Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng An ninh điều tra

Buộc “thần quyền” Phan Văn Thu hiện nguyên hình

Chủ Nhật, 11/12/2016, 07:01
Lời rao giảng của Thu thường trái ngược với việc làm của chính ông ta nên đây là căn cứ để Ban chuyên án đấu tranh vạch mặt, làm sụp đổ “thần tượng Phan Văn Thu” và đồng bọn của chúng. 

Trong vụ án này, số đối tượng chủ mưu, cầm đầu, cốt cán, đặc biệt là Phan Văn Thu có quá trình chống phá cách mạng, từng vào tù ra tội nhiều lần, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan ANĐT. Với bản chất phản động, gian manh, Thu và các đối tượng cốt cán đã làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân lạc hậu, mất cảnh giác, tin tưởng vào “thần quyền”, thần thánh hóa Phan Văn Thu mà đi theo tổ chức, thậm chí có đối tượng còn hiến dâng vợ mình cho Thu...

Lời rao giảng của Thu thường trái ngược với việc làm của chính ông ta nên đây là căn cứ để Ban chuyên án đấu tranh vạch mặt, làm sụp đổ “thần tượng Phan Văn Thu” và đồng bọn của chúng. 

Phan Văn Thu và Lê Duy Lộc.

Trong quá trình đó, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: Đó là đối tượng tham gia tổ chức đông, đa phần là quần chúng có trình độ, nhận thức chính trị thấp; đối tượng tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, việc quyên góp tiền bạc, tài sản, xây dựng công trình ít thể hiện trên sổ sách nên công tác xác minh, đấu tranh bóc gỡ, chứng minh khối tài sản của tổ chức phản động không dễ dàng.

Về cơ cấu của tổ chức, tên gọi, đối tượng tham gia trong bộ khung thường xuyên thay đổi, đã gây nhiều trở ngại cho việc xác định bản chất của bộ khung và đối tượng cốt cán trong tổ chức.

Về cương lĩnh, điều lệ hoạt động của chúng hình thành trên cơ sở những lần thuyết giảng của Phan Văn Thu, được một số đối tượng cốt cán biên soạn lại rồi đặt tên, nội dung phản động xen lẫn tôn giáo, mê tín dị đoan, do đó việc nghiên cứu xác định chứng cứ, hệ thống từng vấn đề để phục vụ công tác xét hỏi ở thời gian đầu.

Thời gian này, tổ đấu tranh khai thác đã xây dựng kế hoạch điều tra, xét hỏi các bị can để xác định về trạng thái tâm lý, ý thức khai báo, hệ thống đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh; nghiên cứu, xác định những dấu hiệu đặc trưng của tổ chức Hội đồng công luật Công án Bia Sơn.

Để làm rõ thủ đoạn phạm tội của Thu và các đối tượng trong ổ nhóm, các điều tra viên đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, chiến thuật hỏi cung bị can; sử dụng mâu thuẫn trong lời khai của bị can, lời khai của các bị can khác và đối tượng liên quan.

Chủ động tổ chức đấu tranh, làm sụp đổ tư tưởng phản cách mạng của đối tượng cầm đầu và đồng bọn, nhất là đấu tranh vạch trần sự giả tạo, lừa bịp như: Thu và đồng bọn tung tin y là người có bao tử hai ngăn (“âm dương bào tạng”), ăn nhai lại (“Kim ngưu phá điền”), lòng bàn tay có chữ “Vương”, sẽ đương nhiên là vua... Nhưng khi cán bộ điều tra yêu cầu kiểm tra lòng bàn tay, cho chụp phim xác định hệ tiêu hóa (bao tử), Phan Văn Thu phải thừa nhận là giả tạo, bịa đặt để mọi người tin theo, phục vụ ý đồ của y.

Từ kết quả đấu tranh đối với Thu, lực lượng điều tra đã triển khai đồng loạt, vừa thông báo lời thú nhận lừa bịp của Thu vừa đấu tranh đối với các đối tượng cốt cán, đối tượng tham gia trong tổ chức, vạch trần ý đồ lừa bịp, giả tạo của Phan Văn Thu. Kết quả đã vô hiệu hóa, làm sụp đổ “thần tượng Phan Văn Thu” đối với đồng bọn, làm chuyển biến cơ bản về tư tưởng của các bị can.

