CA Đồng Nai: Làm rõ nhiều vụ lừa đảo qua mạng

Thứ Tư, 13/02/2008, 09:05
Sau một thời gian tập trung lực lượng điều tra xác minh, đến nay Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC15) Công an tỉnh Đồng Nai đã bước đầu làm rõ nhiều đường dây lừa đảo tài sản qua mạng Internet với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Địa bàn nhiều nhất là TP Biên Hòa.

PC15 Công an Đồng Nai phát hiện 13 người tham gia tổ chức "đầu tư" qua nhiều trang web đã huy động với số tiền lớn, trong đó hoạt động mang tính tổ chức đường dây là trang web: www.colonyinvest.net.

Trong 13 người, đáng chú ý là Nguyễn Tiến Quý (44 tuổi), ngụ 238, tổ 3, khu phố 2, phường Tân Hiệp, tham gia vào trang web: www.colonyinvest.net từ ngày 6/6/2007 với số tiền ban đầu là 35,2 triệu đồng và giới thiệu cho 7 người khác với số tiền 112 triệu đồng và 1.000 USD (Trần Trung Phiến, ngụ 238/5, khu phố 2, phường Tân Mai tham gia 1.000 USD).

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Tiến Quý khai nhận thu lãi được 6.000 USD bằng cách bán điểm cho Phiến và một người tên Kim không rõ địa chỉ. Đến nay Nguyễn Tiến Quý đã trả lại tiền cho 6 người tham gia (riêng chị Trần Kim Oanh ở TP Vũng Tàu tham gia 32 triệu đồng mới được Quý trả 11,2 triệu đồng).

Về Trần Trung Phiến, lúc đầu tham gia "đầu tư tài chính" qua trang web: www.colonyinvest.net chỉ 1.000 USD, nhưng 1 tuần sau Phiến "đầu tư" thêm 8.000 USD (tương đương 140,8 triệu đồng) bằng hình thức mua điểm và trả tiền cho người đàn ông tên Kim tại quán cà phê Netviet trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP HCM) với nhiều tên giao dịch khác nhau và bán một số điểm cho người khác thu được 176 triệu đồng.

Chưa hết, Trần Trung Phiến còn "đầu tư' cho các trang web khác với số tiền 10.500 USD. Quá trình "đầu tư", Trần Trung Phiến thường giao dịch mua bán điểm lãi chuyển tiền thông qua tài khoản mở tại 2 ngân hàng. Từ tháng 7 đến tháng 11/11/2007, tổng số tiền chuyển vào tài khoản của Phiến trên 2 tỷ 888 triệu đồng và Phiến đã rút ra gần hết chỉ còn 137.718 đồng.

Đặc biệt, tham gia vào việc "huy động tài chính" của Phiến còn có Trịnh Thị Ngọc Hương (28 tuổi) là nhân viên Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Đồng Nai. Không chỉ "đầu tư" 1.000 USD vào đường dây của Phiến, Trịnh Thị Ngọc Hương còn giới thiệu cho 5 người khác tham gia với số tiền 4.000 USD; trong đó Võ Duy Phương (29 tuổi), ngụ 2/1, tổ 15, khu phố 3, phường Trảng Dài "đầu tư" 1.000 USD.

Về Võ Duy Phương, lúc đầu (16/7/2007) chỉ tham gia 1.000 USD, nhưng 3 lần sau đó (đều trong tháng 7/2007) đã "đầu tư" thêm 27.100 USD bằng hình thức mua điểm của Phiến, của một người tên Mai và người khác tên Kim.

Tổng số tiền lãi của Võ Duy Phương tính đến ngày 16/10/2007 là 2.900 USD và Phương tiếp tục "đầu tư trở lại Colony" 10.000 USD. Ngoài ra, Phương còn giới thiệu và nhận 3.100 USD của 5 người khác.

Trong quá trình xác minh điều tra, PC15 Công an Đồng Nai nhận được một số đơn tố cáo liên quan đến Võ Duy Phương trong việc nhận tiền của họ "đầu tư" vào đường dây của Phương. Đó là Phạm Văn Thơm (26 tuổi), ngụ 105, tổ 4, ấp Đồng, xã Phước Tân, huyện Long Thành đầu tư bằng hình thức bán 1 lô đất cho Phương trị giá 680 triệu đồng, Phương đặt cọc 280 triệu đồng (nhưng chỉ đưa 100 triệu đồng tiền mặt, 180 triệu đồng Phương "đầu tư" vào đường dây của Phương), đến khi bị cơ quan điều tra mời đến làm việc, Phương vẫn chưa thanh toán 400 triệu đồng cho Phạm Văn Thơm.

