Bạo lực gia đình: Nguyên nhân của nhiều tội ác

Thứ Hai, 31/03/2008, 09:20
Thời gian gần đây, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng mà thủ phạm và nạn nhân đều là người trong một nhà. Theo nhiều chuyên gia phân tích tâm lý, nguyên nhân chính của những vụ án mạng này hầu hết nạn nhân cũng như thủ phạm đều từng là nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.

Những vụ án thương tâm…

Bà Quách Su Én (ngụ phường 15, quận 8, TP HCM) là một người phụ nữ chân chất, hiền lành, chịu thương chịu khó. Vợ chồng bà Én cưới nhau đã hơn 30 năm, có với nhau 3 mặt con.

Tuy nhiên, tính khí ông Lê Minh Hoàng - chồng bà rất thất thường, mỗi khi có rượu vào là đánh đập, mắng chửi vợ con. Bị ức chế trong một thời gian dài, đến ngày 15/12/2006, ông Hoàng đi làm về trong tình trạng say rượu nên giữa ông và bà lời qua tiếng lại với nhau.

Quen thói đánh vợ, ông Hoàng đi ra trước cửa nhà cầm lấy một tấm ván gỗ giơ lên đập một cái trúng vào vùng thái dương và một cái vào đầu của bà Én. Cái thứ ba ông Hoàng đánh trúng vào chân bà. Lúc này, nhờ có người cháu trai bà Én qua căn ngăn nên ông Hoàng bỏ ra quán cà phê đầu hẻm.

Khoảng 15 phút sau, ông quay trở lại và tiếp tục cãi cọ với vợ. Sau đó, ông Hoàng cầm  một con dao để trong bếp chĩa vào bụng mình và thách đố vợ: "Mày giỏi đâm chết tao đi, nếu không tao đâm mày chết".

Ông Hoàng vừa dứt lời thì vừa lúc đó bà Én vung tay chụp tay cầm dao của ông Hoàng rồi đẩy vào bụng chồng. Sau khi gây án, bà Én nhờ cháu đưa chồng đi cấp cứu nhưng ông Hoàng đã chết.

Theo biên bản giám định pháp y, ông Hoàng tử vong do choáng mất máu không phục hồi được. Ngay sau vụ án xảy ra, bà Én đã đã đến cơ quan Công an tự thú. Mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh đã xử phạt bà Én 8 năm tù về tội giết người.

Ngày 13/3, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên mức hình phạt cao nhất (tử hình) cho bị cáo Phùng Thanh Vũ (25 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) về tội giết chính cha ruột của mình.

Theo nhận định của toà, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong gia đình nhưng Vũ đã phạm tội với hành vi đặc biệt nghiêm trọng.

Tại phiên toà, dù đại diện người bị hại (cũng là mẹ bị cáo Vũ) - bà Trương Tuyết Minh thiết tha yêu cầu HĐXX xin cho Vũ mức án khoan hồng. Bà cho rằng, vụ án xảy ra cũng có một phần lỗi của nạn nhân, vì trước đó ông Anh thường xuyên nhậu nhẹt về gây gổ và mắng chửi gia đình. Bị ức chế lâu ngày nên Vũ đã hành động dại dột.

Tuy nhiên, không đồng ý với quan điểm của bà, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, hành vi của Vũ đã không còn tính người vì trong quá trình xảy ra vụ án, Vũ có đến ba cơ hội để dừng tay giết cha nhưng bị cáo đã không dừng lại.

Và sau khi thực hiện xong tội ác Vũ có thể kêu mọi người tới giúp hoặc đưa cha mình đi cấp cứu nhưng bị cáo đã không làm điều đó… Đồng quan điểm với VKS, HĐXX đã tuyên phạt Vũ mức án cao nhất.

Nạn nhân của bạo hành gia đình

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết những cá nhân này đều bị rối loạn hành vi. Họ là những người từng sống trong gia đình có bầu không khí tiêu cực. Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, lời khuyên là khi bất ổn tâm thần, bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý. Đừng tự mình giải quyết vấn đề khi thấy vấn đề trầm trọng.

Theo bà Tâm, mỗi con người đều có khả năng chịu đựng khác nhau, có người chịu được khi gặp "cú sốc" (người thân qua đời hay cha mẹ ly dị…) nhưng có người khi gặp phải những trường hợp này cũng có thể điên lên…

Vì vậy, người tinh thần yếu đuối thì nên tìm một chỗ dựa tinh thần để chia sẻ. Cách dễ nhất là bạn chia sẻ với người thân, bạn bè nhưng người đó phải là người biết phải trái, có uy tín.

Ngoài ra, hướng tích cực nhất là bạn phải biết giải quyết vấn đề trên chính đối tượng gây ra bức xúc cho mình. Nếu không được nữa thì nên nhờ chính quyền giải quyết

Anh Huy
.
.
.