Buôn lậu, vận chuyển hàng cấm có chiều hướng thay đổi phương thức, thủ đoạn

Thứ Năm, 22/10/2020, 07:36
Thời gian qua, khi dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” thì trên các tuyến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển hàng cấm lại có xu hướng tăng trở lại với chiều hướng thay đổi phương thức, mặt hàng, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng.


Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp

Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên,... Tình hình vận chuyển trái phép, buôn lậu khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phức tạp (điển hình ngày 21/8/2020, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Cao Bằng phát hiện và thu giữ gần 700.000 chiếc khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ.

Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện như tại Bắc Giang, vụ dừng, kiểm tra xe ô tô của lực lượng chức năng, làm một chiến sĩ Công an đã hy sinh, qua khám xét ôtô phát hiện 2 tấn linh kiện điện thoại các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, tại tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng diễn ra rất phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng ma túy lớn, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, có vũ khí nóng sẵn sàng chống trả khi bị bao vây, bắt giữ.

Tàu Diamon sang mạn dầu cho tàu cá Bến Tre.  Ảnh: Thanh Hải

Đáng chú ý, hoạt động của tội phạm ma túy có sự chuyển dịch và gia tăng tại các địa bàn tỉnh tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Điển hình tháng 9/2020 tại Hà Tĩnh, lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá thành công chuyên án phát hiện, thu giữ 237,15kg ma túy các loại.

Đặc biệt, theo đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về Việt Nam theo đường bộ, sau đó cất giấu, ngụy trang ma túy trong hàng hóa xuất khẩu để chuyển đi nước thứ ba theo đường biển, với số lượng lớn.

Đơn cử như trong tháng 7/2020 tại TP Hồ Chí Minh, các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan đã phối hợp, mở rộng triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 164kg ma túy các loại, 19 bánh heroin, bắt giữ 24 đối tượng.

Buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam vẫn “nóng”

Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, xuất nhập khẩu thông qua hệ thống các cảng biển nước ta diễn ra rất phức tạp, địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ,...

Tại vùng biển phía Tây Nam, hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp hơn. Đặc biệt, trên biển vẫn còn tình trạng các đối tượng lợi dụng các doanh nghiệp làm hậu cần nghề cá ở các tỉnh ven biển, hoán cải tàu vỏ sắt mua xăng, dầu lậu của các tàu nước ngoài để bán cho các tàu đánh cá nhằm thu lợi. Điển hình cuối tháng 6, lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ tàu nước ngoài đang sang mạn dầu sang tàu Tiền Giang - tàu cá đã hoán cải. Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát biển thu giữ trên tàu cá 300.000m3 và trên tàu “mẹ” có khoảng hơn 800m3; tổng lượng dầu là hơn 1,1 triệu lít.

Vụ việc đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hai phương tiện gần 300 triệu đồng; bán phát mại hàng hóa thu giữ hơn 10 tỷ đồng. Cũng ở khu vực biển Tây Nam, giữa tháng 7, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục phát hiện tàu Diamon đang sang mạn dầu cho tàu cá Bến Tre, thu giữ gần 1,7 triệu lít dầu DO.

Lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, bán phát mại thu nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7, lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ một tàu cá Tiền Giang vận chuyển gần 100.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ; bán phát mại thu nộp vào ngân sách hơn 1 tỷ đồng.

Đại tá Lương Đình Hưng cho biết, tình trạng tàu cá của ngư dân tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển kéo dài từ nhiều năm nay. Lợi dụng những vùng biển xa, chủ tàu cá hoán cải tàu đánh bắt cá thành tàu chở xăng dầu để cung cấp cho hoạt động đánh bắt cá và bán lại cho tàu cá để hưởng tiền chênh lệch.

Mặc dù các lực lượng chức năng kiểm soát chặt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhưng vì lợi nhuận chênh lệch nhiều chủ tàu cá vẫn vi phạm. Khi phát hiện tàu cá hoán cải, vận chuyển, mua bán xăng dầu lậu trên biển, lực lượng Cảnh sát biển xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền viên. Sau khi xử lý, lực lượng Cảnh sát biển cũng thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kịp thời phối hợp xử lý theo quy định.

Đối với tàu vi phạm nhiều lần, lực lượng Cảnh sát biển kiến nghị rút giấy phép tham gia đánh bắt cá trên biển. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng để ngư dân chấp hành nghiêm hoạt động đánh bắt trên biển.

Trên thực tế, nhiều tàu cá vi phạm không còn tái phạm, trở thành “cộng sự” cho lực lượng chức năng trên biển, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến an ninh chủ quyền trên biển, đảo, cũng như hành vi vi phạm pháp luật trên biển, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng-an ninh trên biển.

Lưu Hiệp
.
.
.