giả làm nhân viên trà trộn vào bệnh viện, lợi dụng sự đông đúc và chủ quan của bệnh nhân để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Đối tượng Hà bị bắt khi đang thực hiện hành vi trộm điện thoại của một bệnh nhân tại bệnh viện này.

Cuối tháng 2/2014, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng xảy ra vụ giả danh bác sỹ vào phòng bệnh lừa bệnh nhân ngay lập tức bị bảo vệ và Công an Phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) bắt giữ. 

Theo đó, nhằm lừa đảo trộm cắp tài sản bệnh nhân, Vũ Quốc Bảo ở Can Lộc, Hà Tĩnh đã mặc áo blouse trắng, đội mũ xanh, đeo ống nghe đi đi, lại lại ở hành lang của khoa Chẩn đoán hình ảnh và vào buồng bệnh dành cho bệnh nhân chụp mạch vành - nơi người bệnh chờ chụp chiếu. Sau đó, anh ta còn cầm túi nilon thuốc, giải thích cho người bệnh như một bác sỹ thực thụ. 

Đối tượng giả bác sĩ.

Do đối tượng này không đeo thẻ trong giờ làm việc theo quy định của bệnh viện, khi được hỏi lại trả lời loanh quanh nên đã bị một nhân viên y tế khác trong khoa nghi ngờ, báo với lực lượng bảo vệ. Qua đấu tranh khai thác, Vũ Quốc Bảo đã thú nhận đóng giả bác sĩ vào bệnh viện với mục đích lừa đảo, trộm cắp tài sản của bệnh nhân.

Cũng tại bệnh viện Bạch Mai, ngày 2/4, Ninh Ngọc Dương ở Hà Tu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trà trộn giả làm người nhà bệnh nhân để lẻn vào các khu vực phòng bệnh của bệnh nhân nặng và ở lại qua đêm. Sau đó lợi dụng đêm tối, lúc bệnh nhân ngủ say Dương đã trộm cắp điện thoại di động cùng một số tiền mặt. Hai ngày sau, đối tượng Đỗ Văn Thanh ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũng bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang trộm điện thoại của bệnh nhân tại đây.

Muôn vạn kiểu lừa bệnh nhân

Ngoài hành vi trà trộn vào bệnh viện để trộm cắp tài sản, lợi dụng tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân, nhiều đối tượng đã “quáng cáo” và lừa bán các loại thuốc với giá cắt cổ. Ngoài ra, một số đối tượng còn mạo danh bác sỹ để nhận tiền cò mồi phẫu thuật, khám chữa bệnh. Một trong những nạn nhân của chiêu lừa tinh vi trên là chị Trịnh Thị Liên có con điều trị tại khoa Nhi – Bệnh viện Việt Đức. 

Con chị Liên là 1 trong 4 học sinh bị xe ô tô đâm khi trên đường đi học về ở Phú Thọ vào ngày 2/4. Ngày 4/4, khi con chị Liên mới được chuyển từ Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Đức xuống Khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chị đã gặp một người phụ nữ khoảng 50 tuổi tự xưng là bác sỹ của Khoa Lọc máu và nói rằng quen biết nhiều lãnh đạo của Bệnh viện Việt - Đức. Người này nói với chị Liên nếu gia đình muốn mổ sớm cho cháu thì chị sẽ can thiệp giúp giải quyết ngay trong ngày với điều kiện là giao cho chị ta một số  tiền chi phí phẫu thuật. Nhẹ dạ cả tin, chị Liên cùng gia đình gom góp được số tiền hơn 10 triệu đồng đưa cho vị bác sỹ “dỏm” kia. Nhận xong tiền, người phụ nữ kia mất hút và không để lại bất cứ thông tin liên lạc nào.

Trước đó , tháng 10/2014, bệnh nhân Nguyễn Thị N. (ở Hòa Bình) đang điều trị u não tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã dính bẫy lừa mất tiền triệu. 

Cụ thể, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, chị N. quen biết với một người phụ nữ. Người này giới thiệu cũng có chồng bị u não đã xạ trị vài lần không khỏi, bệnh viện trả về nhà chờ chết. May mắn là gia đình tìm được thuốc nên sức khỏe đã hồi phục và muốn “mách nước” cho chị N. Chị N. tin là thật nên đã mua 3 viên thuốc với giá 7 triệu đồng, mang về nhà sử dụng mới biết dính bẫy lừa. 

Sau đó, Phòng Bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai và Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ an ninh Cộng Lực phát hiện và cơ quan Công an bắt được nhóm bán thuốc lừa đảo gồm: ba mẹ con do Nguyễn Thị Ngọ ở Đông Nguyên, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cầm đầu.

Đối tượng Thìn tại cơ quan điều tra.

Cũng tại bệnh viện này, “siêu lừa” Nguyễn Thị Thìn ở Thanh H óa, đã đóng giả bác sĩ điều trị đến tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Nhiều người tưởng thật đã đưa cho Thìn từ 3 đến 7 triệu đồng để nhờ mua thuốc. Đến khi bị bắt giữ, Thìn khai đã lừa trót lọt 6 vụ với thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt trên 20 triệu đồng của bệnh nhân.

Phòng ngừa ngăn chặn bọn tội phạm

Qua những vụ nêu trên, đề nghị lãnh đạo bệnh viện tăng cường lực lượng bảo vệ tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người nhà bệnh nhân cảnh giác không nghe theo những lời đường mật của kẻ xấu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an phường sở tại, để kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi trộm cắp tài sản, lừa đảo gây mất trật tự an ninh trong bệnh viên, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Đào Minh Khoa
.
.
.