Mặt khác, qua điều tra buộc Phan Văn Thu cùng đồng bọn thừa nhận: việc thành lập Công ty TNHH Hoàng Long/Quỳnh Long là công ty “ma” nhằm tạo vỏ bọc công khai hợp pháp cho tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, việc xây dựng 65 công trình tại khu du lịch Đá Bia nhằm phục vụ hoạt động của tổ chức (gọi là “tổ đình”), nguồn gốc kinh tế, tài chính của tổ chức do Thu và đồng bọn lừa bịp huy động từ các cá nhân trong tổ chức và một số Việt kiều được móc nối từ nhiều năm trước.

Đây là cơ sở pháp lý để tịch thu toàn bộ tài sản, công trình xây dựng tại Khu du lịch Đá Bia sung công quỹ Nhà nước.

Một cán bộ đã tham gia vào quá trình điều tra chuyên án nhớ lại: Trong quá trình đấu tranh, Phan Văn Thu luôn cho rằng toàn bộ các hoạt động của tổ chức là kinh doanh du lịch sinh thái, không làm điều gì vi phạm pháp luật, không thừa nhận bất cứ vấn đề nào mà điều tra viên đưa ra, một mực kêu oan. Đối tượng thường lấy lý do già yếu, bệnh tật để xin tạm dừng các cuộc hỏi cung. Khi ấy, lực lượng trinh sát đã tổ chức đấu tranh, vạch trần sự giả tạo của Thu và đồng bọn. Khi tìm hiểu về nhân thân của  Thu, các trinh sát xác định đối tượng có 3 người phụ nữ y gọi là vợ, trong đó có 2 người còn khá trẻ so với Thu. Bên cạnh đó, còn một số phụ nữ khác vẫn thường xuyên quan hệ tình ái công khai với Thu.

Một điểm yếu nữa mà các trinh sát tập trung đấu tranh, đó là đánh vào lòng tự trọng của đối tượng này. Khi ở bên ngoài, Phan Văn Thu thường tỏ ra là người có uy quyền cao nhất, tự xưng “Cha”, “Đức Tôn Luân”, “Đức Phụ Nguyên” nắm giữ nhiều phép mầu, là thánh nhân xuất thế được rất nhiều đối tượng cốt cán nể sợ.

Nắm bắt được đặc điểm tâm lý này, điều tra viên kích thích lòng tự trọng thì Thu không còn đổ tội cho đồng bọn nữa mà tự nhận chính anh ta là tác giả của các tài liệu “ Cứu kinh minh triết”, “55 điều trợ luật”, “Cương lĩnh công luật đại hóa”, những bài diễn văn có nội dung xuyên tạc, kêu gọi mọi người chống lại Nhà nước Việt Nam... Sau đó, dựa vào nội dung cả các tài liệu này để đấu tranh, Thu phải thừa nhận hành vi tuyên truyền xuyên tạc chống Nhà nước.

Tuy nhiên, khi nghe công bố chuyển đổi tội danh từ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân sang tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì Thu và đồng bọn không thừa nhận. Chúng ngụy biện bằng những lập luận như không có vũ khí, không có lực lượng vũ trang, không có ý định lật đổ chính quyền nhân dân.

Muốn đấu tranh với những kẻ tinh quái như Thu thì phải có bằng chứng cụ thể. Từ kết quả đấu tranh khai thác với đối tượng cầm đầu, đã làm rõ vai trò, vị trí từng cá nhân trong tổ chức; xác định cụ thể hành vi tham gia xây dựng văn bản, tài liệu tuyên truyền, cương lĩnh hành động...

Đến ngày 28-1-2013, các đơn vị địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác đấu tranh, xử lý số đối tượng ở địa phương tham gia vào tổ chức phản động bằng các biện pháp khác như xử lý hành chính, xử lý kỷ luật đối với số trong nội bộ, đưa ra kiểm điểm trước dân....

Kết thúc phiên tòa xét xử, đối tượng Phan Văn Thu bị kết án tù chung thân, 21 bị cáo bị kết án tù có thời hạn, với tổng mức hình phạt là 299 năm tù giam (cao nhất là 17 năm tù, thấp nhất là 10 năm). Ngoài ra, 21 bị cáo này còn chịu thêm hình phạt bổ sung là 5 năm quản chế tại địa phương sau khi ra tù...

Xuân Mai
.
.
.