Tương tự là trường hợp Lê Văn Cương (56 tuổi), cư trú tổ 6, ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, "đầu tư" vào đường dây của Phương ngày 14/11/2007 bằng hình thức bán cho Phương lô đất trị giá 68 triệu đồng và 52,8 triệu đồng tiền mặt.

Một trường hợp khác, Lê Văn Thêm, ngụ 249 B, đường số 5, phường Tân Tiến (TP Biên Hòa) đã "đầu tư" vào đường dây của Phương 11.000 USD và được "nhận lãi" trên 16,2 triệu đồng.

Để khuếch trương cho đường dây của mình, Võ Duy Phương cùng Lê Xuân Thỏa (28 tuổi), ngụ 50/3B, tổ 1, khu phố 2, phường An Bình (TP Biên Hòa) tự quảng cáo là đại diện cho "tập đoàn Colony của Mỹ" muốn đài thọ cho những người tham gia "đầu tư tài chính" vào đường dây của Phương đi du lịch và đã tổ chức cho 51 người ở TP Biên Hòa và huyện Xuân Lộc đi tham quan Mũi Né, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vào ngày 3 đến 4/11/2007.

Một đường dây khác cũng "huy động" được số tiền khá lớn do Nguyễn Văn Thái (31 tuổi), cư trú 181/3, khu phố 1, phường Tân Mai (TP Biên Hòa). Số tiền Thái "đầu tư" chỉ là 2.000 USD, nhưng Thái giới thiệu cho 12 người khác tham gia với số tiền 12.000 USD và từ 12 người này giới thiệu cho 70 người khác "đầu tư" khoảng 60.000 - 70.000 USD và Thái cũng đã nhận tiền "hoa hồng" của 12 người nhưng không nhớ bao nhiêu.     

Tại huyện Thống Nhất, PC15 Công an Đồng Nai phát hiện có 3 đường dây hoạt động; nhiều nhất là đường dây do Nguyễn Văn Lợi, ngụ cư xá Lam Sơn, phường 17, quận Gò Vấp (TP HCM) và Phan Thị Kim Thu cùng cha là ông Phan Hưng, ngụ tại xã Gia Kiệm, huy động trên 30 người với số tiền 680 triệu đồng.

Ngoài ra, Phan Thị Kim Thu cùng Phạm Thị Lành huy động hơn 20 người được 55 triệu đồng. Còn Phạm Thị Lành cùng Phạm Thị Kim Huệ - hiện là giáo viên Trường Mẫu giáo Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất lại huy động của 21 người khác 322 triệu đồng.

Khi được PC15 Công an Đồng Nai mời đến làm việc, Phan Thị Kim Thu, Phạm Thị Lành, Phan Hưng và Phạm Thị Kim Huệ đều khai nhận toàn bộ số tiền "huy động" được đều giao cho Nguyễn Văn Lợi.

Hiện tại Nguyễn Văn Lợi đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố. Ở huyện Xuân Lộc, PC15 Công an Đồng Nai phát hiện có 2 đường dây "huy động tài chính"; một do Lê Thanh Hải (56 tuổi), nghề nghiệp y sĩ và vợ là Hoàng Thị Bích (51 tuổi), ngụ xã Xuân Thọ huy động của 5 người 127 triệu đồng; đường dây thứ hai do Nguyễn Chánh Tân (28 tuổi), cư trú ấp Trung Hiếu, xã Xuân Trường làm đại lý cho vợ chồng Quân - Thu ở tỉnh Đồng Tháp đã "huy động" được 300 triệu đồng của trên 20 người.

PC15 Công an tỉnh Đồng Nai đã xác minh làm rõ các đường dây "đầu tư tài chính" qua Internet ở các huyện: Cẩm Mỹ và Long Thành với số tiền 52,8 triệu đồng và 2.100 USD

Thu Thảo
.
.
.