Cần có biện pháp ngăn chặn côn đồ gây án ở bệnh viện

Thứ Hai, 30/10/2017, 08:46
Liên quan đến vụ truy sát trong Bệnh viện Hoàn Mỹ (Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) khiến 1 người chết, 3 người bị thương, ngày 29-10, Công an quận Phú Nhuận cho biết đang tiến hành thu thập tài liệu làm rõ các đối tượng liên quan. Một số đối tượng đã được đưa về trụ sở lấy lời khai.

Bước đầu nạn nhân tử vong được xác định là Trần Ngọc Thiện (32 tuổi) ngụ trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 5, quận Phú Nhuận. Nạn nhân bị thương trước đó khi hỗn chiến tại tiệm game bắn cá do mình quản lý, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Hoàn Mỹ và bị nhóm đối tượng truy sát. 

Nạn nhân Thiện khi nằm trên giường bệnh nhưng bị đối tượng lao vào đâm. 3 người bị thương được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu, trong đó P.Q.T (25 tuổi) bị chém nhiều nhát vào vùng đầu, bệnh nhân N.T.T. (22 tuổi) bị rách da dầu, đứt gân ngón tay trái đã xuất viện. Riêng bệnh nhân thứ 3 là H.Đ.L (23 tuổi) bị đa chấn thương, sau khi được khâu vết thương, L đã trốn viện.

Sự vụ bắt đầu từ 22h ngày 27-10, anh Thiện cùng nhóm bạn đi nhậu về tiệm game bắn cá của mình thì mâu thuẫn với một số thanh niên đang chơi game ở đây. Sẵn có hơi men, anh Thiện và nhóm bạn đuổi đánh nhóm thanh niên chơi game ra khỏi quán. Khoảng 1h ngày 28-10, anh Thiện cùng nhóm bạn ngồi trước tiệm game chơi thì bất ngờ nhóm thanh niên bị anh Thiện đánh trước đó kéo đến tấn công. Khi anh Thiện bị thương phải chuyển vào viện cấp cứu nhưng vẫn bị tấn công.

Hình ảnh nhóm cầm hung khí truy sát bệnh nhân.

Các y bác sĩ khi thấy cảnh tượng trên cũng nhanh chóng rời khỏi vị trí làm việc. Vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn, các đối tượng có hung khí, hung hãn nên bảo vệ của bệnh viện không thể can ngăn. Sau khi gây án, nhóm đối tượng này rút rất nhanh khỏi phòng cấp cứu.

Từ vụ truy sát trong bệnh viện một vấn đề được đặt ra là an ninh tại các bệnh viện không đảm bảo, trách nhiệm của bảo vệ ở đâu khi để các đối tượng ngang nhiên cầm hung khí xông vào trong khoa cấp cứu truy sát người bệnh?

Dường như các bệnh viện đang rất lúng túng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân viên, bệnh nhân trước sự tấn công của các băng nhóm côn đồ. Các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện dường như chỉ là gắn camera để phòng chống kẻ gian, kẻ trộm cắp, cò khám bệnh… chứ chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ an ninh, nhất là đối với các đối tượng côn đồ, giang hồ gây rối.

Nhiều bệnh viện đã ký kết quy ước với Công an các quận để đảm bảo an ninh trật tự tại khoa cấp cứu và đã đem lại một số hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn côn đồ, trộm cắp. Tuy nhiên, việc giải quyết ngăn ngừa nạn côn đồ vào phòng cấp cứu quậy phá, truy sát người vẫn còn nan giải và nói chung phải bắt nguồn từ công tác chuẩn bị một cách chủ động các lực lượng bảo vệ bệnh viện.

Như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tại khu vực phòng cấp cứu có rất nhiều bảo vệ túc trực cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Cửa phòng cấp cứu luôn đóng kín, luôn có bảo vệ đứng trực. Người lạ muốn vào phòng cấp cứu rất khó nên những đối tượng giang hồ, côn đồ không thể xông vào. Một bảo vệ ở đây cho biết, khi phát hiện các đối tượng côn đồ có hung khí có ý định xông vào phòng cấp cứu, ngay lập tức cửa phòng cấp cứu đóng chặt. 

Quy trình không cho người lạ ra vào tự nhiên trong phòng cấp cứu cũng được Bệnh viện Nhân dân Gia Định áp dụng. Tại Bệnh viện Từ Dũ, ông Lê Dũng Tiến, Đội trưởng Đội bảo vệ cho hay, bảo vệ liên tục tuần tra theo nhóm, nếu thấy có đối tượng manh nha quậy phá ngay lập tức sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khống chế, tước hung khí.

Để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới tại các bệnh viện, nhất là đối phó với các đối tượng côn đồ, giang hồ, tại các khu cấp cứu cần thiết phải có cửa riêng biệt, khép kín và có bảo vệ canh chừng. Khi có dấu hiệu xâm nhập của các đối tượng côn đồ, cửa phòng cấp cứu được khóa kín để bảo vệ những người bệnh và có đủ thời gian để báo vụ việc cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

M.Đức
.
.
.